Tài xế xe buýt Đà Nẵng lại đình công, có hay không chuyện trợ giá có vấn đề?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sự việc hàng trăm tài xế xe buýt của Công ty CP Công nghiệp Quảng An đình công diễn ra ngày 9/11 không khác mấy vụ đình công trước đó.

Xe buýt nằm bãi đổ do tài xế đình công
Xe buýt nằm bãi đổ do tài xế đình công

Tài xế bãi công vì doanh nghiệp liên tục nợ lương

Sáng ngày 9/11, hơn 100 người lao động là tài xế, phụ xe của Chi nhánh II - Công ty CP Công nghiệp Quảng An I (Công ty Quảng An) tại Đà Nẵng - đơn vị vận hành xe buýt công cộng Đà Nẵng, đã ngưng việc tập thể vì bị nợ lương nhiều tháng qua.

Theo các tài xế, Công ty Quảng An đã nợ lương người lao động suốt nhiều tháng qua, dù trước đó các tài xế đã đình công nhưng tình hình vẫn không khả quan. Bị rơi vào tình thế bắt buộc, hơn 100 tài xế, phụ xe buýt làm việc cho Công ty Quảng An đã đồng loạt nghỉ việc, vây bến bãi đỗ xe để yêu cầu doanh nghiệp chi trả tiền lương và đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Tài xế Đặng Văn H. (51 tuổi, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) - cho biết: “Không chỉ tôi, mà hàng trăm người lao động tại đây bị Công ty Quảng An nợ lương từ tháng 7 đến nay. Khi chúng tôi kiến nghị thì lãnh đạo Công ty hứa trả lương tháng 7 vào ngày 9/10 nhưng đến ngày 9/11 vẫn chưa trả”.

Các tài xế, phụ xe tại buổi đình công đòi quyền lợi

Các tài xế, phụ xe tại buổi đình công đòi quyền lợi

Không những vậy, theo các tài xế nơi đây, không những bị chậm trả lương mà hàng tháng, họ vẫn bị Công ty trừ hơn 400.000 đồng tiền bảo hiểm các loại, song đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ chế độ bảo hiểm nào.

Bức xúc ông H- cho biết thêm: “Tôi gắn bó với Công ty 4 năm nay (từ tháng 10/2016), cố gắng bám trụ để nuôi con nhưng từ tháng 7/2020 đến giờ vẫn chưa nhận được đồng lương nào, không có bảo hiểm y tế. Sáng nay tôi phải mượn 500 nghìn đồng để mua thuốc uống”.

Cũng giống như ông H., chị Ánh Ng. (phụ xe) - cho biết, vì quá bức xúc chuyện trả lương nên nhiều người có ý định nghỉ việc tại công ty. Tuy nhiên, khi giải quyết các thủ tục bảo hiểm xã hội thì mới biết công ty chỉ mới đóng bảo hiểm cho mình đến tháng 6/2019, chậm hơn 1 năm qua. Và dù vậy, hàng tháng chị đều bị khấu trừ các khoản bảo hiểm trừ lương.

Việc hàng loạt phụ xe, tài xế tạm ngưng làm việc khiến hệ thống xe buýt nội thành ở Đà Nẵng bị đình trệ, nhiều học sinh đến trường bằng phương tiện này cũng bị ảnh hưởng, buộc lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng phải có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc thì số tài xế mới quay trở lại làm việc.

Có hay không việc trợ giá không đủ?

Có mặt tại hiện trường, ông Bùi Thanh Thuận - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng đã phải động viên tài xế, phụ xe tiếp tục làm việc, không tổ chức bãi công làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải công cộng của TP. Đồng thời cam kết sẽ làm việc với doanh nghiệp để giải quyết quyền lợi cho người lao động thì sự việc mới vãn hồi, người lao động mới trở lại làm việc.

“Sau khi thuyết phục thì các tài xế và nhân viên đã quay trở lại làm việc và các tuyến xe buýt cũng đã hoạt động trở lại. Nguyên nhân của việc đình công này là do doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động. Chiều cùng ngày, phía doanh nghiệp cũng đã thanh toán lương cho người lao động.” – ông Thuận cho hay.

Cũng theo ông Thuận, việc Công ty Quảng An chậm lương là do khó khăn của doanh nghiệp, không hề do chuyện trợ giá không đảm bảo như một số thông tin dư luận.

“Sắp đến chúng tôi sẽ làm việc rốt ráo với doanh nghiệp để giải quyết căn cơ vấn đề này, tránh ảnh hưởng đến chủ trương phát triển giao thông công cộng của TP. Liên quan đến vấn đề trợ giá, tôi có thể khẳng định TP đã thực hiện trợ giá đúng, đầy đủ và đúng tiến độ, không có chuyện chậm hay thấp. Vấn đề khó khăn dẫn đến nợ lương người lao động là vấn đề của doanh nghiệp” - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng khẳng định.

Xe buýt trợ giá ở Đà Nẵng

Xe buýt trợ giá ở Đà Nẵng

Liên quan đến vấn đề Công ty Quảng An nợ bảo hiểm xã hội 15 tháng với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng của khoảng 200 lao động tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận Hải Châu, lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết sẽ làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Được biết, đây là lần thứ 2 các tài xế xe buýt của công ty này đình công, vây bến và dừng hoạt động vận tải hành khách khiến hơn 150 đầu xe, cùng 12 tuyến xe buýt nội thành Đà Nẵng phải ngưng hoạt động trong năm qua. Thiết nghĩ, UBND TP Đà Nẵng cần xem xét lại năng lực vận hành của doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng chung đến hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.