Trung Quốc đang đối diện với một bài toán hóc búa về tiền tệ. Trong một năm vừa qua, tỷ giá nhân dân tệ đã tăng hơn 10% tính theo tỷ trọng thương mại. Yếu tố này góp phần tạo sức ép lên ngành xuất khẩu.
Tỷ giá đồng nhân dân tệ trong 12 tháng qua. Biểu đồ: Bloomberg
Tháng Ba, xuất khẩu của nước này trượt 15% so với cùng kỳ năm 2014, xuống 144,6 tỷ USD. Trong cả quý đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc suy giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục giảm trong tháng Tư.
Thặng dự thương mại rời đỉnh cao trong hai tháng đầu năm, tiêu tan 60% xuống còn 3,08 tỷ USD.
Đối phó với tình trạng này, phá giá đồng tiền là một phương sách giải quyết khả dĩ được nhiều quốc gia chọn lựa.
Tháng Ba, cả Hàn Quốc và Thái Lan đều đồng loạt cắt giảm lãi suất để bảo vệ lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu, trước tình trạng Ngân hàng Trung ương châu Âu và Nhật Bản cùng nới lỏng tiện tệ để kích cầu khiến euro và yen tăng mạnh. Kể từ đầu năm đến nay, ít nhất 30 quốc gia đã nới lỏng chính sách.
Tuy nhiên chạy đua tiền tệ không phải là nước cờ Trung Quốc có thể lựa chọn.
Có hai nguyên nhân chính. Đầu tiên là vấn nạn tháo vốn ngoại. Ngân hàng hoàng gia Scotland ước tính đến thời điểm cuối tháng Ba, nhà đầu tư nước ngoài đã tháo tới 300 tỷ USD khỏi Trung Quốc chỉ trong vòng nửa năm. Một số nghiên cứu khác thậm chí đưa ra con số cao hơn.
Số liệu: Bloomberg
Tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc “bốc hơi” 260 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2015. Các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường Trung Quốc bao gồm quỹ đầu tư quốc tế, cá nhân và doanh nghiệp.
Họ là từng là các nhà đầu tư “lướt sóng”, săn lợi nhuận thông qua đầu tư vào các kênh trái phiếu và cổ phiếu, mang lại lợi tức nhanh chóng khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng nóng giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên sau khi báo cáo cho thấy đà tăng trưởng chững lại ở mức đáng ngại trong quý I, nợ xấu gia tăng, rủi ro vỡ nợ trái phiếu phình to, dòng vốn đầu tư nóng này bắt đầu thoái lui.
Quyết định phá giá nhân dân tệ vào giai đoạn này chỉ càng đẩy mạnh luồng vốn chảy ròng và gây hoảng loạn trong giới đầu tư.
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Bắc Kinh đang nỗ lực đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ chính thức của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cùng USD, euro, yen và bảng Anh.
Hiện quốc gia này xử lý 10% khối lượng giao dịch thương mại trên toàn thế giới, nhưng chỉ hơn 2% các khoản thanh toán quốc tế sử dụng đồng nhân dân tệ.
Số liệu: SWIFT
Để thuyết phục IMF, Trung Quốc không thể phá giá tiền tệ. Trước đây Washington đã từng chỉ trích Bắc Kinh neo giá bản tệ để bảo vệ xuất khẩu.
Mặc dù vậy, giới quan sát nhận xét Trung Quốc vẫn còn nhiều công cụ khác để tạo đà tăng trưởng, ví dụ như cắt lãi suất - biện pháp đang được Ngân hàng Trung ương nước này khai thác triệt để.
Trong 6 tháng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất tới 3 lần. Gần đây nhất là vào cuối tuần vừa rồi, với lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm giảm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 5,1%, có hiệu lực từ 11/5.
Theo: BizLive