Tại sao Tết của người Việt đang dần mất đi hương sắc cổ truyền?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dường như không khí Tết ngày nay không còn giống hương vị Tết trong quá khứ. Tết cổ truyền đang mất dần hương vị vốn có, lòng người cũng vơi đi phần nào.
Tết cổ truyền Việt Nam.
Tết cổ truyền Việt Nam.

Dường như không khí Tết ngày nay không còn giống hương vị Tết trong quá khứ. Trong tiếng pháo, một năm đi qua, một năm mới đến, gió xuân cùng những hạt mưa nhẹ lất phất, nhà nhà chuẩn bị đào mai. Thật là một không khí Tết yên bình và hân hoan. Trong phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt xưa, Tết được bắt đầu khi các gia đình làm lễ tiễn ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp). Sau lễ này, Tết đã len lỏi vào từng gia đình, làng quê. Từ xưa đến nay, tết cổ truyền luôn là lễ hội lớn nhất trong năm.

Bao nhiêu người quay cuồng với công việc cũng ngày đêm trăn trở, mong ngóng được trở về quê sum họp cùng gia đình trong dịp năm mới. Vì vậy, Tết có ý nghĩa vô cùng lớn đối với người Việt và ảnh hưởng đến tâm hồn của mỗi con người Việt. Tuy nhiên, phong tục đón Tết ngày nay dường như đang thay đổi quá nhiều. Đâu là lý do khiến hương vị phai dần theo năm tháng.

Thứ nhất, do sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, nhiều món ngon ngày trước chỉ có thể ăn trong dịp năm mới nay có thể ăn bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Do đó, tâm lý mong đợi năm mới của mọi người đã giảm mạnh.

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết.

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết.

Tôi vẫn nhớ rằng khi tôi còn nhỏ, tôi rất thích ăn bánh tét, bánh chưng. Vài ngày trước Tết Nguyên đán, bà tôi sẽ thường bắt đầu chuẩn bị những món bánh này. Bữa tối giao thừa cũng rất phong phú, một bàn đồ ăn, có thể ăn tùy thích. Ngày thường hầu như không có những món ngon như vậy nên những đứa trẻ như tôi đều rất háo hức. Ngày Tết, các cô dì chú bác đều về nên bà sẽ cố gắng trổ tài cho mọi người xem.

Tuy nhiên, bây giờ đã khác rồi. Lũ trẻ con ngày nay thậm chí còn chẳng thích ăn bánh tét, bánh chưng nữa vì có vô số món hấp dẫn ngon hơn nhiều. Nhiều gia đình chỉ mua một hai cái thắp hương bàn thờ cho có.

Trước đây, đời sống vật chất vô cùng nghèo khổ, đến Tết mới được cải thiện thực phẩm, chỉ trong ngày Tết cả nhà mới được ăn thịt. Quần áo mới cũng chỉ có thể mặc trong ngày Tết, vì vậy Tết Nguyên Đán có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân ngày trước.

Ngày nay, đời sống vật chất vô cùng phong phú, ngày nào cũng được sống như ngày Tết, cả người lớn và trẻ nhỏ đều không có cảm giác mong chờ Tết đến.

Thứ hai là sự phát triển của mạng lưới và công nghệ. Với sự tiến bộ của Internet và công nghệ, khoảng cách giữa con người ngày càng ngắn lại, nhưng khoảng cách giữa “trái tim và trái tim” cũng ngày càng xa, tình cảm ngày càng thu nhỏ lại. Khi đi làm xa, nhiều người không thể về kịp đón Tết cùng cha mẹ, vì vậy họ cũng chỉ gọi một cuộc video cho gia đình qua điện thoại di động để chúc mừng năm mới.

Những năm gần đây, ý thức về nghi lễ sum vầy gia đình trong Tết Nguyên Đán đã không còn nữa. Trong những ngày Tết sum họp, dù cả gia đình quây quần bên nhau nhưng thời gian dành cho nhau rất ít.

Nhiều người cầm điện thoại di động chúc mừng với anh em đồng nghiệp, bạn bè mà quên mất người già trong gia đình. Họ buôn chuyện trên điện thoại để mặc ông bà, cha mẹ tự chuẩn bị Tết. Đây có phải việc mà con cháu nên làm? Trong một số gia đình, điều này thậm chí còn quá đáng hơn. Khi ông bà cha mẹ gọi vào ăn cơm, không ít người trẻ vẫn còn mải mê chơi điện thoại, điều này khiến họ tổn thương biết chừng nào. Bao ngày mong ngóng con cháu trở về để trò chuyện, tâm sự, hàn huyên câu chuyện thì chúng lại chỉ chăm chăm vào cái màn hình vô tri vô giác. Trước sự phát triển của Internet và công nghệ, dường như xã hội đang tồn tại một rào cản vô hình giữa con người với nhau.

Công nghệ tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng kéo theo không ít rắc rối. Mối quan hệ giữa mọi người được kéo gần lại nhưng đồng thời cũng bị đẩy ra xa hơn. Sự ra đời của Internet và điện thoại di động thực sự đã làm tổn thương một số người cao tuổi.

Họ cảm thấy rằng về sự tồn tại của họ không bằng một chiếc điện thoại di động, bao nhiêu năm tháng nhọc công nuôi con khôn lớn lên người, cuối cùng lại bị bọn trẻ đối xử như vậy.

Vì sự ra đời của Internet và điện thoại di động, phong tục chúc Tết đến nhà vào ngày đầu năm mới cũng bị hủy bỏ. Nhiều người không muốn ra ngoài mà gửi tin nhắn cho người thân và bạn bè.

Đồng thời, nhiều người cũng cho rằng đến chơi nhà người khác sẽ gây phiền phức cho họ khi phải ra tiếp đãi rồi còn mời cơm mời nước. Mặt khác, chính họ có thể không muốn ra ngoài. Họ cảm thấy ở nhà còn thoải mái hơn. Họ thà chọn gửi tin nhắn điện thoại thay cho lời chúc mừng năm mới của mình hơn là đến thăm người thân.

Chính vì ảnh hưởng của quan niệm này mà dư vị của năm mới ngày càng kém đi, nhiều người không muốn đi chúc Tết. Nhưng một bài chúc dài đằng đẵng gửi đến trên điện thoại sẽ chẳng giờ thân mật bằng việc chính bạn đi thăm và chúc Tết người lớn tuổi. Mối quan hệ gia đình, họ hàng giữa mọi người đã dần phai nhạt theo cách này, hương vị của năm tháng cũng từng chút một mất đi.

Ảnh trích từ video Neptune

Ảnh trích từ video Neptune

Thứ ba, đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến một số lượng lớn người dân nông thôn vào thành phố và sống trong các tòa nhà cao tầng. So sánh với những ngôi nhà nhỏ ở vùng nông thôn trước đây, điều kiện sống hiện nay có thực sự tốt hơn nhiều, nhưng các tòa nhà cao tầng cũng sẽ ngăn cách khoảng cách giữa lòng người.

Trước đây, khi tôi ở quê sang nhà hàng xóm chào hỏi, người hàng xóm sẽ rất nhiệt tình giúp đỡ, nhưng bây giờ tôi thực sự không dám gõ cửa nhà hàng xóm một cách dễ dàng, vì mọi người đều không quen, có thể do một năm không gặp. Chúng tôi gặp nhau vài lần và hiếm khi nói chuyện.

Khi còn ở quê, mọi người đều ở chung một làng, sống cách vách, người xưa có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, hễ gặp chuyện gì thì dân làng nhất định sẵn lòng giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, khi càng nhiều người dân đổ xô vào thành phố, nhiều ngôi nhà ở nông thôn không còn người ở, sự tiếp xúc của con người ngày càng ít đi.

Trước đây, chúng ta thường quan tâm đến việc thăm hỏi họ hàng, bạn bè trong dịp Tết Nguyên đán, có thể vào buổi sáng, mọi người ở mọi lứa tuổi, lớn nhỏ, cùng một gia đình trong cùng một bản làng đều đi thăm nhau từ nhà này sang nhà khác. Đi bộ từ đầu làng phía đông sang đầu làng phía tây, thăm chúc Tết từ nhà này sang nhà khác, thế hệ trẻ cúi đầu khi gặp thế hệ lớn tuổi, người già sẽ vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy các gia đình cùng nhau quây quần.

Trong quá trình đô thị hóa ngày nay, nhiều gia đình đã cùng nhau chuyển lên thành phố, Tết ít về quê, trong làng chỉ còn lại một số người già không chịu di dời. Vì vậy, trong những ngày Tết, bạn sẽ không bao giờ còn thấy những câu chúc Tết sôi nổi nữa, hầu hết những người trẻ đều dọn ra khỏi làng quê hoặc đi làm ở nơi khác, không còn thời gian để về quê ăn Tết, hương vị Tết sẽ dần phai nhạt.

Ngoài ra, hương vị ngày Tết phai nhạt một phần cũng liên quan đến chính sách hiện hành. Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường vô cùng nghiêm trọng, trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều nơi đã cấm đốt pháo; bắn pháo hoa không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây ra vấn đề nguy hiểm với con người. Nhưng nếu không đốt pháo, bạn sẽ luôn cảm thấy không khí Tết thiếu đi chút gì đó. Đối với ký ức về Tết, ngoài một loạt hoạt động như ăn tối đêm giao thừa, xem Táo quân, nhận lì xì, chúc Tết thì pháo hoa luôn có một vị trí nhất định.

Khi tôi còn nhỏ, năm nào bố tôi cũng mua một ít pháo trước Tết Nguyên Đán, sau đó chờ đến đêm 30 cùng đốt pháo.

Đến giao thừa, ngồi xem pháo hoa cùng bố mẹ và chị gái, lòng tràn đầy mong đợi vào một năm mới, tình yêu ngày Tết càng thêm da diết. Đủ loại pháo hoa đẹp mắt nở trên bầu trời khiến người ta càng thêm vui mừng và phấn chấn. Tạm biệt một năm đã qua, đón chờ một năm mới đến, cái mới và cái cũ được chuyển giao trong ánh pháo hoa nở rộ.

Nhưng với việc ban hành một số chính sách từ chính phủ, việc đốt pháo sẽ hủy hoại môi trường, ngày càng nhiều nơi không cho phép đốt pháo nữa. Tiếng pháo đêm giao thừa cũng ngày càng ít đi, hương vị năm nào cũng mất dần.

Cuối cùng, tôi cho rằng, hương vị lễ hội mùa xuân đã phai nhạt cũng liên quan đến việc giới trẻ chưa quan tâm đúng mức đến văn hóa cổ truyền của người Việt Nam. Nhiều người có tâm lý sùng bái người nước ngoài, nên những đêm Noel, Halloween luôn tưng bừng người đi chơi. Tuy nhiên, trong ngày Tết cổ truyền dân tộc, họ lại không muốn về quê thăm người già vì nhiều lý do, không muốn ăn bữa cơm sum họp gia đình. Nhiều người cho rằng Tết không có gì thú vị, mọi thứ đều mang tính hình thức, họ không thích Tết chút nào. Vả lại về quê cũng tốn kém, vì thế họ chọn ở lại ăn uống, vui chơi cùng bạn bè.

Trên thực tế, Tết là nét văn hóa truyền thống chung của dân tộc Việt Nam, là một phong tục tốt đẹp được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tết không chỉ là lễ hội lớn của người dân Việt Nam mà còn được người dân thế giới yêu thích và quan tâm.

Tuy nhiên, bản thân là người Việt Nam mà chính chúng ta lại không mấy mặn mà đến bản sắc dân tộc. Nếu các thế hệ con cháu Việt Nam không chú ý đến Tết và văn hóa truyền thống thì nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta sẽ biến mất trong tương lai.

Thật đáng tiếc khi nhiều bạn trẻ đã quên, thậm chí không biết một số phong tục truyền thống của người Việt Nam trong dịp Tết nguyên đám, vì vậy, chúng ta phải tăng cường quảng bá để thế hệ trẻ coi trọng văn hóa truyền thống dân tộc. Dù mùa xuân đang mất dần hương vị ngày Tết, nhưng chúng ta không thể làm cho lòng người ngày càng vơi đi.