Syria bắn hạ 71 tên lửa liên quân Mỹ-Anh-Pháp: Nga "phù phép" hay sự bẽ mặt của phương Tây?
Phú Lộc
VietTimes -- Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, gần 70% số tên lửa của họ bị các hệ thống phòng thủ của Syria đánh chặn. Có phải Nga đang phóng đại hoặc là thất bại bẽ bàng của liên quân Mỹ-Anh-Pháp?
Theo nhiều nhà quan sát, cuộc tấn công chớp nhoáng do liên quân Mỹ-Anh-Pháp phát động sáng 14/4 chỉ đạt mục đích chính trị nhưng thất bại về mặt quân sự. Phương Tây, đặc biệt là tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn đường lùi sau những tuyên bố đầy ồn ào và đanh thép.
Ở thế "cưỡi lưng cọp", nếu không tấn công Syria uy tín của ông Trump sẽ giảm mạnh và mất thể diện vì chỉ lớn tiếng mà không làm. Mỹ cũng phải tính rất kỹ và thực tế cho thấy liên quân đã không đụng đến lực lượng Nga hiện diện tại Syria. Bởi lẽ, một cuộc tấn công nhằm vào quân Nga tại Syria sẽ có nguy cơ dẫn đến đụng độ trực tiếp giữa hai siêu cường quân sự Nga-Mỹ, thậm chí là không thể kiểm soát và chiến tranh hạt nhân....
Tấn công Syria, ông Trump có thể làm giảm sức ép từ phía quân đội sau khi ông tuyên bố sẽ sớm rút quân khỏi Syria cách đây một tuần khiến phe diều hâu bực tức. Đánh Syria, ông Trump cũng phần nào kéo sự chú ý của dư luận Mỹ ra khỏi cuộc điều tra nhắm vào cáo buộc Nga can thiệp bầu cử liên quan trực tiếp đến cá nhân ông...
Tuy nhiên, xét về hiệu quả quân sự thì đòn tấn công của liên quân sáng 14/4 lại chẳng có mấy ý nghĩa. Đòn tấn công không gây thiệt hại gì đáng kể cho chính quyền và quân đội Syria vì họ đã có thời gian sơ tán các cơ sở và lực lượng quan trọng, bố phòng lại các đơn vị. 105 quả tên lửa chỉ phá hủy được một vài tòa nhà trống được cho là cơ sở nghiên cứu vũ khí hóa học, và khiến 4 dân thường bị thương...
Trên thực địa, cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh cũng không thể đảo chiều cục diện quân đội Syria được Nga và Iran hậu thuẫn đang thắng thế, liên tiếp giải phóng các khu vực từng được coi là thánh địa của quân thánh chiến.
Nếu kết quả đúng như Nga tuyên bố, phòng không Syria sử dụng các hệ thống phòng không sản xuất từ thời Liên Xô mà đã đánh chặn thành công 71 quả tên lửa trong số 105 tên lửa phóng vào Syria sáng 14/4, thì quả là một thất bại muối mặt của Mỹ và đồng minh.
Theo thống kê, 4 tên lửa tấn công vào sân bay Duvali đều bị đánh chặn, 12 tên lửa tấn công vào sân bay Dumeir đều bị đánh chặn, 18 tên lửa tấn công vào sân bay Blay đều bị đánh chặn, trong số 9 tên lửa tấn công vào sân bay Mezze 5 tên lửa bị đánh chặn, trong số 16 tên lửa tấn công vào sân bay Homs 13 tên lửa bị đánh chặn, 30 tên lửa tấn công các mục tiêu ở khu vực Barza và Jaramani 7 tên lửa đã bị đánh chặn...
Trung tướng Sergei Rudskoi của Nga cho biết, đợt tấn công bằng tên lửa của phương Tây vào Syria gây ít tổn thất bởi lực lượng Syria đã sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa sản xuất thời Liên Xô để bắn hạ hàng chục tên lửa.
Ông Rudskoi còn ca ngợi “tính hiệu quả cao của vũ khí mà Syria đang nắm giữ cũng như việc các binh sĩ Syria được các chuyên gia của chúng ta huấn luyện một cách xuất sắc để có thể sẵn sàng đối phó với tình hình”.
Phía Mỹ đã ngay lập tức phản ứng và chế giễu phát biểu của Nga. Tướng Mỹ Kenneth Whitethuộc Hội đồng tham mưu liên quân tuyên bố không có tên lửa nào bị bắn hạ. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White cáo buộc rằng, những gì tướng Nga Sergei Rudskoi nói về cuộc tấn công Syria là “giả dối” và rằng hoạt động quấy rối của Nga đã gia tăng nhằm tìm cách khỏa lấp những thành công của cuộc tấn công.
“Đã có sự gia tăng 2.000% trong các hoạt động chơi xấu của Nga trong 24 giờ qua”, bà White cáo buộc. Hiện vẫn chưa có bất cứ nguồn nào xác nhận tính chính xác của tuyên bố từ hai phía.
Phải chăng các tên lửa hành trình Tomahawk từng được gọi là “sứ giả chiến tranh” bất khả chiến bại của Mỹ nay đã mất thiêng, hoặc giả đây là một phần cuộc chiến tranh thông tin giữa các bên trong cuộc chiến ngày càng trở nên phức tạp và tàn khốc hơn tại Syria?