SVDCA đồng hành với các địa phương phát triển khu công nghệ thông tin tập trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo số liệu ghi nhận đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 30 trung tâm dữ liệu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, quy mô thị trường đạt 1.730 triệu USD, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023-2027 là 22%.

SVDCA đồng hành với các địa phương phát triển khu công nghệ thông tin tập trung

Chiều 15/7, Sở Thông tin và truyền thông (Đồng Nai) phối hợp với Chi hội Truyền thông số phía Nam (SVDCA) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), tổ chức buổi trao đổi, cập nhật tình hình phát triển thị trường và các tiêu chuẩn về trung tâm dữ liệu. Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, UBND huyện Long Thành.

Tại sự kiện, các chuyên gia thuộc Trung tâm dữ liệu SVDCA đã trình bày, giới thiệu và trao đổi, cập nhật tình hình phát triển các trung tâm dữ liệu trên thế giới, tiêu chuẩn, điều kiện phát triển trung tâm dữ liệu; khuyến nghị cho địa phương trong quá trình hình thành, phát triển khu công nghệ thông tin tập trung.

IMG_0118.JPG
Đại diện Sở Thông tin và truyền thông (Đồng Nai) và Chi hội Truyền thông số phía Nam (SVDCA) tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh - Trưởng ban Phát triển đối tác Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây (SVDCA) cho hay, các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Amazon, Microsoft, Google và Meta đang mở rộng mạng lưới trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, đặc biệt chú trọng vào các thị trường mới nổi và cam kết sử dụng năng lượng tái tạo.

Cụ thể, AWS đặt mục tiêu đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025, Microsoft hướng tới vận hành không carbon vào năm 2030, Google phấn đấu sử dụng năng lượng không carbon vào năm 2030, Meta nhắm tới giảm phát thải carbon và nâng cao hiệu quả năng lượng.

Theo số liệu ghi nhận đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 30 trung tâm dữ liệu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Quy mô thị trường trung tâm dữ liệu đạt 1.730 triệu USD năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023-2027 là 22%.

Động lực tăng trưởng của thị trường gồm đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài; nhu cầu cao từ nền kinh tế số và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

IMG_0089.JPG
Bà Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh.

Nhận định về các thách thức phát triển, bà Xuân Quỳnh cho rằng thị trường sẽ đối mặt với thiếu hụt cơ sở hạ tầng, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc gia tăng dự án trung tâm dữ liệu có thể gây áp lực lên hạ tầng điện, nước, giao thông; thách thức về tuân thủ các quy định địa phương và quốc tế.

Đại diện SVDCA kiến nghị các địa phương tăng cường hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư nước ngoài, đồng hành và hướng dẫn nhà đầu tư, cùng với đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án, cung cấp các ưu đãi. Ông Nguyễn Chí Hà Hải - Giám đốc công ty USDC Technology (Hội viên SVDCA), trong buổi gặp mặt đã cập nhật các thông tin, các quy chuẩn cần thiết về việc xây dựng các mô hình trung tâm dữ liệu phù hợp cho tỉnh Đồng Nai, cũng như các yếu tố thiết thực mà nhà đầu tư nước ngoài thật sự quan tâm.

Ông Tạ Quang Trường - Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đồng Nai đánh giá, các thông tin từ buổi trao đổi góp phần giúp các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động tiếp cận thông tin, cập nhật tình hình phát triển trung tâm dữ liệu và các tiêu chuẩn, thu hút đầu tư về trung tâm dữ liệu, nhất là khi trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, trong đó có dự án khu công nghệ thông tin tập trung tại huyện Long Thành.

Sau sự kiện, Sở Thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để trao đổi thông tin, đề xuất xây dựng lộ trình, kế hoạch về phát triển, đầu tư trung tâm dữ liệu, cũng như kết nối đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.