BÓNG ĐÁ VIỆT:

Suy ngẫm về “mô hình hình ống”

VietTimes -- Hiện nay sân cỏ Việt Nam có 13 đội hạng nhì, 12 đội hạng nhất thì việc xây dựng “mô hình hình ống” 3 giải vô địch quốc gia có 14 đội không phải là quá khó. Nhưng làm thế nào để duy trì được số lượng trên là cả một vấn đề quan trọng mà VFF phải tính.
Khán giả cần được xem những pha bóng đẹp, cầu thủ cần có mặt sân đạt chuẩn để có cảm hứng thi đấu. Truyền thông cần có hình ảnh đẹp để quảng bá cho giải đấu. Ảnh SGFC.

Đế có được “mô hình hình ống” các CLB bóng đá Việt Nam tại mùa giải 2021, chúng ta cần có thêm 3 CLB, với khoảng gần 100 cầu thủ và những HLV có đủ bằng cấp.

Với nguồn kinh phí duy trì đội hạng nhì khoảng 18- 20 tỷ đồng/năm, hạng nhất khoảng 23-25 tỷ đồng thì việc các ông chủ có một đội bóng để cuối tuần đến sân thỏa cái đam mê trong 1 năm là điều không khó. Nhưng làm sao để ổn định số đội,  không thành lập, giải thể ngẫu hứng thì VFF phải tính và ràng buộc bằng các quy định chặt chẽ.

Lò PVF đang là nguồn cung cấp cầu thủ cho các CLB. Ảnh VPF

Đào tạo trẻ

Không chỉ hạng nhì, hạng nhất mà ngay tại V.League, các cổ động viên đều có thể đọc ra ý định của các ông bầu. Nếu thấy chụp ảnh, quảng bá CLB ầm ĩ nhưng không thấy tu bổ sân bãi và chú trọng đào tạo trẻ thì cũng chỉ được trống canh là tìm cớ mất hút. Bản thân lâu nay số phận 1 số đội hạng Nhất cũng đang “lay lắt” khi đối diện với vấn đề kinh phí nuôi quân.

Có thể, tiêu chí ở các đội hạng nhì, hạng nhất khác với V.League nhưng rõ ràng những bài học trong quá khứ vẫn còn nóng nổi. Phải có rào cản kỹ thuật để nhận biết được các ông bầu tâm huyết với bóng đá và gạt đi những ông chủ cơ hội, tính toán ăn xổi.

Thực tình hiện nay, khi còn lò đào tạo trẻ PVF, HAGL, Viettel, SLNA, Hà Nội FC và nhiều CLB khác đang có tình trạng dư thừa, chưa kể hàng loạt trung tâm đào tạo trẻ tư nhân ra đời thì cầu thủ đá hạng nhì, hạng nhất không thiếu. Nhưng rõ ràng đào tạo trẻ vẫn là điều kiện bắt buộc của các CLB bóng đá chuyên nghiệp, VFF cần có lộ trình và gắt gao kiểm tra việc tuân thủ. Theo tính toán, nếu biết “lựa cơm, gắp mắm” với chi phí 15-18 tỷ đồng/năm là một CLB sẽ có đủ các tuyến trẻ từ U11.

Đầu tư hạ tầng

Về điều kiện hạ tầng, trong đó có mặt sân thi đấu là điều lâu này VPF du di và để lại tiếng xấu nhiều nhất. Mãi đến khi khán giả sân Vinh “kêu trời” vì thấy cầu thủ liên tục chấn thương khi luyện tập, ánh sáng không đủ để nhìn thấy bóng từ khán đài thì VPF mới có công văn hỏa tốc yêu cầu cải tạo.

CLB CAND, ứng cử viên lên hạng Nhất năm sau. Ảnh CLB

Các đoàn kiểm tra của VPF, các giám sát trận đấu nhiều năm qua kiểm tra điều kiện sân bãi cho có lệ. Một số trận đấu điều kiện an ninh không đảm bảo cho trận đấu vẫn không được chấn chỉnh, nên mới có màn pháo sáng đỏ trời của khán giả trên sân Hàng Đẫy. Những lỗ hổng của công tác tổ chức V.League hoàn toàn có thể xẩy ra tại giải hạng nhì, hạng nhất khi chúng ta tăng số lượng.

Về lý thuyết trình độ chuyên môn các đội hạng nhì, hạng nhất có thể thấp hơn V.League nhưng chất lượng sân thi đấu và khả năng tổ chức các trận đấu thì không thể hạ thấp. Khán giả cần được xem những pha bóng đẹp, cầu thủ cần có mặt sân đạt chuẩn để có cảm hứng thi đấu. Truyền thông cần có hình ảnh đẹp để quảng bá cho giải đấu.

Thực ra, kinh phí làm mặt sân không quá lớn (800 triệu đồng nếu dùng cỏ lá gừng và 2 tỷ đồng nếu dùng cỏ Bermuda) và chỉ phía duy tu bảo dưỡng chỉ 30 triệu đồng/tháng (nếu dùng cỏ lá gừng) và 50 triệu đồng/tháng (nếu dùng cỏ Bermuda). Vấn đề là VPF phải chặn chẽ ngay từ đầu, để những ông chủ muốn tham gia cuộc chơi có thể tính toán lỗ lãi và lường sức cho một cuộc chơi đường dài.

Bóng đá Việt nam muốn có hình tháp đúng nghĩa, giải thấp có số lượng CLB lớn hơn giải cao thì chúng ta phải chấp nhận giai đoạn chuyển tiếp, bước đệm “mô hình hình ống”. Nhưng không vì vậy mà ngay từ đầu chúng ta vội xem nhẹ các tiêu chí bắt buộc. Ngoài đào tạo và cơ sở vật chất, CLB bóng đá chuyên nghiệp cũng còn khá nhiều hoạt động khác như kinh doanh, truyền thông, y tế, dĩnh dưỡng… mà những ông chủ cần phải hình dung thấu đáo.