Một dự luật trong Quốc hội Mỹ được các đại diện bảo thủ ủng hộ thậm chí còn muốn chỉ định súng trường AR-15 là "Súng Quốc gia của nước Mỹ".
Nền tảng súng AR - được sử dụng trong một số vụ xả súng hàng loạt khét tiếng và chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ trong suốt hai thập kỷ qua – một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận sau khi một kẻ ám sát đã sử dụng mẫu súng này để bắn cựu Tổng thống Donald Trump hôm 13/7, khiến tai ông bị thương.
Chiến dịch quảng cáo tinh vi cùng với sự chia rẽ đảng phái đã khiến nhiều người Mỹ yêu thích loại súng này, biến nó thành một biểu tượng văn hóa và chính trị mạnh mẽ ở nước Mỹ, nơi mà Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu vũ khí.
"Sự yêu thích súng AR-15 bắt nguồn từ tiếp thị", Carolyn Gallaher, giáo sư Đại học American, người nghiên cứu về bạo lực và theo dõi sự phát triển của súng kiểu AR, cho biết. "Nó giống như một vở kịch".
"Các nhà sản xuất súng đang cố gắng bán sản phẩm bằng cách khai thác những cảm xúc mạnh mẽ như sự nam tính thái quá, nhu cầu về an toàn và bảo vệ, và hình ảnh của người lính", bà nói.
Chiến lược tiếp thị của ngành công nghiệp súng đã trở thành tâm điểm tranh luận trong một vụ kiện thành công chống lại hãng Remington Arms, do phụ huynh của các nạn nhân vụ xả súng ở trường Sandy Hook năm 2012, thực hiện.
Các phụ huynh của những đứa trẻ thiệt mạng trong vụ xả súng ở trường Uvalde, Texas năm 2022 cũng dùng nêu vấn đề này trong các vụ kiện chống lại nhà sản xuất súng Daniel Defense, cùng với Meta và Activision Blizzard. Các tay súng trong cả hai vụ xả súng đó đều dùng súng kiểu AR-15.
Súng AR-15 được phát triển vào những năm 1950 bởi công ty ArmaLite, và chữ "AR" trong tên gọi của nó bắt nguồn từ đó. Ban đầu, súng này không bán chạy. Công ty Colt mua quyền sản xuất AR-15 vào năm 1959. Các bằng sáng chế của súng này hết hạn vào những năm 1970, cho phép các công ty khác chế tạo phiên bản của riêng mình.
Từ năm 1994 đến 2004, súng AR-15 bị cấm bán rộng rãi theo một đạo luật cấm súng tấn công ở Mỹ, có hiệu lực trong 10 năm. Đạo luật này không được gia hạn, và phần lớn các cuộc thảo luận về việc làm mới đạo luật đến từ các đảng viên Dân chủ.
Doanh số bán súng AR đã tăng mạnh từ năm 2004 và hiện có hơn 28 triệu khẩu súng này đang được lưu hành ở Mỹ, theo Tổ chức Thể thao Bắn súng Quốc gia.
Chris Waltz, một người bán súng ở Georgia và là người sáng lập nhóm AR-15 Gun Owners of America, cho biết súng kiểu AR-15 đã trở thành biểu tượng của những người ủng hộ quyền sở hữu súng trong việc chống lại các nỗ lực cấm loại súng này từ phía những người theo quan điểm tự do.
“Càng bị các nhà tự do chỉ trích và bàn tán, cộng đồng ủng hộ quyền sở hữu súng càng coi trọng chúng", Waltz nói.
Ông cũng cho biết những người phản đối súng AR không nhắc đến việc hàng triệu người Mỹ sử dụng chúng mỗi ngày một cách hợp pháp và an toàn. Theo dữ liệu của FBI, súng trường chỉ được dùng trong chưa đến 3% số vụ tử vong do súng ở Mỹ.
Sự kết thúc của lệnh cấm vũ khí toàn quốc trùng với thời điểm Mỹ ngày càng có tư tưởng quân sự hóa sau sự kiện tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq sau đó. Các chuyên gia cho rằng súng kiểu AR-15 đã trở nên phổ biến trong văn hóa người dân, theo cách chưa từng có đối với bất kỳ loại vũ khí nào trước đó.
Chris Goss, người đã bán súng trong 35 năm, chỉ vào một bức tường trong cửa hàng Foundation Firearms của ông ở Loveland, Colorado, nơi trưng bày một vài khẩu súng kiểu AR-15. Goss cho biết loại súng này có nhiều đặc điểm mà người mua ưa chuộng - độ giật nhẹ, dễ bắn và dễ điều chỉnh theo ý người dùng. Với mức giá khởi điểm từ dưới 500 USD, nó khá rẻ.
Goss cho biết hình dáng của súng AR-15 cũng là lý do chính khiến nó được nhiều người ủng hộ và cả những người phản đối.
"Nó trông rất đáng sợ. Khi nhìn vào súng AR-15, bạn nghĩ ngay đến quân đội, chiến tranh và cái chết", ông nói.
Goss cũng cho biết một số người chọn súng AR-15 chỉ vì vẻ bề ngoài của nó.
"Nếu tôi cho những người đó xem một khẩu súng bán tự động mạnh hơn với thân gỗ, không có vẻ quân đội, họ sẽ không thích", ông nói.
Giáo sư Gallaher đồng ý với Goss rằng vẻ ngoài của súng AR-15 đã khiến nó trở nên phổ biến và trở thành một biểu tượng chính trị và văn hóa.
“Đối với những người trẻ tuổi, súng AR-15 là cách để thể hiện sự nam tính”, bà nói
Ở những nơi bảo thủ ở Mỹ, hình ảnh súng AR-15 rất phổ biến, từ hình dán trên sticker cho đến áo thun quảng cáo cà phê.
Các chính trị gia bảo thủ như Dân biểu Lauren Boebert, thuộc đảng Cộng hòa ở Colorado, thậm chí còn đăng ảnh cùng gia đình cầm súng. Bà là một trong những người ủng hộ dự luật nâng tầm AR-15 thành “súng quốc gia” của Mỹ.