“Sức cùng lực kiệt” vì Covid-19, doanh nghiệp Việt đói vốn như đợi Oxy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với bối cảnh ảm đạm như hiện nay, khi đại dịch đang đe doạ phá huỷ những thành quả và vị thế mà khu vực tư nhân đã vất vả gây dựng trong suốt mấy thập kỉ vừa qua.
Người dân An Giang về tới quê hương sau 4 tháng bị giãn cách ở TP.HCM. Ảnh: Mạnh Hùng.
Người dân An Giang về tới quê hương sau 4 tháng bị giãn cách ở TP.HCM. Ảnh: Mạnh Hùng.

“Sức cùng, lực kiệt, sống ngắc ngoải, chết lâm sàng” là những từ ngữ được nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc sử dụng để mô tả về tình trạng của các doanh nghiệp Việt Nam sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4.

Chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với bối cảnh ảm đạm như hiện nay, khi "cơn cuồng phong" đại dịch đang đe doạ phá huỷ những thành quả và vị thế mà khu vực tư nhân đã vất vả gây dựng trong suốt mấy thập kỉ vừa qua.

Sau hơn 35 năm Đổi mới, kinh tế tư nhân đã đóng góp quan trọng vào thịnh vượng quốc gia. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, mức đóng góp tổng sản phẩm trong nước của khu vực tư nhân liên tục tăng qua các năm, từ 371.000 tỉ đồng năm 2005 lên 2 triệu tỉ đồng vào năm 2018.

Tỷ lệ đóng góp GDP của tư nhân giai đoạn 2005 – 2018 đạt 40-45%, cao hơn cả khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, những thành quả và nguồn lực mà nhiều thế hệ dày công tích luỹ này đang đứng trước nguy cơ bị phá huỷ khi hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào tình trạng kiệt quệ qua bốn đợt sóng Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay.

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2021, có 85 ngàn doanh nghiệp thành lập mới nhưng có tới 90 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trung bình một tháng có đến 10 ngàn doanh nghiệp rời bỏ cuộc chơi.

Thừa nhận đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới, nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc, đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì còn rất đông doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhưng chưa thể làm thủ tục giải thể, phá sản.

Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (Ảnh: Internet)

Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (Ảnh: Internet)

Ông Lộc dẫn chứng số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết 94% doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Cụ thể hơn, theo báo cáo khảo sát 21.517 doanh nghiệp và hộ kinh doanh của Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân thì chỉ có 16% là tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh bình thường. Còn tạm ngừng hoạt động do dịch chiếm đến 69%, giải thể hoạt động và chờ giải thể là 15%.

Bên cạnh đó, 40% số doanh nghiệp cho biết tình hình tài chính rất căng thẳng, chỉ đủ dòng tiền để duy trì hoạt động dưới một tháng; 46% cho rằng có thể cầm cự thêm thời gian ngắn, nhưng cũng không thể quá ba tháng.

“Đây không còn là tổn thương tạm thời nữa, mà đó là suy sụp hệ thống”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) nhận xét thẳng thắn.

Hơn lúc nào hết, giải cứu nền kinh tế, giải cứu doanh nghiệp là mệnh lệnh sống còn. Bởi nếu tiếp tục chậm trễ, phần lớn các doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được nữa.

“Mở cửa hay là chết”

Nhưng trước khi nói tới các gói hỗ trợ của chính phủ, theo các hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia, cỗ máy trợ thở lớn nhất hiện nay cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu đựng cú sốc tăng trưởng chưa từng có:

GDP quý 3 âm sâu hơn 6% là mở cửa lại nền kinh tế, nối lại các hoạt động sản xuất lưu thông để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.

“Mở cửa hay là chết” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh khi cảnh báo về hậu quả của việc chậm trễ mở cửa kinh tế bởi sự tổn thương của doanh nghiệp nếu để quá ngưỡng sẽ không thể phục hồi.

Một tin vui đến với cộng đồng doanh nghiệp khi tối 12/10, bản dự thảo “Thích ứng an toàn với Covid” của bộ Y tế đã được nâng cấp và ban hành thành Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Nghị quyết khẳng định đưa cả nước về trạng thái bình thường mới sớm nhất, theo đó, các hoạt động kinh tế vẫn được cho phép mở và tuân thủ kể cả ở cấp độ dịch cao nhất.

Quan trọng hơn, quy định này áp dụng thống nhất trên toàn quốc, có thể áp dụng linh hoạt các biện pháp bổ sung nhưng không được trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc hàng hoá, sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân.

"Nghị quyết 128 được kì vọng sẽ tháo gỡ các ách tắc lâu nay cản trở việc mở cửa lại nền kinh tế, giúp doanh nghiệp thêm tự tin để hoạt động trở lại, đồng thời đảm bảo kiểm soát rủi ro dịch bệnh trong một chừng mực nhất định", một chuyên gia kinh tế bình luận.

Gói hỗ trợ vốn như “oxy” cho doanh nghiệp

Gói giải cứu thứ hai được các doanh nghiệp và chuyên gia khẩn thiết đề nghị là các gói hỗ trợ tài khoá và tiền tệ từ phía Nhà nước trong bối cảnh mọi nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt. Bởi vì khó khăn của doanh nghiệp lúc này không còn dừng ở vấn đề đội chi phí sản xuất, mà chuyển sang trạng thái “khô máu”.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam so sánh gói hỗ trợ vốn hiện như “oxy cho doanh nghiệp”.

Bởi lẽ, hầu hết các doanh nghiệp hiện đang đối diện với tình trạng “đói vốn” nghiêm trọng trong khi rất khó đủ điều kiện để tiếp cận vốn vay mới. Nếu không được hỗ trợ vốn, họ không thể khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh khi thị trường mở lại.

Chân dung doanh nhân Đặng Hồng Anh. Ảnh: IE.

Chân dung doanh nhân Đặng Hồng Anh. Ảnh: IE.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh để cứu doanh nghiệp, đã đến lúc Chính phủ cần mạnh dạn mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khoá và tiền tệ cho doanh nghiệp và người dân.

Ông dẫn phân tích của Quỹ Tiền tệ IMF cho rằng Việt Nam mới sử dụng 50% dư địa các gói hỗ trợ tài khoá và tiền tệ nên hoàn toàn có thể đẩy mạnh các gói hỗ trợ tài khoá và tiền tệ vào thị trường để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng khác hẳn với những lần khủng hoảng trong quá khứ của Việt Nam, điểm sáng lần này là ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì.

Về mặt ngân sách, mức thâm hụt ngân sách cũng không quá lớn so với dự toán. Việt Nam cũng chưa phải dùng đến dự trữ ngoại tệ, mức dự trữ hiện nay vẫn đang trên 100 tỷ USD.

Do đó, theo ông Thành, không chỉ trong quý 4, mà trong năm 2022, Chính phủ vẫn có thể điều hành chính sách tài khoá và tiền tệ theo hướng hỗ trợ kinh tế. Lãi suất tiền gửi đã ở mức thấp, nhưng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm.

Người dân và doanh nghiệp và người tiêu dùng đang rất cần các gói hỗ trợ mạnh từ gia tăng quy mô gói an sinh và miễn giảm thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng.

Giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng giúp giảm giá bán lẻ để thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và thực thi được ngay vì không cần thêm bộ máy triển khai.

Có một thực tế được nhiều doanh nghiệp nêu lên trong hàng loạt các cuộc gặp với lãnh đạo nhà nước thời gian qua, đó là vai trò doanh nghiệp chưa được tận dụng đúng mức trong quá trình xây dựng các quyết sách ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nói như ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, giới doanh nghiệp “còn ngồi ghế dự bị khá nhiều, thậm chí ngồi ở hàng ghế khán giả”.

Chính vì điều này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết đã đề nghị Thủ tướng tái cấu trúc Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 theo hướng sát nhập tổ phục hồi kinh tế.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế này nhất thiết phải có đại diện của doanh nghiệp tham gia để có thể phối hợp tốt nhất các chính sách y tế và kinh tế./.