|
Su-24 Nga trúng tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ bốc cháy trên không phận biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ |
Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới với nhiều quốc gia Trung Đông bất ổn hoặc là thù địch với Ankrara hoặc cả hai. Với một quân đội hiện đại với 600.000 quân, là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ là một quyền lực khu vực với khả năng thống trị nền chính trị các nước láng giềng như đôi lúc từng xảy ra.
Thổ Nhĩ Kỳ có một số dân lớn và có dân trí khá tốt, nền kinh tế đa dạng và năng động hướng cả về phương Đông và phương Tây, châu Á cũng như châu Âu. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đang tích tụ rất nhiều vấn đề, nhất là sự kiêu ngạo tự coi mình là trọng tài đối với tất các quốc gia láng giềng, trong khi Ankara lại đang tự chuyển biến mình thành một nền toàn trị trong nước.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang cố gắng xoay chuyển quốc gia vốn có truyền thống chia rẽ đảng phái chính trị thành một đảng lãnh đạo duy nhất do ông ta nắm quyền. Bởi thế, Erdogan đã tạo ra cái gọi là “dân chủ tự do” trong khi những người bất đồng chính kiến bị trấn áp một cách có hệ thống và bầu cử gian lận có lợi cho ông ta.
Erdogan đã mạnh tay trấn áp báo chí độc lập bằng cách đầu độc, dọa dẫm các nhà báo và không ngần ngại khoác cho những người chống đối cái mũ “khủng bố”, đánh đập hoặc sát hại họ. Đồng thời tập hợp sự ủng hộ của quân đội và cơ quan tình báo, cảnh sát. Tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay “phỉ báng” một quan chức được xem là một tội danh. Luật pháp rất hà khắc nếu liên quan tới Erdogan. Một người đã bị cách chức và bị kết án tù 2 năm vì dám so sánh Erdogan với nhân vật Gollum trong bộ phim “Chúa nhẫn”.
Erdogan đã thúc đẩy một nền cộng hòa thế tục rộng rãi theo hướng một quốc gia ngày càng theo đuổi các nguyên lý Hồi giáo, tài trợ cho các trường tôn giáo, đưa chương trình giảng dạy tôn giáo vào trường đại học, chuyển đổi các nhà thờ Thiên chúa giáo lịch sử thành nhà thờ Hồi giáo và xây mới hàng trăm nhà thờ Hồi giáo. Ông ta cũng ủng hộ đạo luật cấm uống rượu nơi công cộng và khuyên các nữ tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Turkish Airlines không nên trang điểm…
Sự kiện Ankara bắn hạ Su-24 Nga gần đây (có thể hoặc không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian rất ngắn) là một sai lầm cực kỳ tồi tệ, đã làm rõ tất cả những gì liên quan tới hiện tượng rất liều lĩnh của Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ, đã không thèm biện bạch rằng sự cố là một sai lầm của một sĩ quan cấp thấp, bất chấp sự nhạy cảm của việc bắn hạ máy bay nước ngoài, cho thấy đó là một quyết định bắt nguồn từ thượng tầng chóp bu chính phủ.
Truyền thông cho rằng việc Nga ném bom các nhóm nổi dậy người Thổ Nhĩ Kỳ bên trong lãnh thổ Syria đã khích động dư luận, trong khi giới quân đội Thổ điên tiết trước việc Nga vài lần xâm phạm không phận, nhưng vụ phục kích máy bay Nga một cách dứt khoát và có chủ tâm đã xảy ra chắc chắn sẽ là một nguy cơ lớn. Theo tình trạng bình thường, khi một máy bay lọt vào không phận nước nào đó, máy bay quân sự sẽ cất cánh để hộ tống kẻ xâm nhập rời khỏi không phận. Tuy nhiên, trong trường hợp này rõ ràng lệnh tiêu diệt đã được ban bố, một bước đi liều lĩnh có thể dễ dàng dẫn tới một cuộc xung đột khu vực hoặc thậm chí tồi tệ hơn nếu Ankara không biết làm sao đành cậy nhờ NATO can thiệp nhân danh khối quân sự bảo vệ đồng minh.
Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga vì Moscow đang chiến đấu chống các nhóm phiến quân Syria một cách hiệu quả, bao gồm cả IS, và có khả năng giúp quân đội Syria giành lại những khu vực lãnh thổ đã bị mất. Trong khi Thổ là một đồng minh Mỹ trong cuộc chiến chống IS, đây có vẻ là một sự lựa chọn kỳ cục. Tuy nhiên không thể bỏ qua thực tế rằng Ankara chơi trò hai mặt xảo trá ngay từ đầu về các mục tiêu thật sự của nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã liều lĩnh cho các nhóm chiến binh thánh chiến đi qua lãnh thổ nước này từ châu Âu sang chiến trường Syria và ngược lại. Các mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc nội chiến Syria là làm mọi thứ để tấn công người Kurd và lật đổ Bashar al-Assad khỏi quyền lực. Trái lại, Erdogan hoàn toàn không có lợi ích gì trong việc đánh bại IS.
Ankara đã nghiên cứu rất cẩn trọng để tránh tấn công IS vì mục tiêu thật sự của Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn ngừa việc thành lập một nhà nước của người Kurd mà nếu thành hiện thực sẽ chiếm một phần lãnh thổ đáng kể của Thổ Nhĩ Kỳ. Động lực để Thổ Nhĩ Kỳ chống tổng thống Syria Bashar al Assad do Ankara tin rằng ông Assad ngầm hậu thuẫn các nhóm người Kurd chống Thổ Nhĩ Kỳ doc biên giới. Điều đó có nghĩa Erdogan đang lợi dụng cuộc chiến chống IS như vỏ bọc cho những tính toán riêng của ông ta, không kích lực lượng người Kurd và loại bỏ chính quyền Syria với tư cách người ủng hộ lực lượng ly khai người Kurd có thể sử dụng lãnh thổ Syria như một thiên đường an toàn.
Bởi vậy, có thể hợp lý khi đánh giá rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của IS, bằng cách ngay từ đầu đã hậu thuẫn nhóm khủng bố cấp tiến dòng Hồi giáo Sunni để rồi sau đó chúng cùng nhau thành lập nhóm khủng bố quái thai IS. Khi tôi ở Istanbul vào tháng 7/2014, những kẻ ủng hộ IS có mặt khắp mọi nơi tại các vùng lân cận Istanbul để quyên tiền bạc ủng hộ cho sự nghiệp của chúng.
Kể từ thời điểm đó, người ta thường xuyên được tin các thành viên IS di chuyển qua lại giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mà không hề có sự can thiệp nào từ Ankara. Cũng có thông tin về việc các chiến binh IS bị thương thường được điều trị tại các bệnh viện Thổ Nhĩ Kỳ, phục hồi sức khỏe và tái vũ trang trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta cũng quan sát rộng rãi việc chuyên chở vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria để cung cấp cho IS. Mới đây hai nhà báo có tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt giữ do đã tường thuật về hoạt động vận chuyển vũ khí nói trên. Họ đối mặt với án tù 2 năm nếu bị quy kết có tội.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng chứng tỏ là một kẻ cơ hội đối với các nước láng giềng châu Âu. Ankara đang giành lợi thế nhờ cuộc khủng hoảng người tị nạn mà chính họ là người giúp tạo nên và khai thác hợp pháp nỗi sợ hãi IS thâm nhập. Erdogan cam kết giảm làn sóng người tị nạn nhấn chìm châu Âu nếu như EU chịu chi 3 tỷ euro.
Do người dân Thổ Nhĩ Kỳ chống lại sự can thiệp quân sự bên ngoài biên giới nên chính quyền Erdogan đã dùng đến phương kế tạo cớ để biện minh cho việc tiến hành chiến tranh chống người Kurd trên đất Syria. Vào năm 2014, giám đốc cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã tạo ra một vụ tấn công giả tại mộ quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Shah, vì những lý do lịch sử nằm bên trong lãnh thổ Syria và do lính Thổ Nhĩ Kỳ canh gác. Vụ giết chết binh sĩ Thổ đã tạo ra cái cớ để biện bạch cho việc trả đũa ồ ạt và can thiệp trực tiếp tại Syria.
Gần đây xảy ra một loạt các vụ tấn công bên trong Thổ Nhĩ Kỳ có thể được cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ MIT dàn dựng khai thác để gia tăng áp lực chính phủ đối với cộng đồng người Kurd và đảng Dân chủ nhân dân phổ biến ở khu vực người Kurd. Và tiếp đó là vấn đề tiền. Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ là người mua và xuất khẩu dầu cho IS khai thác tại Syria và Iraq. Công việc kinh doanh này là nguồn thu nhập chính tài trợ cho IS cũng như mang lại lợi nhuận cực kỳ lớn cho gia đình Erdogan.
Con trai tổng thống Erdogan tên Bilal là chủ sở hữu chính của BMZ Group Denizcilik, hãng có các tàu chở dầu chuyên vận chuyển dầu tới các thị trường khác, nhất là tại châu Á và Israel, nơi nguồn gốc dầu không phải vấn đề. Một cuộc điều tra của cảnh sát nhằm vào các hoạt động mờ ám của Bilal và người anh em Burak cũng như con cái của nhiều quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Erdogan chặn đứng khi ông ta cách chức và điều chuyển các cảnh sát và công tố viên liên quan sự việc mà Erdogan tuyên bố mình là nạn nhân của một “vụ đảo chính pháp lý”.
Trong khi đó, con rể Erdogan là bộ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak chủ trì cả việc buôn bán dầu lậu với IS và tuyến đường ống bất hợp pháp vận chuyển 600.000 thùng dầu/ngày từ khu vực người Kurd ở Iraq về cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chúng được đưa lên các tàu chở dầu của Bilal. Iraq đã khiếu nại lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về việc trực tiếp xuất khẩu dầu của người Kurd, vi phạm các thỏa thuận đạt được hồi tháng 12/2014 về việc tiêu thụ dầu của Iraq.
Nghị sĩ Thổ Eren Erdem, người từng cố phơi bày những hoạt động làm ăn phi pháp của gia đình Erdogan đã bị một tờ báo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “con rối của Mỹ, gián điệp Israel, một kẻ ủng hộ những kẻ khủng bố PKK và kẻ xúi giục đảo chính”.
Hiện nay, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang tìm cách tăng cường quyền lực của mình, đã trở thành một nguy cơ với tất cả các quốc gia láng giềng, nhưng chủ yếu lại gây ra tổn hại cho Thổ. Xung đột với Nga chẳng hề phục vụ cho lợi ích quốc gia. Lôi kéo NATO vào vụ bắn hạ máy bay quân sự Nga có chủ ý khiến cả Washington và Brussels đều bị sốc. Không ai biết chắc Erdogan sẽ đi đường nào, nhưng tất cả đều hoàn toàn chắc chắn rằng hậu quả sẽ rất, rất khốc hại.
* Lược dịch bài viết của tác giả Philip Giraldi trên Unz Review
Theo QPAN