Spotify hiện là nền tảng phát nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới với hơn 515 triệu người dùng, trong đó có 210 triệu người đăng ký trả phí. Tính đến năm 2023, Spotify được định giá 27,62 tỉ USD và thu về mức doanh thu mỗi năm hơn 12 tỉ USD.
Nền tảng này được phát triển bởi hai doanh nhân người Thụy Điển là ông Daniel Ek và ông Martin Lorentzon, với mục đích tạo ra một giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc, vốn diễn ra tràn lan vào đầu những năm 2000.
Từ năm 2006, Ek và Lorentzon đã lên ý tưởng thiết kế một nền tảng cung cấp cho người dùng quyền truy cập tức thì vào thư viện âm nhạc khổng lồ, đồng thời đảm bảo rằng các nghệ sĩ và chủ sở hữu nhận được khoản phí xứng đáng.
Đến tháng 10/2008, Spotify chính thức được ra mắt, với tên gọi là sự kết hợp giữa hai từ "Spot" và "Identify".
Sự kết hợp độc đáo của nền tảng với thư viện âm nhạc rộng lớn, giao diện thân thiện với người dùng và các tính năng sáng tạo đã khiến Spotify trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Năm 2011, Spotify đã có hơn 10 triệu bài hát và người dùng ở 7 quốc gia châu Âu.
Tuy nhiên, thành công của Spotify chưa bao giờ đến một cách dễ dàng. Vì lựa chọn hướng đi khác nên đội ngũ khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhà sáng lập Daniel Ek đã từng phải dành rất nhiều thời gian để thuyết phục các nhà đầu tư tin rằng "kinh doanh âm nhạc là sự đặt cược an toàn". Có thời điểm, Ek phải ngủ trước cửa một văn phòng cả tháng để gặp được nhà đầu tư.
Bí quyết thành công của Spotify
Đầu tiên và quan trọng nhất, mô hình kinh doanh "freemium" của nền tảng này đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người dùng. Spotify cung cấp một tầng miễn phí, có hỗ trợ quảng cáo cùng với tùy chọn đăng ký cao cấp, điều này đã thu hút nhiều khán giả, từ những người nghe bình thường đến những người đam mê âm nhạc chuyên nghiệp.
Một yếu tố quan trọng khác tạo nên thành công của Spotify là cam kết đổi mới. Công ty đã liên tục giới thiệu các tính năng mới và cải tiến nền tảng của mình, đảm bảo người dùng luôn được tiếp cận công nghệ mới nhất và trải nghiệm nghe tốt nhất có thể.
Các mối quan hệ đối tác và hoạt động thâu tóm đối thủ chiến lược của Spotify cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công ty.
Cụ thể, Spotify đã "bắt tay" với những ông lớn trong ngành công nghệ và giải trí như Facebook, Samsung và Google, thông qua các nền tảng này để mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và tăng độ nhận diện thương hiệu công ty.
Bên cạnh đó, năm 2019, Spotify đã lên kế hoạch mua lại hạng mục "podcast" và thâu tóm các công ty như Anchor, Gimlet Media và Parcast, giúp nền tảng này đa dạng hóa các dịch vụ nội dung và củng cố vị thế của mình ở thị trường "podcast" đang phát triển.
Cuộc hội ngộ của hai nhà sáng lập Spotify
Nhà sáng lập Spotify, đồng thời cũng là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Daniel Ek bắt đầu kinh doanh khi mới 13 tuổi. Ông từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc kỹ thuật (CTO) cho Stardoll, một công ty game thời trang và khởi nghiệp trước khi thành công với Spotify.
Daniel Ek trở thành triệu phú khi mới 23 tuổi, từng có quãng thời gian "sống không mục đích" và nhận thấy rằng cuộc sống hưởng thụ đó khiến bản thân trở nên chán nản. “Không ai dạy bạn phải làm gì sau khi có khả năng độc lập về tài chính”, Ek bày tỏ.
Ek nhận ra rằng tiền bạc và hưởng thụ không hề quan trọng đối với ông, điều quan trọng nhất vẫn là bản thân được làm việc và theo đuổi đam mê. “Tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì thực sự quan trọng và tôi nhận ra rằng có hai điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi đó là âm nhạc và công nghệ”, Ek cho biết.
Về phần Martin Lorentzon, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu tại thành phố dệt may công nghiệp Boras. Năm 1999, ở tuổi 30 tuổi, Martin Lorentzon đã là một người có tiếng tăm trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Stockholm.
Giữa làn sóng công nghệ ồ ạt và các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro, Lorentzon cùng các cộng sự đã nảy ra ý tưởng lập công ty riêng về tự động mua và đặt các quảng cáo trên internet, sau này có tên là Tradedoubler.
Tháng 3/2006, Tradedoubler đã mua công ty quảng cáo Advertigo của Daniel Ek, và đây cũng chính là thời điểm mà Daniel Ek và Martin Lorentzon quen biết nhau./.