|
Việc bà Tiêu Mỹ Cầm viết danh xưng trên Twitter là "Đại sứ" đang gây nên bão dư luận (Ảnh: Đa Chiều). |
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, do Đài Loan và Mỹ không có quan hệ ngoại giao nên Đài Loan không có “Đại sứ quán” tại Mỹ, mà chỉ có “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ”. Về nguyên tắc, chức danh của bà Tiêu Mỹ Cầm nên là “Đại diện”. Hiện nay trên trang web phiên bản tiếng Anh của Văn phòng đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ, bà Tiêu Mỹ Cầm cũng được gọi là “Representative” (đại diện).
Bà Thái Anh Văn, người lãnh đạo Đài Loan cho biết bà Tiêu Mỹ Cầm luôn làm việc rất tích cực. Bà cho rằng cho dù Tiêu Mỹ Cầm có chức danh là gì đi chăng nữa thì bà ấy cũng đều sẽ nỗ lực làm việc cho Đài Loan và cùng với văn phòng đại diện tại Mỹ nỗ lực giữ trạng thái quan hệ tốt nhất với phía Mỹ.
|
Bà Tiêu Mỹ Cầm gải thích trên Facebook việc mình sử dụng danh xưng "Đại sứ" (Ảnh: Đông Phương).
|
Theo tin của mạng tin tức UDN (Liên Hợp) của Đài Loan, khi thấy vụ việc ngày càng trở nên to chuyện, bà Tiêu Mỹ Cầm đã làm rõ trên Facebook cá nhân của mình vào lúc 23h37 ngày 20/9: chức danh chính thức của bà để tương tác với các cơ quan chính phủ Mỹ vẫn là “Đại diện Văn phòng đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc”, tiếng Anh là “Representative, Taipei Economic and Cultural Representative Office”.
Bà Tiêu Mỹ Cầm cũng nói rõ rằng danh xưng “Ambassador” (Đại sứ) bà sử dụng trong hồ sơ các nhân trên trang Twitter cá nhân không phải là một danh xưng được chính phủ Mỹ công nhận; nhưng bà cũng nói: “Đây không phải là cá nhân tôi tự phong tự đề cao. Tôi đại diện cho Đài Loan tại Mỹ và mọi hoạt động thực sự không khác gì các đại sứ quán của các nước khác”.
Bà cũng khẳng định “ambassador” không chỉ là một tính từ chỉ công việc hiện tại của bà, mà thực sự đã trở thành cách mà nhiều bạn bè Mỹ ở mọi tầng lớp xã hội gọi bà.
|
Bà Tiêu Mỹ Cầm tuyên thệ nhậm chức Đại diện Đài Loan tại Mỹ hôm 22/7 (Ảnh: Đa Chiều).
|
Cách làm của bà Tiêu Mỹ Cầm đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trong các cư dân mạng Trung Quốc. Một số cư dân mạng châm biếm bà là “kẻ chỉ biết tự đề cao” và “không biết xấu hổ”; có người đặt câu hỏi: “Liệu có phải người này chỉ thấy vui khi đẩy Đài Loan vào bờ vực chiến tranh vì lợi ích tốt nhất của cá nhân mình không?”.
Trước đó, vào ngày 12/8, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng đã có bài phát biểu qua băng video gửi một hội nghị trực tuyến của các trung tâm tư vấn ở Mỹ, sử dụng “tự do và dân chủ” làm chủ đề để tuyên bố sẽ tăng cường “quan hệ Đài Loan - Hoa Kỳ”.
Đáp lại, ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn của Văn phòng Vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra tuyên bố nói: “Đài Loan là một phần của Trung Quốc và kiên quyết phản đối một quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc phát triển bất kỳ mối quan hệ chính thức nào với Đài Loan.
Các nhà cầm quyền Đảng Dân Tiến (DPP) từ lâu nay đã sử dụng một số nền tảng tổ chức phi chính phủ (NGO) giương chiêu bài “dân chủ và tự do” để công kích ác ý Đại Lục, cố ý phá hoại mối quan hệ xuyên eo biển và tạo ra sự thù địch và hận thù giữa những người dân ở hai bên eo biển. Loại hành vi sẵn sàng làm con tốt của các thế lực phương Tây chống Trung Quốc, gây nguy hại đến lợi ích của đồng bào hai bên eo biển là điều đáng khinh và càng khó có thể lừa được thiên hạ”.
|
Bà Tiêu Mỹ Cầm (phải) sát cánh với bà Thái Anh Văn trong quá trình vận động bầu cử (Ảnh: CNA).
|
Bà Tiêu Mỹ Cầm chỉ ra rằng kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 7/2020, bà đã nỗ lực tiếp xúc, giao tiếp và đấu tranh để thay đổi sự đối xử bất công Đài Loan phải chịu trong suốt thời gian dài trên trường quốc tế. Với sự nỗ lực của mọi người trong văn phòng đại diện, mọi việc đã đạt được nhiều tiến bộ. Phía Mỹ đã nhìn nhận tích cực hơn những yêu cầu của Đài Loan.
Hiện phía chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng chính thức về vụ việc này.