Sóng bắt đầu từ gió, sóng chứng khoán từ đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù trong hai tháng gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam có sự điều chỉnh theo từng đợt,tuy nhiên, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ có những đợt sóng tăng mới, nhà đầu tư nên chuẩn bị ra sao cho những đợt sóng cuối năm?

Sóng bắt đầu từ gió, sóng chứng khoán từ đâu?

Sóng chứng khoán bắt đầu từ đâu?

Theo chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) thuật ngữ “sóng chứng khoán” được sử dụng để mô tả sự biến động mạnh mẽ trong giá cổ phiếu trên thị trường tài chính. Điều này thường xảy ra khi có sự tăng giảm lớn trong số lượng mua bán cổ phiếu và giá trị thị trường trong một khoảng thời gian.

Sóng chứng khoán “nổi lên” bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân từ phía thị trường, phía nhà đầu tư, yếu tố vĩ mô của nền kinh tế…

Đầu tiên, từ phía nhà đầu tư, theo chuyên gia VPS, tâm lý và đánh giá của nhà đầu tư về thị trường có thể tạo ra một đà sóng chứng khoán. Nếu nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về tương lai của thị trường hoặc có xu hướng quá mua (overbought) hoặc quá bán (oversold), đều có thể góp phần vào sự xuất hiện của sóng.

Thứ hai, sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu có thể lan tỏa và tạo ra sóng chứng khoán không chỉ trong quốc gia mà còn ở các thị trường khác. Ví dụ, sự tăng giảm của thị trường Chứng khoán Mỹ có thể ảnh hưởng tới các thị trường khác, do nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn đầu tư từ các thị trường mới nổi, cận biên để giảm thiểu rủi ro trước biến động của chứng khoán Mỹ. Việc này tạo nên một làn sóng “tiêu cực” lên thị trường toàn cầu.

Thứ ba, sóng chứng khoán có thể bắt nguồn từ yếu tố kinh tế. Theo đó, sự biến động trong kinh tế như dữ liệu về tăng trưởng GDP, lạm phát, thị trường lao động, hay các yếu tố khác có thể tạo ra sóng chứng khoán. Những thay đổi này thường được thị trường phản ánh và dẫn đến sự chuyển động mạnh mẽ trong giá cổ phiếu.

Thứ tư, sự dịch chuyển của dòng tiền lớn chuyển ra, vào thị trường cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư từ đó tạo ra các con sóng chứng khoán.

Thứ năm, “sức khỏe” của các nhóm ngành và doanh nghiệp lớn. Thông tin liên quan đến tình hình kinh doanh của các nhóm ngành và doanh nghiệp niêm yết lớn như kết quả tài chính, dự báo lợi nhuận hoặc thậm chí các vấn đề nội bộ như sự thay đổi trong quản lý có thể gây ra sóng chứng khoán.

Dấu hiệu “nổi sóng” chứng khoán

Sóng chứng khoán có thể nổi lên bất ngờ nhưng cũng có khi có những đợt “sóng ngầm” len lỏi trước đợt sóng lớn ảnh hưởng lên thị trường. Vì vậy, để sớm nhận diện được những dấu hiệu sóng sắp nổi lên, theo chuyên gia VPS sóng chứng khoán thường gắn với các tin tức và sự kiện lớn, do đó nhà đầu tư nên theo dõi tin tức kinh tế, chính trị, và sự kiện có thể giúp nhà đầu tư đánh giá tác động của những yếu tố ngoại vi đến thị trường.

Ngoài ra, còn một số yếu tố kỹ thuật khác nhà đầu tư cũng nên thận trọng theo dõi như diễn biến về giá, khối lượng giao dịch. Nếu biểu đồ cho thấy sự tăng giảm đột ngột, nhà đầu tư cần xem xét các nguyên nhân có thể gây ra biến động này, có thể là do thông tin tài chính của doanh nghiệp hoặc tác động của sự kiện bên ngoài. Về khối lượng giao dịch, sự biến động của thị trường thường đi kèm với sự thay đổi đột ngột trong khối lượng giao dịch. Nếu khối lượng tăng đột ngột, đó có thể là dấu hiệu của một sóng chứng khoán. Việc theo dõi khối lượng giao dịch giúp nhà đầu tư đánh giá sức mạnh của xu hướng và có thể dự đoán sự tiếp diễn của sóng.

Nhà đầu tư cũng có thể lưu ý các chỉ báo kỹ thuật như sử dụng các chỉ báo xu hướng để nhận định các con sóng của thị trường: Các đường trung bình, MACD, ADX,...

Ngoài ra nhà đầu tư có thể so sánh sự biến động giữa các thị trường trên thị trường thế giới. Nếu sự biến động không chỉ xảy ra ở một quốc gia mà còn lan tỏa toàn cầu, đó có thể là dấu hiệu của một sóng chứng khoán lớn.

Nhà đầu tư đối mặt thế nào với sóng chứng khoán?

Chuyên gia VPS đưa ra 04 khuyến nghị cho nhà đầu tư khi đối mặt với sóng chứng khoán xuất hiện trên thị trường:

  • Xác định nguyên nhân của các con sóng: Nhà đầu tư cần đảm bảo có đủ thông tin về các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường và doanh nghiệp mà mình đang quan tâm.
  • Quản lý vốn và Danh mục đầu tư: Trong các con sóng tăng và giảm, việc xác định số vốn đầu tư và đa dạng hóa danh mục giúp tối ưu lợi nhuận và hạn chế rủi ro.
  • Kiểm soát tâm lý: Sự biến động của thị trường có thể tạo ra tâm trạng lo lắng và hoảng loạn. Nhà đầu tư cần giữ vững tâm lý và không nên đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc.
  • Theo dõi kỹ thuật và dòng tiền: Sử dụng các công cụ kỹ thuật như biểu đồ và chỉ số để theo dõi xu hướng và dự báo sự biến động trong tương lai.