Sở GD&ĐT TP. HCM nói gì khi phụ huynh sợ con quá tải chương trình lớp 1

VietTimes – Cuối tháng 10/2020, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.
Học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 trong một tiết học. Ảnh: Nguyễn Quyên

Sách giáo khoa lớp 1 bộ mới nặng hay không nặng?

Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, phụ huynh than phiền sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 (bộ mới) quá nặng đối với học sinh lớp 1.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, bài học tuần 4 của môn Tiếng Việt năm nay bằng bài học tuần thứ 25 của chương trình cũ, còn môn Tập viết, những năm trước, các con có 1 tuần để tập viết các nét trước khi viết chữ, thì năm nay các con chỉ có 1 buổi (6 hay 7 nét). Học sinh không được làm quen với các nét, các chữ cái cơ bản mà đã học ngay vào ghép vần, thậm chí là tập đọc luôn ngay từ bài đầu tiên.

Nhiều phụ huynh vì băn khoăn, lo lắng khi con vào lớp 1, đã dành thời gian học lại cùng con theo chương trình SGK bộ mới cũng nhận định môn Tiếng Việt tương đối nặng đối với học sinh, nhất là với những bạn không học trước. Trong khi, quy định của Bộ GD&ĐT đã cấm dạy trước chương trình lớp 1.

Cũng có giáo viên có ý kiến cho rằng chương trình lớp 1 SGK bộ mới không hẳn là quá nặng. Nhưng có giáo viên thì thẳng thắn đặt vấn đề lưu ý phụ huynh tại cuộc họp đầu năm.

Sau khi có hàng loạt phản hồi của các giáo viên và phụ huynh ở nhiều địa phương về chương trình mới còn gặp khó khăn trong dạy và học, hôm 5/10, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, yêu cầu các nhà trường thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành bài học ngay tại lớp, không giao thêm bài về nhà.

Cơ hội đổi mới giáo dục toàn diện

Sau hàng loạt phản ảnh của phụ huynh và giáo viên về sách giáo khoa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới quá nặng so với khả năng tiếp nhận của học sinh lớp 1, Sở GD&ĐT TP.HCM mới đây vừa chỉ đạo phòng GD&ĐT của 24 quận, huyện và các trường tiểu học phải xác định rõ chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ hội đổi mới giáo dục toàn diện, cần tranh thủ mọi nguồn lực, nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn.

Cô tận tâm giảng dạy từng nét chữ cho học sinh lớp 1 (Ảnh: Báo Ninh Thuận)


Sau mỗi tiết dạy, Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên rút kinh nghiệm, khuyến khích giáo viên làm nhật ký giảng dạy để ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chương trình để báo cáo với các cấp quản lý, đồng thời chuyển cho các nhà xuất bản để điều chỉnh SGK cho phù hợp khi tái bản.

Ông Nguyễn Văn Hiếu -  Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM - khẳng định: “Trong triển khai chương trình GDPT mới, giáo viên có quyền quyết định việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động dạy học, nội dung dạy học, đồng thời chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chất lượng, hiệu quả giáo dục của từng học sinh trong lớp.

Tùy từng mức độ tiếp nhận của học sinh trong lớp, giáo viên có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, phân phối các tiết dạy trong từng giai đoạn (có thể khác nhau giữa các lớp trong cùng một tổ, khối). Đặc biệt, vào đầu năm học, giáo viên có thể giãn tiến độ thực hiện chương trình và tăng thời lượng tiết dạy để vừa sức với học sinh của lớp”. 

“Đối với môn tiếng Việt lớp 1, giáo viên có thể phân phối tiết dạy theo hướng tăng thêm thời lượng ở phần âm, vần để rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho học sinh, ngoài ra tuyệt đối không được tạo áp lực, phê bình, chê bai học sinh, thay vào đó cần động viên, khuyến khích, tạo động lực và hứng thú học tập cho học sinh” – Ông Hiếu lưu ý. 

Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ đạo giáo viên phải tăng cường gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với phụ huynh để giúp học sinh làm quen, hòa nhập với môi trường lớp học, nề nếp học tập và sinh hoạt tại trường, liên hệ kịp thời và tư vấn, hỗ trợ phụ huynh có con em tiếp thu bài chưa như mong muốn, tuyệt đối không được bắt ép việc dạy thêm, học thêm. 

Dự kiến cuối tháng 10/2020, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1, qua đó rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa và công tác tổ chức dạy học.