|
Ông Tedros Adhanom: chính sách sai lầm của các nước giàu đã khiến công tác chống dịch COVID-19 toàn cầu thất bại (Ảnh: Reuters). |
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 26/7, hôm thứ Sáu (25/6), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức một cuộc họp báo tại Geneva. Trong cuộc họp, Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng với sự lây lan nhanh chóng của virus biến thể Delta được tìm thấy ở Ấn Độ, châu Phi đang nguy cấp do thiếu vaccine. Chỉ riêng tuần trước số ca mắc mới và tử vong được ghi nhận đã tăng gần 40% so với tuần trước đó. Trong khi các nước nghèo nhất thế giới đang thiếu vaccine, các nước giàu đã thực hiện mở cửa xã hội và tiêm chủng cả cho những người trẻ là nhóm người có nguy cơ nhiễm bệnh thấp. Chính vì các chính sách sai lầm của các nước phát triển đã khiến công tác phòng chống dịch toàn cầu thất bại.
Ông Tedros Adhanom nói rằng các nước giàu đã chọn cách tiêm chủng cho những người trẻ tuổi của họ, nhưng lại không sẵn lòng cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển, dẫn đến việc các nước nghèo không được phân phối vaccine. "Thế giới của chúng ta đang thất bại. Là một cộng đồng toàn cầu, chúng ta đang thất bại", ông Tedros Adhanom than thở.
Ông Tedros Adhanom nêu ví dụ về các bệnh AIDS và H1N1. Hơn một thập kỷ sau khi dịch AIDS bùng phát ở các nước có thu nhập cao, các nước nghèo mới nhận được thuốc chống lại virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người. Trong đại dịch cúm H10N1 năm 2009, điều này đã xảy ra một lần nữa. "Lẽ nào chúng ta vẫn lặp lại những sai lầm tương tự" – Tedros Adhanom nói.
|
Số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 ở châu Phi đang tăng rất nhanh (Ảnh: UN News). |
Thậm chí vào thời điểm đó, một số người cho rằng ngay cả khi có cung cấp thuốc chống lại virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (AIDS) thì các nước châu Phi cũng không có công nghệ để sử dụng phương pháp điều trị phức tạp như vậy. Tedros Adhanom nói: "Ý tôi là loại thái độ này phải trở thành dĩ vãng. Mấu chốt của công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay là vấn đề cung cấp vaccine. Khoảng cách giàu nghèo đã bộc lộ sự bất công, bất hợp lý và bất bình đẳng trong thế giới của chúng ta. Chúng ta phải đối mặt với nó. Hãy chia sẻ vaccine cho người nghèo”.
Ông Michael Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Công cộng Khẩn cấp của WHO, giải thích rằng nếu ai cho rằng các nước nghèo không có công nghệ tiêm chủng thì họ đã nhầm to; trên thực tế, nhiều nước đang phát triển đang tiêm các loại vaccine ngừa dịch tả, bại liệt và các bệnh truyền nhiễm khác trên một quy mô lớn với kết quả tốt hơn so với các nước công nghiệp phát triển.
Ông Michael Ryan nhấn mạnh: "Phong cách gia trưởng và tâm lý của chủ nghĩa thực dân cho rằng chúng tôi không thể cho bạn thứ này vì sợ rằng bạn sẽ không thể sử dụng tốt; nhưng tôi xin hỏi một câu nghiêm túc: trong lúc đại dịch đang hoành hành liệu có cần như thế không?".
Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) do WHO và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) phối hợp vận hành, kể từ tháng 2 năm 2021 đến nay đã cung cấp 90 triệu liều vaccine COVID-19 cho 132 quốc gia; tuy nhiên với việc Ấn Độ đang ở cao điểm của dịch, do Ấn Độ là một nước sản xuất vaccine lớn, dẫn đến việc nguồn cung đã trở thành một vấn đề lớn.
|
Ông Michael Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Công cộng Khẩn cấp của WHO (Ảnh: WHO). |
Chuyên gia tư vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Aylward xác nhận: "Cho dù đó là vaccine AstraZeneka, vaccine Pfizer/Biontech hay vaccine của Johnson&Johnson, trong tháng 6 này chúng tôi vẫn chưa hề nhận được một liều nào. Mọi nhà cung cấp đều nói rằng họ không thể cung cấp hàng ngay được, bởi vì các khách hàng khác cũng đặt mua các sản phẩm này, một số khách hàng thậm chí đã tiêm phòng cho những người trẻ tuổi có nguy cơ mắc bệnh thấp; tình hình rất tồi tệ”.
Cũng tại cuộc họp báo hôm 25/6, Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom cho biết, virus biến chủng Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hiện đã trở thành loại biến thể virus lây nhiễm mạnh nhất trong số các loại biến thể được phát hiện. Hiện nay có ít nhất 85 quốc gia và khu vực đã bị nó tàn phá.
Ông Tedros Adhanom cũng cảnh báo rằng gần đây ông đã tham gia một hội nghị tư vấn được mở về vấn đề phân phối vaccine. Theo kết luận của cuộc họp, việc thiếu vaccine ở các nước nghèo đã đẩy nhanh tốc độ lây lan của biến thể Delta, gây nên cuộc khủng hoảng về vius tiếp tục biến đổi.
Tuy nhiên, trình độ phát triển thấp và việc thiếu khả năng tiếp cận với vaccine ở các nước đang phát triển, cộng với việc nới lỏng các hạn chế biên giới và các biện pháp y tế công cộng khác ở châu Âu, Mỹ và các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao khác, khiến WHO cảnh báo đại dịch sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào. Bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học tại WHO cho rằng mặc dù dịch bệnh ở châu Âu đang thuyên giảm, nhưng các hoạt động khác nhau, từ sự kiện thể thao lớn UEFA European Football Championship đến các bữa tiệc nướng ở sân sau đều có thể khiến SARS-CoV-2 lại có thể tái phát.
Bà Van Kerkhove nhấn mạnh: “Biến chủng Delta sẽ tiếp tục phát triển. Mặc dù các biện pháp y tế cộng đồng và giãn cách xã hội, vaccine, chẩn đoán và điều trị của chúng ta đều đang phát huy tác dụng, nhưng rất có thể trong một thời gian nhất định, virus sẽ tiếp tục phát triển trong khi các biện pháp đối phó của chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ”.
Vào đầu tháng 6, Vương quốc Anh thông báo sẽ mở cửa cho 60.000 cổ động viên đến sân vận động Wembley, London để dự khán các trận bán kết và chung kết của Giải bóng đá châu Âu, điều này khiến các chuyên gia y tế cộng đồng rất lo ngại. Ông Lawrence Young, Giáo sư ung thư học phân tử tại Đại học Warwick, Vương quốc Anh, cảnh báo rằng: mức độ bảo vệ của vaccine rất hạn chế và virus biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh đang lan rộng. Biến thể Delta có khả năng lây lan dịch bệnh trong những không gian kín như nhà vệ sinh và có nguy cơ trở thành nguồn gốc thảm họa.