Singapore tích hợp AI vào giáo dục thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Singapore - quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới, trước bước chuyển lớn của thời đại 4.0 đã tiên phong tích hợp AI vào giáo dục nhằm sẵn sàng cho một thế giới do AI và công nghệ thúc đẩy.

Singapore tích hợp AI vào giáo dục thế nào?

Đến nay, trong khi không ít quốc gia còn chần chừ, bàn thảo về việc có nên ứng dụng AI vào giáo dục hay không thì học sinh, sinh viên, thầy cô giáo của Singapore đang được hưởng lợi từ việc tích hợp AI vào giáo dục.

Tầm nhìn xa trông rộng, cam kết mạnh mẽ

Singapore sớm nhận ra vai trò then chốt của AI và việc tích hợp AI vào giáo dục đối với tương lai phát triển đất nước, bởi vậy, đã có những chiến lược, lộ trình và bước đi bài bản thúc đẩy phát triển AI và ứng dụng AI vào giáo dục với tham vọng trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới, một trung tâm toàn cầu về AI.

Chiến lược “Quốc gia thông minh” được khởi xướng năm 2014 với tham vọng trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới, một kế hoạch đầy tham vọng, toàn diện không đơn thuần là tận dụng công nghệ số để giải quyết các thách thức về đô thị hóa, giao thông, y tế và môi trường mà còn là sự thay đổi căn bản trong cách thức chính phủ quản lý, cung cấp dịch vụ và tương tác với người dân.

Đến năm 2019, Singapore đưa ra Chiến lược quốc gia về AI với tầm nhìn lớn là biến quốc đảo này thành trung tâm toàn cầu về nghiên cứu, phát triển và triển khai AI vào năm 2030.

Năm 2023, Singapore tiếp tục đưa ra Chiến lược mới về AI 2.0, thể hiện tham vọng lớn hơn với mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu trong nghiên cứu, phát triển và triển khai AI một cách có trách nhiệm và bền vững. Chính phủ Singapore bố trí một khoản ngân quỹ 1 tỷ SGD để phát triển AI trong vòng 5 năm tới.

Cùng trong năm 2023, Bộ Giáo dục Singapore triển khai Kế hoạch EdTech 2030 “Chuyển đổi giáo dục thông qua công nghệ” nhằm tích hợp AI vào sâu trong giáo dục với ba mục tiêu chính.

Một là, tự định hướng học tập nhằm trao quyền cho học sinh tự chịu trách nhiệm về hành trình học tập của mình, nuôi dưỡng sự tò mò và thúc đẩy việc học tập suốt đời. Hai là, cá nhân hóa học tập nhằm sử dụng công nghệ để cá nhân hóa học tập theo nhu cầu của từng cá nhân, đảm bảo rằng mỗi học sinh có thể học theo tốc độ và phong cách của riêng mình. Ba là, kết nối trong học tập nhằm sử dụng công nghệ để phá vỡ các bức tường của lớp học, kết nối người học, chuyên gia và tài nguyên học tập toàn cầu,...

Tích hợp AI trong giáo dục tiểu học, trung học

Các trợ lý AI hỗ trợ học tập là một phần trong chiến lược nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng học tập, cá nhân hóa học tập. Bộ Giáo dục Singapore đã và đang xây dựng và đưa một loạt các trợ lý AI hỗ trợ học tập vào các trường tiểu học, trung học, khởi đầu với trợ lý toán học FA-Math được thực hiện tại các trường tiểu học công lập trên toàn quốc từ tháng 6 năm 2023 sau một dự án thí điểm kéo dài hai năm với sự tham gia của 33 trường.

Tháng 12 năm 2023 trợ lý tiếng Anh LangFA-EL và trợ lý trả lời ngắn ShortAnsFA dành cho môn địa lý và khoa học được đưa vào sử dụng trong các trường tiểu học, trung học của Singapore.

Hiện tại có 3 trợ lý AI hỗ trợ học tập gồm trợ lý toán học FA-Math, trợ lý tiếng Anh LangFA-EL, và trợ lý trả lời ngắn ShortAnsFA dành cho môn địa lý và khoa học.

Trợ lý toán học FA-Math đưa ra hướng dẫn học sinh trả lời thay vì chỉ kiểm tra kết quả cuối cùng, cung cấp các gợi ý theo từng bước và phản hồi bài làm của học sinh, cũng như gợi ý về điểm số. Công cụ này có thể tạo các câu hỏi ngẫu nhiên và hỗ trợ nhiều loại câu hỏi bao gồm cả hình học và đồ thị.

singapore education 2.jpg

Trợ lý tiếng Anh LangFA-EL giúp sửa lỗi ngữ pháp, chính tả, cách diễn đạt, và cấu trúc câu. Trợ lý trả lời ngắn ShortAnsFA giúp sửa lỗi câu trả lời dành cho nhiều môn học, như môn địa lý và khoa học.

Các trợ lý AI hỗ trợ học tập sử dụng các phương pháp tương tác, đặt câu hỏi và gợi mở vấn đề giúp học sinh tham gia vào quá trình học tập một cách tích cực và sáng tạo hơn, đồng thời giúp giáo viên xác định nhanh chóng những điểm yếu, điểm mạnh của học sinh và điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng học sinh.

Hệ thống học tập thích ứng ALS

Hệ thống học tập thích ứng ALS được triển khai từ tháng 6 năm 2023 với ba chủ đề trong môn Toán lớp 5 cung cấp lộ trình học tập được cá nhân hóa cho từng học sinh dựa trên cách học sinh phản hồi các câu hỏi và hoạt động khi học một chủ đề, giúp học sinh học theo tốc độ và phong cách của mình. Đến nay, ALS mới dành cho môn Toán ở cấp tiểu học và môn địa lý ở cấp trung học phổ thông, các môn học khác sẽ được bổ sung dần dần.

Người học có quyền quyết định những gì mình muốn học, tự chọn độ khó của bài học, có thể sửa đổi, nhận thêm hướng dẫn khi không chắc chắn hoặc thử thách bản thân với những câu hỏi khó hơn. Khi trả lời sai, câu hỏi đưa ra tiếp theo sẽ dễ hơn, đồng thời giải thích lý do tại sao câu trả lời sai và hướng dẫn cách trả lời đúng để làm bài tốt hơn. Khi trả lời đúng, câu hỏi đưa ra tiếp theo sẽ khó hơn.

Hệ thống học tập thích ứng ALS giải thích trực quan, chẳng hạn, để giải thích về cách đổi 0,062m sang cm thì hệ thống không thuần túy giải thích rằng 1m =100cm vì vậy lấy 0,062m×100=6,2cm, mà được biểu thị trực quan bằng một mũi tên nhỏ trên màn hình chỉ cách dấu thập phân trong 0,062m phải dịch chuyển hai khoảng cách sang phải để có được câu trả lời là 6,2cm,...

Với sự cá nhân hóa tốc độ, nội dung cho từng học sinh, Hệ thống học tập thích ứng ALS giúp những học sinh chậm hơn không bị tụt lại phía sau và những học sinh học nhanh hơn có thể tăng tốc theo năng lực học của mình.

Hệ thống lập kế hoạch bài học ACP

Hệ thống lập kế hoạch bài học ACP dành cho giáo viên là công cụ mới nhất được triển khai từ tháng 6 năm 2024, giúp giáo viên lập kế hoạch bài học cho các môn học và trình độ. Hệ thống hỗ trợ lập kế hoạch bài học bằng cách tạo ra một module và các phần, các hoạt động và thành phần tương ứng dựa trên thông tin đầu vào của giáo viên.

Hệ thống giúp cải thiện, nâng cao việc giảng dạy và học tập từ việc đề xuất các hoạt động phù hợp với chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm; Đề xuất các hoạt động bài học và các mục đánh giá dựa trên kết quả học tập; Tự động tạo thành phần và hoạt động phù hợp,...

Các công cụ AI này được đưa lên Cổng thông tin học tập trực tuyến quốc gia SLS. Tất cả các nhà lãnh đạo trường học, giáo viên và học sinh, sinh viên trong hệ thống trường học quốc gia đều có quyền truy cập vào Hệ thống SLS.

Tích hợp AI trong giáo dục đại học

Ở bậc đại học, các trường đại học Singapore chủ động tích hợp AI vào việc giảng dạy và học tập cũng như quản trị đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên, nâng cao hiệu quả đào tạo, tối ưu hiệu quả quản trị.

Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang và Đại học Quản lý Singapore đi đầu trong tích hợp AI vào giáo dục tạo ra những thay đổi căn bản về cách học tập, giảng dạy và quản trị đại học,...

Cá nhân hóa học tập với AI

Cá nhân hóa học tập với AI là điểm nhấn được các đại học Singapore tích cực thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của sinh viên, giúp sinh viên đạt được kết quả học tập tốt hơn và duy trì động lực.

Hệ thống quản lý học tập LMS hỗ trợ bởi AI của Đại học Quốc gia Singapore giúp điều chỉnh khóa học và tài liệu học tập dựa trên thành tích và phong cách học tập của sinh viên. Phương pháp học tập thích ứng này đảm bảo rằng sinh viên nhận được sự hỗ trợ cần thiết để thành công, giúp việc học tập trở nên hấp dẫn, hiệu quả hơn.

Hệ thống hồ sơ học thuật APS của Đại học Công nghệ Nanyang sử dụng AI phân tích dữ liệu sinh viên, tạo ra các kế hoạch học tập được cá nhân hóa, theo dõi tiến độ và nhận phản hồi kịp thời theo thời gian thực và đưa ra lời khuyên cá nhân hóa, giúp cải thiện thành tích học tập và sự hài lòng của sinh viên.

Thư viện của các trường đại học tại Singapore tích hợp AI để tạo ra hệ thống tìm kiếm và truy cập tài nguyên học thuật toàn cầu.

AI giúp sinh viên và giảng viên dễ dàng tìm kiếm các bài báo, sách và dữ liệu nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới.

Điển hình là Thư viện của Đại học Quốc gia Singapore sử dụng AI để phân tích và tối ưu hóa cơ sở dữ liệu giúp sinh viên nhanh chóng tìm thấy các tài liệu phù hợp từ các nguồn học thuật quốc tế.

singapore education 3.jpg

Không dừng lại ở học tập, các công cụ AI còn giúp cá nhân hóa trong tư vấn sức khỏe tâm thần, trong tư vấn nghề nghiệp, trong tìm kiếm việc làm,... Đại học Quản lý Singapore hợp tác với đối tác triển khai nền tảng dịch vụ nghề nghiệp do AI hỗ trợ phân tích xu hướng thị trường việc làm và hồ sơ sinh viên để cung cấp tư vấn nghề nghiệp được cá nhân hóa, đề xuất việc làm và phân tích khoảng cách kỹ năng,...

Kết nối tài nguyên học tập toàn cầu với AI

Các trường đại học tại Singapore đã phát triển các ông cụ AI hoặc hợp tác với các nền tảng học tập trực tuyến tích hợp AI, từ đó cung cấp cho sinh viên, giảng viên quyền truy cập vào các tài nguyên giáo dục toàn cầu.

Thông qua các nền tảng này, sinh viên có thể tham gia vào các khóa học từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Chẳng hạn, Đại học Quốc gia Singapore hợp tác với Coursera để cung cấp các khóa học chuyên sâu về công nghệ, kinh tế và quản lý, trong khi Đại học Công nghệ Nanyang tích hợp AI vào hệ thống học tập trực tuyến để tự động hóa quy trình đánh giá và cung cấp phản hồi chi tiết cho sinh viên.

Phòng thí nghiệm ảo và nghiên cứu khoa học sử dụng AI cũng được các trường đại học tại Singapore triển khai mạnh mẽ.

Với sự hỗ trợ của AI, các trường đại học Singapore có thể mở rộng phạm vi tiếp cận phòng thí nghiệm và các dự án nghiên cứu khoa học. Các phòng thí nghiệm ảo cho phép sinh viên và nhà nghiên cứu tham gia vào các dự án thực nghiệm toàn cầu.

Đại học Công nghệ Nanyang sử dụng AI để quản lý các thí nghiệm khoa học và hỗ trợ sinh viên truy cập các phòng thí nghiệm ảo liên kết với các cơ sở nghiên cứu trên toàn cầu, cho phép sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế.

Tối ưu các tác vụ hành chính với AI

Các trường đại học Singapore sử dụng AI để tự động hóa nhiều quy trình hành chính như xếp lịch các lớp học, quy trình tuyển sinh, giải đáp..., nhằm tối ưu hóa cơ sở vật chất và đảm bảo lịch trình thuận tiện cho sinh viên và giảng viên, gia tăng hiệu quả và giảm khối lượng công việc cho nhân viên, đồng thời đảm bảo lựa chọn công bằng và khách quan, giảm thiểu lỗi của con người,...

Tại Đại học Quốc gia Singapore, AI được sử dụng trong đánh giá các đơn đăng ký trong quy trình tuyển sinh, đảm bảo lựa chọn ứng viên công bằng và khách quan. Tương tự, các hệ thống xếp lịch do AI điều khiển sẽ tối ưu hóa việc phân bổ các lớp học và tài nguyên, giúp hoạt động hiệu quả hơn. Chatbot AI được sử dụng để giải quyết các thắc mắc của sinh viên, cung cấp hỗ trợ 24/7, cải thiện trải nghiệm học tập vượt ra ngoài giờ học truyền thống.

Kết luận

Tóm lại, Singapore tiên phong tích hợp AI vào giáo dục không chỉ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, cải thiện quá trình học tập, tối ưu hiệu quả quản trị mà quan trọng hơn hướng tới việc trang bị cho thế hệ trẻ có tư duy công nghệ, có các kỹ năng cần thiết sẵn sàng cho một thế giới do AI và công nghệ thúc đẩy, xứng tầm với vị thế trung tâm giáo dục hàng đầu thế giới.