Siêu xe tăng Armata: Hổ thêm cánh

Cùng với sự phát triển của Hải quân Nga, Viện Kurs - một trong những học viện khoa học hàng đầu của nước này đã phát triển hàng loạt vũ khí và công nghệ quân sự vượt trội mới, trong đó có việc "nâng tầm" xe tăng “đình đám” Armata.
Ngoài ra, có tin đồn cho rằng, Viện khoa học Kurs còn đang có tham vọng biến xe tăng Armata thành một loại xe tăng lội nước.

Song song với việc phát triển siêu xe tăng “vô đối” mới tinh tác chiến trên mặt đất, viện nghiên cứu này còn đang tìm hướng phát triển loại xe bọc thép dựa trên nền tảng của xe tăng Armata, có thể hoạt động dưới nước. 
 
Theo đó, các tàu chiến được trang bị loại xe này có thể di chuyển tới 14-16 km/giờ , có thể chở tới 50 binh lính hoặc 80 tấn trang thiết bị, và có khả năng hoạt động trên khu vực biển động tới cấp 5.

Ngoài ra, có tin đồn cho rằng, Viện khoa học Kurs còn đang có tham vọng biến xe tăng Armata thành một loại xe tăng lội nước.
 
Bên cạnh đó, mới đây, Phó Tổng giám đốc công ty Uralvagonzavod, công ty sản xuất xe tăng Armata – ông Vyacheslav Khalitov, nói rằng chiếc xe có thể được robot hóa, gắn hệ thống điều khiển từ xa để trở thành một chiến xa điều khiển từ xa.

Ông Khalitov nhận định: “Trong tương lai, con người sẽ không trực tiếp tham gia các trận chiến ở tiền tuyến, đó là lý do chúng tôi muốn robot hóa Armata và điều này hoàn toàn có thể thực hiện được”.
 
Ngoài ra, ông Khalitov cũng nhấn mạnh, việc bổ sung thêm chức năng điều khiển từ xa là một nhiệm vụ không quá khó khăn nhưng việc robot hóa cả một xe cơ giới thì cần hoàn thiện được khả năng “xử lý tình huống trên chiến trường và thực hiện được các bước đi đúng”.
 
Ông Khalitov còn tiết lộ, xe tăng Armata sẽ phục vụ trong quân đội Nga cho đến cuối thế kỷ 21 và xe tăng này sẵn sàng đối mặt với bất kỳ thử thách nào.
 
Armata là loại xe tăng tác chiến chủ lực mới mang đặc tính kỹ-chiến thuật ưu việt như hệ thống tự động lên đạn, biên chế kíp lái và đầu đạn tác chiến mới.
 
Đặc điểm chính của xe tăng mới là tháp pháo được điều khiển từ xa với kíp lái gồm 3 thành viên được bố trí ngồi ở một khoang bọc thép riêng biệt ở phía trước của thân xe tăng, tách khỏi khoang động cơ và khoang đạn. Khoang này được thiết kế để chịu đựng được những đòn hỏa lực trực diện của kẻ thù. Theo nhà sản xuất xe tăng Armata, hệ thống bảo vệ hiện đại giúp tăng độ an toàn cho kíp lái, đồng thời tăng hiệu quả bắn phá và có được sự linh hoạt trong khi chiến đấu.
 
Những đặc tính công nghệ và kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế của xe tăng Armata khiến nó trở thành thứ vũ khí “độc cô cầu bại” so với vũ khí cùng loại của phương Tây, tờ AP đã nhận định như vậy.
 
Không chỉ có khả năng tự động lên đạn, xe tăng Armata còn có thể sử dụng đồng thời 32 loại đầu đạn tác chiến khác nhau và có thể tấn công đối phương ngay cả khi xe đang cơ động.
 
Xe tăng T-14 được trang bị súng đại bác nòng trơn với cỡ nòng 125mm. Loại vũ khí này có thể bắn những loại đạn dược có hỏa lực cao, trong đó có loại đạn xuyên bọc thép, tên lửa dẫn đường, các loại đạn hình thù khác nhau và nhiều loại đạn khác.
 
Người ta dự đoán, xe tăng Armata còn có thể sử dụng loại súng đại bác cỡ nòng 152. Nếu điều này là đúng thì đây là loại xe tăng được trang bị súng đại bác mạnh nhất từ trước đến nay trong số các loại xe tăng chiến đấu. T-14 còn được trang bị súng cỡ nòng nhỏ 30mm để bắn hạ những mục tiêu trên không bay ở độ cao thấp, trong đó có máy bay và trực thăng. Để bảo vệ mình trước các tên lửa chống tăng, T-14 sẽ có một súng máy hạng nặng được đặt trên tháp pháo với cỡ nòng là 12,5mm.
 
Xe tăng Armata được kỳ vọng sẽ trở thành xe tăng tiêu chuẩn trong quân đội Nga trong tương lai. Hiện tại, Nga đang xúc tiến một kế hoạch trang bị vũ khí quy mô lớn cho quân đội và kế hoạch này được cho là sẽ hoàn tất vào năm 2020. Được biết, nếu như được thử nghiệm thành công và mọi chuyện diễn biến theo kế hoạch thì đến năm 2020, Lục quân sẽ nhận được 2.300 chiếc loại này.

Theo: VnMedia