|
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng Iran cứ sau 60 ngày lại ngừng tuân thủ một điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân (Ảnh: AFP) |
Thỏa thuận được ký kết giữa Iran và các siêu cường thế giới hứa hẹn sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, mang lại lợi ích kinh tế và chấm dứt sự cô lập của cộng đồng quốc tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo để đổi lấy việc nước này hạn chế chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran nói rằng họ đã mất kiên nhẫn trước sự chây ì của các nước châu Âu, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Các bên châu Âu tham gia thỏa thuận cùng cùng với Ngoại trưởng một số nước đã kêu gọi Tehran dừng các hành động vi phạm thỏa thuận.
“Họ cần phải có hành động phù hợp bằng cách dừng các hoạt động này và tuân thủ hoàn toàn JCPOA (Kế hoạch hành động chung toàn diện) mà không được chậm trễ” – tuyên bố chung của EU và Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Anh nêu rõ.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – bên chuyên trách theo dõi cam kết của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân – Iran hiện đang vi phạm 2 điều khoản trong thỏa thuận.
Căng thẳng gia tăng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cử nhiều cố vấn ngoại giao hàng đầu của ông tới Tehran sau khi Iran tuyên bố trong hôm đầu tuần này rằng họ đã làm giàu uranium vượt mức 4,5% - trên mức 3,67% được cho phép trong thỏa thuận hạt nhân. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho hay, ông Emmanuel Bonne đã có mặt ở Tehran từ chiều thứ Ba. Tại đây, ông Bonne sẽ có cuộc họp với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani.
Thỏa thuận hạt nhân 2015 được mô tả là chiến thắng về mặt ngoại giao, chống lại chủ nghĩa đa phương và là một bước tiến lớn trong nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nhưng sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 và tái áp đặt các đòn trừng phạt nhằm vào Iran – đặc biệt nhằm vào ngành dầu khí và ngân hàng – tương lai của thỏa thuận trở nên mờ mịt. Trong bối cảnh nền kinh tế Iran suy thoái, Tehran yêu cầu các bên ký kết còn lại – đặc biệt là Pháp, Đức và Anh – thực hiện cam kết mang lại lợi ích kinh tế và giúp họ né các đòn cấm vận của Mỹ.
Tuy nhiên, có điều ngày càng trở nên rõ ràng là điều đó không hề đơn giản, và Iran – nước có nền kinh tế dựa dẫm nặng nề vào xuất khẩu dầu mỏ - tuyên bố rằng họ sẽ thay đổi chính sách “kiên nhẫn chiến lược”.
Tháng 5 vừa qua, thời điểm tròn 1 năm Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng cứ sau mỗi 60 ngày Iran sẽ lại tạm ngừng tuân thủ 1 điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân để gây sức ép cho các bên ký kết còn lại thực hiện lời hứa hẹn của họ. Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Mỹ triển khai 1 hàng không mẫu hạm, nhiều máy bay ném bom và thêm binh sĩ tới Trung Đông để đối phó với “mối đe dọa” từ Iran.
Mỹ, châu Âu “lừa dối chúng tôi”
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông đã hủy một cuộc tấn công Iran vào phút chót. Ban đầu đây là đòn tấn công nhằm đáp trả vụ Iran bắn hạ 1 máy bay không người lái của Mỹ. Hôm thứ Ba vừa qua, ông Trump tiếp tục cáo buộc Iran “đang làm rất nhiều điều xấu xa”.
“Tốt hơn là họ nên cực kỳ thận trọng” – ông Trump nói trước báo giới tại Nhà Trắng.
Chính quyền Trump cũng liệt 2 nhà lập pháp Lebanon – cả 2 đều đến từ lực lượng đồng minh của Iran là Hezbollah – vào danh sách trừng phạt, đồng thời gợi mở khả năng trừng phạt nhà ngoại giao hàng đầu của Iran.
“Chúng tôi đương nhiên là đang tìm nhiều phương án để áp đặt thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Rõ ràng Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif là một nhân vật quan trọng” – một vị quan chức giấu tên của chính quyền Mỹ tiết lộ.
Trong tháng này, IAEA đã xác nhận rằng Iran đã vượt ngưỡng khối lượng uranium làm giàu mức thấp được cho phép trong thỏa thuận là 300 kg.
Cuối tuần trước, Tổng thống Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ đồng hồ với người đồng cấp Iran, trong đó ông Macron nói rằng ông muốn “tìm hiểu về các điều kiện để nối lại cuộc đàm phán giữa tất cả các bên. Trong hôm đầu tuần này, Nhà Trắng cũng xác nhận thông tin về cuộc điện đàm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, rõ ràng là những người từng có quan điểm ủng hộ thỏa thuận hạt nhân ở Iran đã mất niềm tin vào Mỹ và EU.
“Mỹ và các nước châu Âu đang lừa dối chúng tôi…Chúng tôi đã bỏ phí 6 năm qua đầu tư vào mối quan hệ với châu Âu” – ông Majidi, một doanh nhân ở Tehran, nói với AFP, thêm rằng lựa chọn tốt nhất hiện nay cho Iran là lập tức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Theo Yahoo News