Trả lời VietTimes tại họp báo Thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai đấu giá băng tần 700MHz để đẩy nhanh phủ sóng 4G tại các vùng sâu, biên giới hải đảo, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết về lý thuyết, để hiệu quả, 4G cần cả 2 loại băng tần: Băng tần dùng nâng cao tốc độ truy nhập (băng tần cao) và băng tần nâng cao chất lượng vùng phủ sóng (băng tần thấp). Hiện nay, các nhà mạng chủ yếu sử dụng các băng tần 1800 MHz, 2100 MHz cho 4G, đây là các băng tần thiên về nâng cao tốc độ truy nhập.
Nhà mạng có thể sử dụng băng tần thấp được cấp như băng tần 900 MHz để sử dụng cho 4G. Thực tế, do chiến lược đầu tư hạ tầng của mỗi doanh nghiệp khác nhau, nên có doanh nghiệp sử dụng một phần băng tần này cho 4G, có doanh nghiệp dùng hoàn toàn cho công nghệ khác.
Việc có thêm băng tần thấp như băng tần 700 MHz giúp một số doanh nghiệp vừa cải thiện chất lượng phủ sóng, đặc biệt là phủ sóng trong nhà, vừa giúp tăng thêm tốc độ truy nhập của 4G. Hiện nhà mạng hiện nay chưa có băng tần thấp để triển khai 4G.
Ông Lê Văn Tuấn cũng cho biết, Bộ TT&TT - cụ thể là Cục Tần số vô tuyến điện - đang nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sử dụng tần số 700 MHz để tham mưu, trình Bộ về việc đấu giá, cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz cho doanh nghiệp triển khai 4G/5G trong thời gian tới.
Theo Cục Tần số vô tuyến điện dự kiến, việc đấu giá băng tần 700 MHz sẽ được thực hiện trong năm nay.
Theo tìm hiểu của VietTimes, tại Việt Nam, băng tần băng tần 700 MHz trước đây chủ yếu được sử dụng cho hệ thống truyền hình tương tự mặt đất. Tuy vậy, hệ thống này đã được thay thế bởi truyền hình số mặt đất và hiện băng tần 700 MHz dùng cho truyền hình đã được giải phóng.
Băng tần dưới 1000 MHz nói chung và băng tần 700 MHz nói riêng có giá trị sử dụng cao đối với thông tin di động do có khả năng truyền sóng tốt, mang lại hiệu quả đầu tư cao. Các băng tần này có thể được sử dụng để cung cấp vùng phủ rộng tại khu vực nông thôn, ngoại ô và có khả năng phủ sóng sâu trong nhà tại các khu vực đô thị lớn, có mật độ cao về dân cư và công trình xây dựng. Băng tần 700 MHz có vai trò quan trọng để triển khai mở rộng các mạng 4G và làm nền tảng triển khai các mạng 5G trong tương lai gần.
Trên thế giới, khu vực châu Âu và 50 quốc gia, vùng lãnh thổ tại Đông Nam Á, châu Á và Nam Mỹ cũng có quy hoạch và định hướng quy hoạch băng tần 700 Mhz hài hòa với phương án quy hoạch theo phương thức song công theo tần số do Châu Á – Thái Bình Dương đề xuất (APT700 FDD). Trong số đó, nhiều quốc gia đã cấp phép triển khai mạng thông tin di động 4G với khoảng trên 50 mạng. Một số các nước Châu Âu như Na Uy, Thụy Sỹ, Đan Mạch đã cấp phép băng tần 700 MHz để triển khai mạng thông tin di động 5G.
Về kế hoạch tổ chức đấu giá khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), ông Lê Văn Tuấn cũng cho biết, Bộ TT&TT đang triển khai các thủ tục theo quy định của Nghị định 63/2023/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan để tổ chức đấu giá lại khối C3. Hiện Bộ TTTT đã ra quyết định xác định mức thu cơ sở đối với khối băng tần C3. Sau khi phê duyệt mức thu cơ sở, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các bước theo quy định để đấu giá.