SCO kết nạp Ấn Độ và Pakistan, tăng đối trọng Mỹ, phương Tây

VietTimes -- Với việc Ấn Độ và Pakistan chính thức trở thành thành viên, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trở thành một liên minh nước lớn châu Á mạnh nhất, thúc đẩy đa cực hóa thế giới. SCO sẽ có thể "đối trọng" với Mỹ và phương Tây, trước hết là trong cuộc chiến chống khủng bố.
Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Astana, Kazakhstan từ ngày 8 - 9/6/2017. Ảnh: India TV

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 17 diễn ra từ ngày 8 - 9/6/2017 ở thủ đô Astana (Kazakhstan), hai nước Ấn Độ và Pakistan đã được kết nạp làm thành viên của SCO, đánh dấu lần đầu tiên tổ chức khu vực này mở rộng thành viên, đưa SCO thành tổ chức khu vực lớn nhất thế giới.

Đánh giá về vấn đề này, nhà nghiên cứu chính trị Nga Alexander Dugin cho rằng việc Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên SCO có nghĩa là thế giới thực hiện một bước đi hướng tới đa cực hóa và vai trò ảnh hưởng của "tập đoàn Âu - Á" được tăng cường.

Alexander Dugin nói: "Đây là liên minh nước lớn châu Á mạnh nhất, tập trung tiềm lực kinh tế và lực lượng chiến lược to lớn - đây là bước đi quan trọng nhất hướng tới thể chế hóa thế giới đa cực. Cần lưu ý rằng: trong NATO có tình trạng một nước và một loại ý thức hệ chiếm vị thế độc tôn. Trong khi đó, gia nhập SCO là các nước đại diện cho các nền văn minh khác nhau, ý thức hệ và thể chế chính trị khác nhau. SCO là nhóm đa cực. Vì vậy, SCO có thể đối trọng với bá quyền của Mỹ và phương Tây, tạo cơ hội mới cho tất cả những đấu thủ trong khu vực".

Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Astana, lãnh đạo các nước thành viên SCO đã ký kết Công ước chống chủ nghĩa cực đoan và đã thông qua Tuyên bố chung về tấn công chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Nhà nghiên cứu Alexander Dugin cho rằng phương Tây sẽ buộc phải quan tâm đến lập trường thống nhất của các nước SCO. "Chẳng hạn, nếu SCO hình thành lập trường chống khủng bố thống nhất thì điều này sẽ tạo ra một môi trường hoàn toàn khác đối với việc giải quyết cuộc xung đột Syria. Nếu SCO nói 'không' với hành động nào đó của phương Tây thì phương Tây cần coi trọng".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thủ đô Astana, Kazakhstan tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO. Ảnh: DNA India

Trang tin quan sát chính sách Trung Quốc của Tây Ban Nha ngày 9/6 cho rằng tại Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Kazakhstan, hai nước Ấn Độ và Pakistan đều từ vị thế nước quan sát viên chuyển thành thành viên chính thức. Bất kể tính theo diện tích địa lý hay dân số, SCO đều sẽ là một trong những tổ chức lớn nhất trên thế giới.

SCO đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như tấn công chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới, an ninh và hợp tác kinh tế. Tất cả các nước thành viên đều hy vọng tránh để tình hình ổn định xấu đi, dẫn đến khu vực có tài nguyên thiên nhiên phong phú này trở thành một Trung Đông khác.

Hợp tác an ninh cũng là trọng điểm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này, cơ quan chống khủng bố khu vực sẽ được tăng cường.

Về kinh tế, tất cả các nước gia nhập SCO hiện đều thuộc sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc về mặt địa lý, muốn kết nối chính sách phát triển của mình với sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc.

Việc xử lý quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan từ nay đã có một kênh bổ sung, nhưng cũng không thể hoàn toàn thoát khỏi khó khăn.

Việc gia nhập của Ấn Độ và Pakistan cùng với việc Trung Quốc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên SCO có nghĩa là SCO đã có động lực mới, điều này đã bác bỏ những chỉ trích và hoài nghi về sức sống và mức độ vững chắc của SCO.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Ảnh: Dawn

Mặc dù trình độ phát triển của các nước thành viên SCO khác nhau, nhưng hợp tác an ninh và kinh tế của SCO luôn được tiến hành một cách thiết thực, ổn định. "Tinh thần Thượng Hải" đã cung cấp mô hình mới cho xây dựng liên minh trên cơ sở tin cậy lẫn nhau và cùng phát triển.

SCO đã cung cấp ô bảo vệ an ninh cho sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc. Dự đoán Bắc Kinh sẽ thông qua các hành động mới để tiếp tục củng cố sức mạnh của SCO.

Ngoài ra, theo hãng tin RIA Novosti Nga ngày 9/6, chuyên gia Ấn Độ cho rằng, việc Ấn Độ gia nhập SCO có thể nâng cao uy tín của SCO, tăng cường khả năng chống khủng bố của New Delhi và làm sâu sắc hợp tác với các nước Trung Á.

Phó Chủ tịch Nandan Unnikrishnan, Quỹ nghiên cứu nhà quan sát Ấn Độ cho rằng Ấn Độ mong muốn gia nhập SCO được quyết định bởi một số phương diện.

Trước hết, Ấn Độ muốn tham gia vào phát triển kinh tế khu vực Âu - Á và thực hiện các dự án trong đó. Thứ hai, SCO có thể trở thành kênh quan trọng để tìm biện pháp giải quyết vấn đề Afghanistan. Thứ ba, gia nhập SCO sẽ đem lại cơ hội cho Ấn Độ làm sâu sắc hợp tác với các nước Trung Á.