SCIC bán cổ phần tại Vinamilk, ai có thể mua?

SCIC nắm hơn 541 triệu cổ phiếu VNM tương đương 45,08% vốn điều lệ. Theo thị giá của VNM ngày 06/08, tức 97.000 đồng thì lượng cổ phiếu này có giá trị gần 52.500 tỷ đồng tương đương 2,4 tỷ USD.
SCIC bán cổ phần tại Vinamilk, ai có thể mua?

Tiết lộ “gây sốc” của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông tại Diễn đàn M&A 2015 tổ chức ngày 06/08 về việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phải đề xuất lộ trình rút dần vốn nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã:VNM) được cho là nguyên nhân kích thích giá cổ phiếu VNM tăng trần ngay trong phiên thứ 2 vừa qua.

SCIC ráo riết thoái vốn trong hoàn cảnh ngân sách thâm hụt

Vào tháng 12/2013, khi Chính phủ ban hành Nghị định 2344, Vinamilk, FPT Telecom, Vinare và Dược Hậu Giang là 4 doanh nghiệp “đinh” được SCIC chủ trương duy trì cổ phần nắm giữ và cho đến tháng trước, dường như định hướng này không có gì thay đổi.

Vinamilk có ý nghĩa rất lớn đối với danh mục đầu tư cũng như lợi nhuận của SCIC. Tính đến 11/8, danh mục cổ phiếu niêm yết của SCIC trị giá khoảng 74.000 tỷ đồng thì chỉ riêng VNM đã đóng góp 56.800 tỷ, tương đương 77%.

Hàng năm SCIC đều lĩnh hàng nghìn tỷ cổ tức từ doanh nghiệp này. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, Vinamilk đã có 2 đợt chi trả cổ tức với tỷ lệ lên đến 60%, tương ứng SCIC sẽ nhận về 2.700 tỷ đồng – con số kỷ lục từ trước đến nay.

Theo mục tiêu, năm 2014, SCIC muốn thoái vốn khỏi 290 doanh nghiệp nhưng mới chỉ thoái vốn được 76 doanh nghiệp. Năm 2015, Tổng công ty này tiếp tục đặt mục tiêu thoái vốn tại 229 doanh nghiệp nhưng tính đến cuối quý 1/2015, mới thực hiện được với khoảng 22 đơn vị. SCIC vẫn đang ráo riết thực hiện mục tiêu này với hàng loạt thông báo bán đấu giá cổ phần, dù giá khởi điểm khá cao.

Trong hoàn cảnh đó, một khó khăn mà ngân sách nước ta đang đối mặt đó là hụt thu ngân sách do giá dầu giảm. Số liệu của Bộ tài chính cho biết, bội chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm ước tính là 99 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5,56% GDP tính theo giá hiện hành và đã vượt chỉ tiêu tối đa Quốc hội cho phép (5,3% GDP). Bội chi 7 tháng là 100,7 nghìn tỷ đồng – xấp xỉ 44,5% dự toán năm.

Ai có thể mua?

Tính theo giá trị thị trường, 45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ có trị giá gần 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD. Nếu SCIC muốn bán với khối lượng lớn có thể sẽ bán được với giá cao hơn khi mà lâu nay nhà đầu tư nước ngoài thường giao dịch Vinamilk với giá cao hơn thị giá từ 10-15%.

Việc bán một phần hoặc toàn bộ số cổ phiếu Vinamilk đang nắm giữ sẽ giúp cho ngân sách có thêm nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt là ai có thể mua?

Tại Việt Nam, các thương vụ chuyển nhượng cổ phần có giá trị lớn có thể kể đến là CTCP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD Group) mua tòa nhà Vincom Center A từ Vingroup với giá trị khoảng 470 triệu USD, Tập đoàn tài chính Nhật Bản Mizuho mua 15% cổ phần của Vietcombank với giá trị khoảng 567 triệu USD ... Nói chung, các thương vụ lớn nhất tính đến nay đều chỉ có giá trị dưới 600 triệu USD.

Nhìn chung việc mua 5-10% cổ phần của Vinamilk đã là tương đối lớn đối với nhà đầu tư trong nước. Như thế, giả sử SCIC thoái hết khỏi VNM, với giá trị lớn đến 2,6 tỷ USD, đơn vị có năng lực mua một phần hay toàn phần dễ cũng phải là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk đã chạm giới hạn 49% theo quy định hiện hành. Theo nhận định của chứng khoán HSC, nếu nhà nước về cơ bản quyết định giảm cổ phần sở hữu tại VNM trong thời gian tới để tăng ngân sách tài khóa, có nghĩa là nhà nước có khả năng sẽ hỗ trợ đề xuất từ VNM về nới room.

Một khi Vinamilk được nới room thì việc một hay nhiều nhà đầu tư nước ngoài chịu chi ra 3 tỷ USD hoặc hơn để mua cổ phần của SCIC chỉ là “chuyện nhỏ”.

Lộ trình liệu có xa?

Nguyên văn câu nói của Thứ trưởng Đặng Huy Đông: “Vinamilk là doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn và chúng tôi đồng ý thoái vốn tại đây. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phải đề xuất lộ trình rút dần vốn nhà nước trong thời gian tới”.

Trước đây, SCIC vẫn bày tỏ quan điểm về việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp rằng “Cái gì làm được sẽ làm ngay. Dễ làm trước, khó sẽ từng bước thực hiện để đạt mục tiêu.”

Như vậy, lộ trình thoái vốn nhà nước tại VNM cũng chưa có gì rõ ràng và VNM là một “trường hợp khó” khi lợi nhuận từ doanh nghiệp đem lại cho SCIC rất lớn, quy mô sở hữu của SCIC tại đây cũng rất lớn. Vì thế, từ việc đề xuất lộ trình đến thực thi có lẽ sẽ là một khoảng thời gian không ngắn.

Dù trong ngắn hạn nhưng theo nhận định của CTCK Rồng Việt, mặt tích cực của thông tin SCIC có ý định thoái vốn khỏi VNM đã cho thấy kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư về việc nới room, về cơ hội tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ phần vốn lớn kinh doanh hiệu quả.

Theo Trí thức trẻ