|
Báo RBTH của Nga ngày 13/4/2016 vừa qua có bài phân tích đề tên của tác giả Rekesh Krishnan Simha – một nhà báo, nhà phân tích ngoại giao ở New Zealand đưa bình luận khuyên rằng quân đội Ấn Độ nên tránh xa Ukraine sau hai vụ làm mất máy bay An của Không quân Ấn Độ và cung cấp máy bay MiG giả cho Croatia.
Theo nhà phân tích Rekesh Krishnan Simha, Ukraine đang có tham vọng muốn làm chủ thị trường béo bở ở Ấn Độ, đặc biệt là với những loại vũ khí có từ thời kỳ Liên Xô, tuy nhiên, Ấn Độ nên tránh xa đất nước đang bê bết Ukraine, đặc biệt là sau hai sự cố từng được truyền thông quốc tế nhắc tới.
Chuyên gia Rekesh Krishnan Simha nói rằng, 1 năm sau khi làm thất lạc 5 máy bay AN-32 mà Ấn Độ đã chuyển đến Ukraine để nâng cấp, Kiev tuyên bố rằng nước này sẽ chen chân vào thị trường bảo trì vũ khí ở Ấn Độ để phá vỡ thế độc quyền của người Nga.
Tuyên bố này đã được cố vấn cao cấp của tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất Ukraine Ukroboronprom – ông Perto Fedoruk đưa ra bên lề một cuộc triển lãm vũ khí tổ chức tại Goa.
Ukraine nhận thấy rằng mình có khả năng xâm nhập thị trường nâng cấp, bảo trì các loại vũ khí từ thời kỳ Liên Xô ở Ấn Độ bởi phần lớn trang bị hiện nay của Ấn Độ đều nhập của Liên Xô cũ.
Theo đánh giá của Kiev, nếu làm chủ thị trường nâng cấp, bảo trì vũ khí cho Ấn Độ có thể kiếm về hàng tỷ USD.
Chuyên gia Rekesh Krishnan Simha cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine hiện nay đã bị tổn hại nặng nề từ cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra và “không còn nghi ngờ gì nữa”, Kiev đang khát khao nắm được miếng bánh ngon này từ Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc Ukraine có còn đủ uy tín và năng lực cung cấp các dịch vụ liên quan đến vũ khí quốc phòng cho Ấn Độ nữa hay không còn là vấn đề đáng chú ý – nhà phân tích Rekesh Krishnan Simha nhấn mạnh.
Bê bối làm suy uy tín
Ông Rekesh Krishnan Simha cũng viện dẫn lại trường hợp hôm 22/3 vừa qua khi báo Jutarnji list của Croatia đã làm rùng beng lên với thông tin trong đó nói rằng, cơ quan an ninh quân sự của nước này nghi ngờ rằng những máy bay tiêm kích MiG-21 nhận được từ Ukraine không phải là máy bay nguyên bản, mà được lắp ráp từ các bộ phận mua ở những nước khác nhau.
Croatia nghi ngờ rằng trên các máy bay nhận được từ Ukraine bởi họ phát hiện ra rằng số seri đã bị dập xóa, mã số phụ tùng không tương ứng với tài liệu đính kèm và việc đại tu máy bay không được thực hiện.
Croatia trước đó đã bắt đầu điều tra vụ việc sau khi xảy ra loạt vụ trục trặc trên các máy bay nhận từ Ukraine.Theo báo Jutarnji list, Croatia đã nhận những máy bay này trong khuôn khổ Hiệp định về sửa chữa và mua các máy bay MiG-21 có tổng trị giá 133 triệu USD, được ký kết hồi tháng 7/2013 với công ty "Ukrspetsexport."
Theo cơ quan điều tra quân đội Croatia, máy bay nhận từ Ukraine có thể được lắp ráp từ các bộ phận mua ở những nước khác trên thế giới. Cụ thể, có những nghi ngờ nghiêm túc rằng phần thân máy bay là từ Bulgaria, phần cánh là từ Algeria, thậm chí, người ra phát hiện ra rằng thân máy bay từ Bulgaria có thể còn là của những phi cơ mà Sofia từng hủy bỏ.
Rekesh Krishnan Simha cũng nhắc lại vụ việc một công ty của Ukraine đã làm thất lạc mất 5 máy bay An-32 của Không quân Ấn Độ, những phương tiện đường không được New Delhi chuyển đến Kiev chờ nâng cấp.
Theo ông Simha, vụ thất lạc này có thể là chủ đích và nó có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine từ tháng 4 năm 2015.
5 máy bay bị thất lạc này nằm trong hợp đồng nâng cấp, đại tu tổng thể 40 chiếc cho Không quân Ấn Độ mà Ucraine đã uỷ nhiệm cho tập đoàn Ukrspetsexport của nước này ký với Ấn Độ.
Về vụ việc này, ngành ngoại giao của Ukraine nói rằng Ấn Độ nên giải quyết với tập đoàn Ukrspetsexport. Trong khi đó, chính phủ Ukraine thì thản nhiên cho rằng Kiev không thể giúp gì cho Ấn Độ bởi đó là việc của chính phủ cũ.
Cuối cùng báo RBTH của Nga dẫn lời ông Rekesh Krishnan Simha cảnh báo Ấn Độ rằng nước này nên tránh xa việc ký kết các hợp đồng liên quan đến nâng cấp các loại vũ khí từ thời Liên Xô với chính quyền Ukraine bởi đất nước này “đã mất hoàn toàn chức năng và uy tín".
Lê Dũng