Dù hiện tại, cuộc đua trong đảng Dân chủ chỉ còn có 3 ứng viên, nhưng chính thức mà nói chỉ có hai ứng cử viên đang đua tranh vị trí đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống vào năm sau là bà Hillary Clinton cựu đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ và ông Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ bang Vermont khi khoảng cách của hai ứng cử viên này so với cựu Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley là quá xa.
Chủ nghĩa cực đoan phát triển bởi... Mỹ xâm lược Iraq
Cuộc tranh luận hôm 14.11, chỉ diễn ra sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris một ngày, khiến cho phần đầu của được tranh luận trực tiếp kéo dài 2 giờ chỉ nói về vấn đề an ninh quốc gia và chống khủng bố. Nhưng bà Hillary Clinton bị mất thế dù có kinh nghiệm đối ngoại hơn hai ứng cử viên còn lại.
Ngay sau khi cả 3 ứng cử viên dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của vụ khủng bố tại Paris hôm 13.11, cựu Ngoại trưởng Clinton đã hứng chịu loạt chỉ trích từ đối thủ liên quan đến việc bà bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết Mỹ đưa quân vào Iraq hồi năm 2003 khi còn là Thượng nghị sĩ bang New York.
Thượng nghị sĩ Sanders cho rằng tình trạng bất ổn tại Trung Đông hiện nay kèm theo sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và IS là hệ quả từ cuộc chiến xâm lược Iraq của Mỹ. Ông tái khẳng định cuộc chiến tại Iraq là một trong những sai lầm nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong lịch sử hiện đại.
"Theo tôi, chả người nào có suy nghĩ lại không đồng tình với ý kiến cho rằng cuộc xâm lược Iraq đã dẫn tới sự bất ổn mà chúng ta đang nhìn thấy trong hiện tại", ông Sanders nói.
Ông còn nói, tiến hành một cuộc chiến rất đơn giản, nhưng hậu quả mà cuộc chiến mang lại thì cần phải được tính toán trước.
Phản bác lại quan điểm ấy, bà Hillary Clinton lập luận rằng quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chủ nghĩa cực đoan thánh chiến trở thành mối đe dọa an ninh, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001 nhằm vào Mỹ. Bà Clinton ủng hộ chính sách của chính quyền Tổng thống Barack Obama trước sự trỗi dậy của IS, đặc biệt là chương trình huấn luyện lực lượng nổi dậy "ôn hòa" tại Syria.
Tuy nhiên, cựu Thống đốc bang Maryland O'Malley lại phản đối quan điểm trên. Ông cho rằng những động thái của chính quyền Washington tại Syria, Libya và Afghanistan là không đủ để có thể duy trì sự ổn định tại những khu vực này. Theo ông, Mỹ cần cải thiện hoạt động tình báo tại thực địa để có chính sách phù hợp hơn.
Tăng lương tối thiểu, cải tổ Wall Street
Liên quan đến vấn đề kinh tế, ba ứng cử viên đảng Dân chủ đều đồng tình trong việc nâng mức lương tối thiểu. Bà Clinton ủng hộ mức lương 12 USD/giờ, trong khi ông Sanders đưa ra đề xuất là 15 USD/giờ (hơn gấp đôi so với hiện tại là 7,25 USD/giờ).
Bên cạnh đó, các ứng cử viên Mỹ cũng có quan điểm giống nhau về loạt vấn đề như tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu, giảm học phí.
Về vấn đề kiểm soát hoạt động ngân hàng, ông Sanders đã chớp thời cơ chỉ trích quan điểm của bà Clinton đối với các công ty tài chính trên thị trường Wall Street, và nghi ngờ rằng chính sách của cựu Ngoại trưởng Mỹ không đủ mạnh để ngăn chặn hành vi gian lận và thâu tóm của các ngân hàng lớn.
"Vì sao, trong suốt sự nghiệp chính trị của đệ nhất phu nhân Hillary Clinton Wall Street luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho bà. Có lẽ họ im lặng, nhưng tôi không nghĩ vậy. Cần phải phá vỡ chúng, thiết lập lại đạo luật Glass Steagall (đạo luật ngân hàng 1933)", ông Sanders khẳng định sẽ diệt hệ thống ngân hàng hiện nay nếu lên làm tổng thống Mỹ.
"Tôi chưa từng nghe thấy một ứng cử viên nào vừa nhận được những khoản tiền khổng lồ vừa nói "những đóng góp trong chiến dịch tranh cử sẽ không ảnh hưởng đến tôi". Mọi người đều biết điều đó", Thượng nghị sĩ bang Vermont lại tiếp tục chỉ trích bà Clinton.
Trong khi đó, ông O'Malley lại đánh giá các chính sách của bà Clinton là "nhạt nhẽo", yếu kém.
Kết quả thăm dò sẽ thay đổi ra sao?
Từ nay đến tháng 2, thời điểm bầu cử sơ bộ sớm tại Iowa và New Hampshire sẽ còn 6 lần tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên đảng Dân chủ được tiến hành.
Hiện tại, bà Clinton đang dẫn trước tại bang Iowa với 55% so với 37% của ông Sanders (ông O'Malley chỉ được 3%), khoảng cách giữa hai ứng cử viên dẫn đầu tại bang này đang có xu hướng thu hẹp dần.
Còn tại bang New Hampshire , tiểu bang "quan trọng nhất" trong cuộc bầu cử sơ bộ thì ông Sanders đã bị bà Clinton qua mặt với cách biệt 3%.
Thiên Hà - Theo The Guardian, Một thế giới