Sau 1 năm sáp nhập BHS, cổ phiếu SBT đã đủ độ “chín”?

VietTimes – Những thông báo giao dịch mua vào liên tiếp cổ phiếu với số lượng lớn của các thành viên ban lãnh đạo Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa rất được nhà đầu tư quan tâm. Khoảng thời gian 1 năm có lẽ chưa thể đánh giá được hết hiệu quả của một thương vụ sáp nhập nhưng cũng cho nhà đầu tư một vài thông tin tài chính để có nhận định cho riêng mình.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTC - BH)
Ảnh minh họa (Nguồn: TTC - BH)

Một trong những sự kiện khiến thị trường chứng khoán Việt Nam dậy sóng từ giữa năm 2017 là hoạt động sáp nhập giữa hai công ty mía đường lớn nhất nhì cả nước là Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS - Mã CK: SBT) và Công ty cổ phần đường Biên Hòa (Mã CK: BHS).

Kỳ vọng về viễn cảnh một doanh nghiệp mía đường hậu sáp nhập có quy mô đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại và cơ hội kiếm lời từ chênh lệch giá đã thu hút cả dòng tiền đầu cơ và đầu tư. Nhờ vậy, cả hai cổ phiếu SBT và BHS đều đã đem đến những thành quả “ngọt ngào” nhờ chuỗi tăng điểm ấn tượng.

Đến ngày 6/9/2017, SBT đã hoàn thành việc phát hành thêm 303.830.405 cổ phiếu mới để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu BHS theo tỷ lệ 1:1,02. Sau khi xác nhập, CTCP đường Biên Hòa (BHS) đã trở thành công ty con của TTCS và được đổi tên thành Công ty TNHH MTV đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai. Còn TTCS cũng đổi tên thành CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC – BH) để tiếp nối giá trị thương hiệu.

Diễn biến cổ phiếu SBT trong vòng 1 năm qua (Nguồn: VNDS)
Diễn biến cổ phiếu SBT trong vòng 1 năm qua (Nguồn: VNDS) 

Khi sự hưng phấn qua đi, dòng tiền đầu cơ từ bỏ là điều không thể tránh khỏi, giá cổ phiếu SBT bắt đầu rơi vào chuỗi ngày giảm điểm. Lúc này, yếu tố cơ bản giúp nâng đỡ giá cổ phiếu SBT bền vững là những tiềm năng hậu sáp nhập và cần phải có thời gian để kiểm chứng.

Tiềm năng cần hiện thực hóa

Sau khi sáp nhập BHS, TTC – BH sở hữu 9 nhà máy, nâng tổng công suất thiết kế toàn hệ thống lên 48.600 tấn mía/ngày, đứng đầu ngành mía đường Việt Nam về quy mô. Vùng nguyên liệu cho sản xuất của TTC – BH cũng được mở rộng lên đến 55.000 ha, chủ yếu là diện tích thuộc: TTCS 14.000 ha, TTC – Gia Lai 11.000 ha, tại Biên Hòa – Ninh Hòa 9.000 ha; tại Lào 6.000 ha.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng đánh giá cao sức mạnh giá trị cộng hưởng về doanh thu do mỗi công ty mạnh về một mảng sản phẩm đường khác nhau. Khi sáp nhập, TTC-BH có thể tận dụng khách hàng của BHS để bán chéo sản phẩm và ngược lại.

Cụ thể, TTCS mạnh về sản phẩm đường RE dành cho khách hàng bán buôn, sản phẩm không đa dạng, phong phú như BHS, từ đó có thể bán chéo sản phẩm cho BHS với khách hàng của mình. Ngược lại, BHS lấy đường RE từ hệ thống TTCS bán thêm cho khách hàng của BHS. Do vậy, dự kiến thị trường tiêu thụ được sẽ được mở rộng hơn 100%, thị phần toàn Việt Nam chiếm khoảng 30%, tăng gần 20% so với trước sáp nhập.

Sáp nhập với BHS giúp TTC-BH nhanh chóng mở rộng quy mô (Nguồn: FPTS)
Sáp nhập với BHS giúp TTC-BH nhanh chóng mở rộng quy mô (Nguồn: FPTS)

Ngoài ra, tổng tài sản của TTC-BH cũng sẽ tăng lên 19,4 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu 6,9 nghìn tỷ đồng. Khi có quy mô lớn như vậy, TTC – BH có thể cải thiện năng lực sản xuất, hạ giá thành thông qua nâng cao chất lượng cây mía và tăng hiệu quả sản xuất bằng cơ giới hóa.

Dù có tiềm năng như vậy, điều quan trọng nhất vẫn là cách thức triển khai để có thể hiện thực hóa sao cho hiệu quả. Nhìn vào danh sách dài tới hơn 20 thành viên trong Ban giám đốc của TTC – BH mới chỉ phản ánh phần nào khối lượng công việc phải xử lý.

Vì sao ban lãnh đạo liên tiếp đăng ký, giao dịch mua vào cổ phiếu?

Bước sang đầu tháng 8/2018, nhiều thành viên trong Ban Lãnh đạo của TTC - BH đã liên tiếp mua vào và đăng ký mới với số lượng lớn cổ phiếu SBT.

Cụ thể, ngày 3/8 ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã có thông báo mua vào 1.000.000 cổ phiếu tăng tỷ lệ sở hữu lên 2.585.469, chiếm 0,46%.  Tới ngày 10/8, ông Trần Quốc Thảo – Phó Tổng Giám đốc (PTGĐ) mua vào 1.000.000 cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu lên 1.149.938 cổ phiếu, chiếm 0,21%.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Ngữ, hiện đang giữ chức vụ Tổng giám đốc, cũng đã đăng ký mua vào 1.000.000 cổ phiếu, dự kiến giao dịch từ 10/8 tới 8/9. Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Tổng giám đốc cũng đăng ký mua vào 1.000.000 cổ phiếu, dự kiến giao dịch từ 17/8 tới 15/9.

Tổng số lượng cổ phiếu 4 cá nhân này nắm giữ sẽ là 8,5 triệu cổ phiếu, nâng tổng số lượng cổ phiếu của Người nội bộ Công ty lên khoảng 8,40%. Để thực hiện các giao dịch mua vào 4 triệu cổ phiếu này, tổng giá trị giao dịch dự kiến khoảng 70 tỷ đồng ước tính theo mức giá 16.700 đồng chốt phiên ngày 31/7/2018.

Các hoạt động mua bán trên diễn ra sau khi TTC - BH công bố BCTC niên độ 2017-2018 (từ ngày 1/4/2017 đến ngày 30/6/2018) với tình hình kinh doanh khả quan khi tất cả các chỉ tiêu quan trọng đều vượt kế hoạch như Sản lượng tiêu thụ đạt 571.000 tấn, Doanh thu thuần đạt 10.364 tỷ đồng và ghi nhận 547 tỷ đồng Lợi nhuận sau thuế.

Là những người trực tiếp điều hành TTC – BH hậu sáp nhập, hẳn ban lãnh đạo của công ty đã có niềm tin hơn vào triển vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp dựa trên những kết quả đã đạt được. Dù một số giao dịch vẫn chưa công bố kết quả nhưng hoạt động này phần nào sẽ giúp ổn định giá cổ phiếu SBT và cũng nhận được sự hưởng ứng từ thị trường khi giá cổ phiếu SBT hiện đã tăng lên mức 18.350 đồng (giá đóng cửa ngày 17/8/2018) từ vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu.  

Được biết, tính tới cuối tháng 7, cơ cấu cổ đông của SBT bao gồm 46,53% cá nhân trong nước; 35,22% tổ chức trong nước; 11,06% cổ phiếu quỹ; 6,68% tổ chức nước ngoài và 0,51% cá nhân nước ngoài./.