“Sát thủ diệt hạm” giúp Đài Loan hạ gục hàng không mẫu hạm Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Đài Loan vừa cho ra mắt tàu hộ tống tên lửa đầu tiên được thiết kế để hạ gục tàu sân bay, nhằm tăng cường phòng thủ trước viễn cảnh bị Trung Quốc tấn công.

Tàu hộ tống tên lửa mới được trang bị tên lửa Hsiung Feng III cùng các loại tên lửa diệt hạm khác (Ảnh: SCMP)
Tàu hộ tống tên lửa mới được trang bị tên lửa Hsiung Feng III cùng các loại tên lửa diệt hạm khác (Ảnh: SCMP)

“Sát thủ diệt hạm” mới, cùng với một tàu thả thủy lôi tốc độc cao được ra mắt hồi đầu năm, được chế tạo ở trong nước và được thiết kế nhằm giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược chiến tranh không cân xứng của Đài Loan, nhằm đối đầu với một lực lượng lớn hơn họ là quân đội Trung Quốc (PLA).

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và từng tuyên bố không ngại sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát. Trung Quốc đã tăng cường gây sức ép với hòn đảo này kể từ khi bà Thái Anh Văn được bầu làm lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, và bà từ chối chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Trong buổi lễ ra mắt mẫu tàu hộ tống mới – có tên Ta Jiang – tại một xưởng tàu ở Suao, Đông Bắc Đài Loan hôm 15/12, bà Thái Anh Văn nói các tàu mới là tín hiệu khẳng định sự quyết tâm của Đài Loan trong việc bảo vệ các vùng biển của họ và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.

“Để đối phó với mối đe dọa từ kẻ thù…để xây dựng sức mạnh phòng thủ của chúng ta, chúng ta cần phải tiếp nhận khái niệm chiến tranh không cân xứng để ngăn chặn những đòn tấn công sắp tới từ kẻ địch” – bà nói.

Tàu hộ tống mới – có độ choán nước 700 tấn và có vận tốc tối đa 45 knot (83 km/giờ) – được ứng dụng công nghệ tàng hình tối tân để tránh bị phát hiện và được trang bị nhiều tên lửa cận âm có thể tiêu diệt mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển, như hàng không mẫu hạm.

Nó cũng có thể hoạt động ở các vùng biển nước nông hoặc vùng ven biển, nơi mà các con tàu lớn như khu trục hạm không phù hợp hoạt động.

Huang Shou-chen – Chủ tịch của Công ty đóng tàu Lung The, bên chế tạo mẫu tàu hộ tống và tàu thả thủy lôi mới – nói rằng cả hai mẫu tàu này đều được trang bị các hệ thống vũ khí mạnh mẽ được sản xuất trong nước.

“Tàu Ta Jiang được trang bị nhiều tên lửa chống hạm Hsiung Feng (Hùng Phong) II và III, và tên lửa chống không Hai Chien II được phát triển bởi Viện Chung-Shan” – ông Huang nói, nhắc tới Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung-Shan.

Tàu hộ tống mới cũng được trang bị các khẩu pháo 76 mm, hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx và nhiều súng máy T-74.

Bà Thái Anh Văn tới kiểm tra mẫu tàu mới sau lễ đặt tên cho tàu Ta Jiang (Ảnh: EPA)

Bà Thái Anh Văn tới kiểm tra mẫu tàu mới sau lễ đặt tên cho tàu Ta Jiang (Ảnh: EPA)

“Nó được thiết kế để chống lại các tàu của PLA, bằng cách áp dụng chiến thuật vừa đánh vừa chạy (hit and run) và nhờ vào khả năng tàng hình, tính cơ động cao của nó” – Chieh Chung, một chuyên gia phân tích an ninh quốc gia thuộc Tổ chức Chính sách Quốc gia, có trụ sở ở Đài Loan, nói.

Ông nói rằng những khả năng trên cũng được áp dụng với tàu thả thủy lôi – có khả năng thả thủy lôi rất nhanh và khiến cho tàu địch khó tấn công bờ biển – và cả hai mẫu tàu này đều rất phù hợp với chiến lược phòng thù không cân xứng của Đài Loan.

Huang nói tàu thả thủy lôi mới, tàu đầu tiên trong số 4 tàu mẫu này, được trang bị một hệ thống trí tuệ được thiết kế bởi Viện Chung-Shan, cho phép con tàu này tự động thả thủy lôi khi di chuyển ở tốc độ cao.

Theo Hải quân Đài Loan, tàu Ta Jiang là con tàu đầu tiên trong số 3 tàu hộ tống sẽ được chế tạo trong chương trình có vốn đầu tư lên tới 1 tỉ USD. Còn tàu này được dự kiến sẽ sẵn sàng nhập biên chế hải quân vào năm tới, và tàu cuối cùng cùng mẫu sẽ vào biên chế trong năm 2025.

Con tàu này được trang bị một trong số những hệ thống máy tính công nghệ hiện đại nhất hiện nay, và được chế tạo một phần bằng các loại hợp kim kim loại có sức chống chịu cao để tăng cường sức mạnh và khả năng chống chịu.

Công nghệ tàng hình cùng với hệ thống radar tiết diện thấp khiến con tàu gần như tàng hình trên biển và thậm chí còn khó phát hiện hơn khi hoạt động gần bờ biển. Hải quân Đài Loan nói rằng nó được thiết kế để tiếp nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, thay thế cho các con tàu cỡ lớn và ít cơ động hơn.