"Sát thần" nhiệt áp Nga TOS-1A hủy diệt IS tại Syria, Iraq

VietTimes -- Ngày 10.12.2017, tại Baghdad đã cuộc diễu binh vinh danh chiến thắng lực lượng khủng bố IS. Trong đội hình diễu hành có sự tham gia của tăng thiết giáp Nga và Mỹ như tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A " Solntsepek", xe tăng T-72M1, xe bọc thép "Humvee" và tăng "Abrams". 
Pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A " Solntsepek" trên chiến trường Iraq - ảnh minh họa South Front

Trong cuộc diễu binh mừng chiến thắng này, người Iraq gọi tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp TOS-1 "Solntsepek" là vũ khí của chiến thắng.

Trong cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp TOS-1 "Solntsepek" được sử dụng trong những giai đoạn khó khăn phức tạp nhất của các chiến dịch tấn công. Những loạt đạn chính xác và sức công phá kinh hoàng không thể tưởng tượng được khiến các tay súng IS, có thể liều mạng đánh bom tự sát cũng phải hốt hoảng tháo chạy.

Mặc dù các tổ hợp TOS-1 tham gia vào những trận chiến ác liệt nhất, nhưng quân đội Iraq không tổn thất bất cứ một tổ hợp "Solntsepek" nào. Trong chiến đấu, pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A cho thấy có độ tin cậy cao, khai thác sử dụng đơn giản, không cần phải tiến hành công tác bảo trì bảo dưỡng và sửa chữa phức tạp trong điều kiện chiến trường. Kíp xe có thể nhanh chóng sửa chữa những hỏng hóc nhỏ trong quá trình chiến đấu.

Nhưng với tăng thiết giáp Mỹ, tình hình khác hoàn toàn. Theo "Bản tin Mordovia", trong cuộc chiến "số lượng xe bọc thép Humvee bị phá hủy khá lớn - đủ để trang bị cho một sư đoàn." Chiến trường Iraq cũng không phải là nơi chứng minh hiệu quả tác chiến của tăng Abrams. Các tay súng khủng bố, sử dụng những tổ hợp tên lửa lỗi thời, được Liên Xô chế tạo, thiêu hủy ít nhất 48 chiếc tăng nổi tiếng của Mỹ.

Quân đội Iraq, tổn thất nặng nề với những chiếc tăng Mỹ đắt đỏ và không đáng tin cậy, quyết định thay thế lực lượng tấn công chủ lực bằng xe tăng Nga. Mùa hè năm 2017, Uralvagonzavod đã ký hợp đồng cung cấp 73 xe tăng T-90S có trị giá một tỷ USD cho Iraq.

Tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp, mặc dù có hiệu quả tác chiến vô cùng lớn và đơn giản trong khai thác sử dụng, xuất hiện trong lực lượng vũ trang Liên xô trước đây và quân đội Nga ngày nay khá muộn, khoảng cuối những năm 1980 thế kỷ 20.

Tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp khởi điểm ban đầu mang tên là TOS-1 "Buratino", được phát triển bởi Cục Thiết kế các phương tiện giao thông Omsk, phối hợp với Viện Nghiên cứu các vấn đề Vật lý Zelenograd mang tên F.V.Lukin trên thân tăng T-72.

"Buratino" khai chiến lần đầu tiên ở Afghanistan. Trước đó, các tay súng Taliban (dushmans) gọi súng phóng lựu nhiệt áp Shmel, phóng đạn nhiệt áp sử dụng một lần là “ống Satan” thì tổ hợp TOS – 1 mang đến cho các chiến binh không biết sợ chết này sự khủng khiếp.

"Buratino" là tổ hợp phóng rockets trên thân xe MBT T-72 với ống phóng dài 5 mét, sử dụng đạn phản lực không điểu khiển. Tổ hợp hoàn toàn giống các loại pháo phản lực khác (MLRS). Sự khác biệt chủ yếu là đầu đạn rocket. Các đầu đạn TOS gây cháy. Loại đầu đạn thứ nhất mang theo hỗn hợp các chất dễ cháy có nhiệt độ cao, đây là một loại đạn cháy rocket. Loại thứ hai là các đầu đạn nhiệt áp, có sức công phá dữ dội gấp nhiều lần.

Nguyên tắc của đạn nhiệt áp tương tự như nguyên tắc phá hủy của bom chân không. Khi đạn phát nổ, trong một không gian giới hạn bung ra một đám mây sol-khi các hạt sương chấy cháy. Khi phát nổ đám mây nhiên liệu sẽ đốt cháy trong chợp mặt toàn bộ không khí trong không gian hẹp, không khí xung quanh dưới áp suất lớn tràn vào vùng chân không, gây lên sóng xung kích dữ dội.

Trong đạn nhiệt áp, quá trình gây cháy chỉ xuất hiện sau khi hỗn hợp nhiên liệu dễ cháy đã bung ra bao trùm lên một khu vực giới hạn, hình thành một vụ nổ trên không gian rộng. Chính vì vậy Buratino có khả năng tiêu diệt không chỉ sinh lực mà cả công trình quân sự, phương tiện chiến đấu. Tâm của vụ nổ, nhiệt độ lên đến 3.000oC.

Đầu đạn cháy có khối lượng 45 kg, đầu đạn nhiệt áp có khối lượng 74 kg. Diện tích khu vực sát thương, phá hủy của đạn cháy và đạn nhiệt áp lên đến 40 nghìn m2. Tầm bắn gần nhất là 400 m, tầm bắn xa nhất của đạn cháy là 3600m, đạn nhiệt áp 2700m.

“Buratino” có hai chế độ bắn, phát một và nhịp đôi. Ở chế độ bắn phát một, phóng 30 tên lửa liên tiếp hết 12 giây, chế độ bắn nhịp đôi 6 giây.

Một quả đạn tên lửa có khối lượng đến 200 kg, do đó xe nạp đạn cho "Buratino" là xe vận tải bánh hơi.

Kinh nghiệm khai thác sử dụng “Buratino” trên chiến trường Afghanistan cho thấy, do điều kiện tác chiến trên tuyền duyên, điểm yếu đáng kể của pháo phản lực nhiệt áp là hệ thống phóng đạn. Lớp giáp bọc bên ngoài chỉ có khả năng chống được đạn 7,62. Trong tình huống nạp đủ 30 đạn, một viên 12,7mm có thể xuyên qua lớp vỏ và kích hoạt một vụ nổ nhiệt áp. Rất may mắn ở Afghanistan đã không xảy ra điều đó, binh sĩ Nga để tránh trường hợp trúng đạn kích nổ đã không nạp tên lửa vào các ống phóng bên sườn.

Một tình huống khác liên quan đến xe nạp đạn bánh hơi. Trong tình huống địa hình đồi gò, sa mạc phức tạp và bị tấn công liên tục bằng các loại hỏa khí khác nhau của đối phương, xe nạp đạn bánh hơi có thể sẽ không tiếp cận chiến tuyến, gây ra tình trạng thiếu đạn khi cần nạp cho loạt bắn mới.

Những nhược điểm này được khắc phục trong phiên bản pháo phản lực nhiệt áp TOS-1А “Solntsepek”, được đưa vào biên chế năm 2001. Xe nạp đạn cũng được thay thế bằng thân xe T-72. Các kỹ sư thiết kế cũng tăng cường vỏ giáp cho khối phóng đạn, giảm số lượng đạn từ 30 xuống còn 24. Lớp vỏ khối phóng đạn có thể chịu được các loại đạn của súng phòng không hạng nặng đến 23 mm.

Mặc dù số lượng đạn giảm xuống còn 24, nhưng uy lực vũ khí vẫn được duy trì nhờ tăng uy lực của đầu đạn và sức đẩy của liều phóng. Cả Buratino và Solntsepek đều duy trì khả năng hủy diệt một diện tích tương đương 40 nghìn m2, bằng khoảng 6 sân bóng đá.

Nhờ những tiến bộ công nghệ, xe được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực mới. Hệ thống có thiết bị đo xa laser, máy tính đường đạn, cho phép trắc thủ tính toán chi tiết góc phóng. Nhờ có những cải tiến này, đạn không lệch quá mục tiêu 10 m. Với một đầu đạn nhiệt áp, 10 m hoàn toàn không có ý nghĩa. Hơn thế nữa, tầm bắn đạt đến 6.700 m cho cả hai loại đạn.

Để tiêu diệt sinh lực và vũ khí trang bị của đối phương, khoảng cách này hoàn toàn đủ. Nhưng lại không đủ để tránh đòn đáp trả của đối phương, ngay cả với những vũ khí hỏa lực tấn công tầm trung như súng cối và các tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển. Chính vì vậy, sau mỗi lần khai hỏa, TOS lại phải thay đổi trận địa, ngoài ra khi tham chiến, TOS phải đi trong đội hình tấn công của xe tăng và bộ binh.

Hiệu quả tác chiến của TOS – 1A trong chiến tranh hiện đại đã bác bỏ hoàn toàn những tuyên bố về sự không cần thiết phải có những tổ hợp pháo phản lực tấn công chiến trường. Vấn đề then chốt là tăng tầm bắn cho các tên lửa mang đầu đạn nhiệt áp. Năm 2016, các nhà phát triển rocket không điều khiển đã thử nghiệm các tên lửa cỡ nòng 220 mm nhưng có tầm bay đến 10 km.

Chính vì sức hủy diệt kinh hoàng của TOS-1А “Solntsepek”, trên chiến trường Syria, do tính nhạy cảm của vấn đề mà không có nhiều ảnh hoặc video, ghi lại cảnh quân đội Syria sử dụng pháo phản lực nhiệt áp. Nhưng có 1 điều chắc chắn, mọi cuộc tấn công thành công với tốc độ cao của lực lượng Tiger, đều có bóng của TOS-1А “Solntsepek”. Trong cuộc tấn công giải phóng thành phố Deir Ezzor và đập tan sức kháng cự của IS trên bờ tây sông Euphrates, TOS-1А “Solntsepek” đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của quân đội Syria.

Từ góc nhìn chiến thuật, TOS-1А “Solntsepek” có được hiệu quả tác chiến cao trong các cuộc xung đột cường độ thấp, tương tự như cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq.

Nhưng nếu đây là cuộc chiến tranh của các lực lượng vũ trang hiện đại, có không quân chiến trường, các phương tiện hỏa lực hiện đại, pháo tự hành, tên lửa có độ chính xác cao thì pháo phản lực nhiệt áp trên chiến trường không có nhiều cơ hội để phát huy tác dụng. Đây cũng là trở ngại mà trong các đơn vị hiện đại, không phát triển nhiều loại pháo phản lực tầm gần này. Trong quân đội Nga, TOS-1А “Solntsepek” và “Buratino” trong các đơn vị phòng hóa với số lượng khoảng gần 30 xe.

Nhưng trong điều kiện chiến tranh hiện đại, đặc biệt khi đối phương sử dụng các lực lượng bạo loạn, khủng bố, triệt để tiến hành chiến tranh du kích, chiến tranh đường phố và đường hầm, kinh nghiệm Iraq và Syria cho thấy, đây là vũ khí không thể thiếu trong các đơn vị chiến đấu. 

TOS-1А “Solntsepek” pháo kích trên chiến trường Syria - video truyền thông quân đội Syria
TOS-1А “Solntsepek” trên chiến trường Iraq, cuộc chiến giải phóng thị trấn Baiji - video truyền thông lực lượng PMU Iraq
TTB