Sập hệ thống máy tính toàn cầu, hàng loạt hãng hàng không và doanh nghiệp bị tê liệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sự cố sập hệ thống công nghệ toàn cầu đã làm gián đoạn hoạt động của nhiều doanh nghiệp, trong đó nhiều hãng hàng không tạm dừng chuyến bay, một số đài truyền hình ngừng phát sóng và nhiều dịch vụ gặp sự cố hệ thống.

Hành khách nhìn vào màn hình hiển thị các chuyến bay bị trì hoãn tại sân bay Barcelona vào ngày 19/7, ở Barcelona, ​​​​Tây Ban Nha (Ảnh: Getty)
Hành khách nhìn vào màn hình hiển thị các chuyến bay bị trì hoãn tại sân bay Barcelona vào ngày 19/7, ở Barcelona, ​​​​Tây Ban Nha (Ảnh: Getty)

Trong khi các hãng hàng không lớn của Mỹ - American Airlines, Delta Airlines và United Airlines – phải ngừng hàng loạt chuyến bay, nhiều hãng hàng không và sân bay khác trên khắp thế giới cũng báo cáo tình trạng chậm chuyến và gián đoạn trong hôm 19/7.

Các ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính từ Australia cho đến Ấn Độ và Đức đều đưa ra cảnh báo về tình trạng gián đoạn với khách hàng.

Ở Anh, hệ thống đặt lịch mà các bác sĩ sử dụng đã ngừng hoạt động, nhiều báo cáo từ các quan chức y tế trên X cho biết. Trong khi Sky News, một trong những đài truyền hình tin tức lớn của nước này đã ngừng phát sóng, đưa ra lời xin lỗi vì không thể truyền hình trực tiếp.

CLB bóng đá Manchester United cho biết trên mạng xã hội X rằng họ phải hoãn việc phát hành vé theo lịch trình.

2.png
Hành khách chờ đợi tại sân bay Barajas, khi nhà điều hành sân bay Tây Ban Nha Aena báo cáo về một "sự cố" hệ thống máy tính tại tất cả các sân bay ở nước này (Ảnh: Reuters)

Cựu giám đốc Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh, Ciaran Martin, nói với BBC Radio rằng bản cập nhật cho một sản phẩm do công ty an ninh mạng toàn cầu CrowdStrike cung cấp dường như đang ảnh hưởng đến các hệ điều hành Windows của Microsoft.

Đơn vị đám mây Azure của Microsoft cho biết họ đã biết về vấn đề gây ảnh hưởng đến các máy ảo chạy hệ điều hành Windows và tác nhân CrowdStrike Falcon bị kẹt trong "trạng thái khởi động lại" trong bối cảnh tình trạng sập hệ thống trên toàn cầu đang diễn ra.

“Chúng tôi đã biết về sự cố ảnh hưởng đến các thiết bị chạy hệ điều hành Windows do bản cập nhật từ nền tảng phần mềm của bên thứ ba. Chúng tôi dự kiến ​​sẽ có giải pháp”, người phát ngôn của Microsoft cho biết.

4.png
Quầy vé tại Sân bay Quốc tế Milwaukee Mitchell, Mỹ ngừng hoạt động do sự cố (Ảnh: CNN)

Theo một cảnh báo do CrowdStrike gửi tới khách hàng của mình và được Reuters dẫn lại, phần mềm "Falcon Sensor" của công ty đang khiến hệ điều hành Windows của Microsoft gặp sự cố và hiển thị màn hình xanh, hay còn gọi là "Màn hình xanh chết chóc".

Cảnh báo được gửi vào sáng 19/7, kèm theo chia sẻ cách giải quyết thủ công để khắc phục sự cố.

Hơn một nửa số công ty thuộc nhóm Fortune 500 – gồm 500 công ty lớn nhất nước Mỹ - sử dụng phần mềm CrowdStrike, công ty Mỹ cho biết trong một video quảng cáo năm nay.

Văn phòng Điều phối viên An ninh mạng Quốc gia Australia Michelle McGuinness cho biết trong một bài đăng trên X rằng không có thông tin nào cho thấy sự cố ngừng hoạt động là do sự cố an ninh mạng. Một nguồn tin chính phủ Anh cũng nói với Reuters rằng không có gì cho thấy có hành vi tấn công.

5.png
Các hãng hàng không châu Á như Air Asia, Cebu Pacific Air và Singapore Airlines đều bị ảnh hưởng bởi sự cố (Ảnh: Getty)

“Thế giới đang ngừng hoạt động vì sập hệ thống công nghệ thông tin toàn cầu, điều này cho thấy mặt tối của công nghệ”, nhà phân tích đầu tư Dan Coatsworth của AJ Bell cho biết.

“Mức độ nghiêm trọng của vấn đề nằm ở chỗ nó kéo dài bao lâu. Sự gián đoạn chỉ trong vài giờ thì chưa phải là thảm họa, nhưng sự gián đoạn kéo dài lại là một vấn đề khác”, ông nói thêm.

Sự cố này hiện đã lan rộng khắp thế giới.

Các sân bay ở Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Ấn Độ cho biết việc ngừng hoạt động đồng nghĩa với việc một số hãng hàng không phải kiểm tra hành khách theo cách thủ công.

Sân bay Schiphol của Amsterdam (Hà Lan), một trong những sân bay bận rộn nhất châu Âu, cho biết họ cũng bị ảnh hưởng, trong khi hãng hàng không Iberia cho biết do hệ thống làm thủ tục điện tử và trực tuyến bị tạm dừng hoạt động nên họ đã phải làm theo cách cách thủ công.

Họ cho biết đã có một số chuyến bay bị chậm trễ nhưng không có chuyến bay nào bị hủy.

Air France-KLM cho biết hoạt động của hãng đã bị gián đoạn.

Bộ Ngoại giao Hà Lan nói với hãng thông tấn ANP rằng họ cũng bị bị ảnh hưởng bởi vụ việc.

Bất chấp một số báo cáo về việc một số doanh nghiệp đang dần khôi phục dịch vụ của mình, các nhà phân tích vẫn xem xét về khả năng xảy ra tình trạng ngừng hoạt động quy mô lớn nhất từ ​​trước đến nay trong ngành và nền kinh tế nói chung.

“Tất cả các công cụ bảo mật công nghệ thông tin đều được thiết kế để đảm bảo rằng các công ty có thể tiếp tục hoạt động trong trường hợp xấu nhất là rò rỉ dữ liệu, do đó, nguyên nhân sâu xa gây ra sự cố ngừng hoạt động toàn cầu là một thảm họa không thể giải quyết được”, Ajay Unni, Giám đốc điều hành của StickmanCyber, ​​cho biết.

Theo Reuters