|
Trung tâm tác chiến mạng thuộc Căn cứ không quân Lackland Mỹ. Ảnh: Cankao |
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 6/3 cho rằng các chương trình quốc phòng quan trọng nhất thường được Mỹ giữ bí mật chặt chẽ.
Nhưng, rất nhiều quan chức cấp cao và sĩ quan quân đội luôn công khai thảo luận về việc sử dụng tấn công mạng, tác chiến điện tử và các phương thức phá hoại mới khác để định nghĩa lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Mục đích của họ thường là để thuyết phục Quốc hội Mỹ cung cấp nguồn vốn cho các hoạt động bí mật này.
Các cuộc thảo luận công khai về biện pháp phòng thủ tên lửa mới được gọi là "left-of-launch" (chủ động kiềm chế phóng) luôn rất thận trọng. Khi bàn tới công nghệ và mục tiêu, ban lãnh đạo quân đội và nhà thầu thường đều nói tương đối mơ hồ.
Nhưng có lúc họ tuyên bố rằng các biện pháp mới hoàn toàn dùng để đối phó với Triều Tiên và Iran, ít nhất là cho tới nay. Khái niệm này cho thấy Mỹ có thể tiến hành tấn công trước khi kẻ thù phóng tên lửa hoặc khi tên lửa của đối phương phóng lên mới có vài giây.
Các quan chức ca ngợi việc tấn công "chủ động kiềm chế phóng" là một loại biện pháp mới, có thể tiêu diệt tên lửa của đối phương với cái giá phải trả trong chi phí thông thường là rất nhỏ.
Khi tiến hành tham gia các phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ, quan chức cấp cao mô tả biện pháp này là biện pháp mang tính cách mạng có tiềm năng, giúp tăng cường sức mạnh quốc phòng của Mỹ.
Thông tin này được tiết lộ từ năm 2013, khi đó tướng lĩnh cấp cao nhất của Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey đã tiến hành cảnh báo rằng ngân sách đang không ngừng giảm đi, mối đe dọa tên lửa lại ngày càng lớn.
Trong tài liệu chỉ đạo chính sách cung cấp cho Quân đội Mỹ, tướng Martin Dempsey viết, để giải quyết loại khó khăn này, Mỹ cần phát triển phương thức phòng thủ phi thông thường có chi phí thấp hơn rất nhiều so với các trang bị đánh chặn tên lửa truyền thống.
Năm 2014, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc James A. Winnefeld đã nói với Hội đồng Đại Tây Dương rằng, xét về định nghĩa, tấn công "chủ động kiềm chế phóng" vẫn chỉ là một loại thủ đoạn phụ trợ mới của các biện pháp phòng thủ tên lửa rộng rãi hơn.
"Mặc dù chúng ta rõ ràng mong muốn hơn trong việc tiêu diệt tên lửa khi nó vẫn ở trên mặt đất, nhưng chúng ta sẽ không thường xuyên có điều kiện làm được điều này" - James A. Winnefeld nói.
Vì vậy, theo ông, Mỹ vẫn cần có khả năng "phóng phòng thủ bị động tin cậy" (right-to-launch). Đây chính là phương thức phòng thủ truyền thống.
Năm 2015, nhiều chuyên gia phòng thủ tên lửa đã tập trung tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington. Chuẩn tướng nghỉ hưu Archer M. Macy cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ đang nghiên cứu phát triển các giải pháp ngăn chặn phóng thành công tên lửa, mà còn đang nghiên cứu phát triển các giải pháp can thiệp vào hoạt động bay và dẫn đường của tên lửa.
Công ty Raytheon, nhà thầu phòng thủ tên lửa hàng đầu của Mỹ lựa chọn độ rộng chứ không phải độ sâu của phát triển. Trong một hội nghị, họ tiết lộ rằng, các chương trình phát triển mới không chỉ bao gồm tấn công mạng và điện tử, mà còn lấy các nhà máy đối phương làm mục tiêu tấn công, tức là tiến hành phá hoại công nghiệp.
Đề nghị ngân sách năm 2017 do Lầu Năm Góc đệ trình trong năm 2016 cho thấy, một chương trình phòng thủ tên lửa có tên là Nimble Fire tiếp tục đẩy mục tiêu của tướng Martin Dempsey lên phía trước, sẽ nghiên cứu "tấn công điện tử" và "tấn công mạng".
Tháng 4/2016, có không ít phiên điều trần ngân sách tổ chức ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã tập trung vào chương trình "chủ động kiềm chế phóng".
Cục trưởng Cục phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc, Phó Đô đốc James D. Syring cho biết "chủ động kiềm chế phóng" và các phương thức phi thông thường khác sẽ "làm thay đổi quy tắc trò chơi". Bởi vì chúng đã làm giảm nhu cầu "chỉ dựa vào thiết bị đánh chặn đắt tiền".