|
Tổng thống Trump cầm tờ New York Times lúc phát biểu trước phóng viên trong khi chuẩn bị ký sắc lệnh mới (Ảnh: Reuters) |
Dự luật trên sẽ là một phần trong sắc lệnh mà ông Trump ký trong hôm chiều hôm 28/5 (giờ Mỹ). Ông Trump trước đó đã công kích kịch liệt Twitter vì dán nhãn cảnh báo nội dung một số đoạn tweet của ông nói về việc phát phiếu bầu qua email, nội dung nhãn dán này cảnh báo người đọc nên xác minh thông tin.
Sắc lệnh mà ông Trump mới ký nhằm mục đích "gỡ bỏ hoặc thay đổi" điều khoản 230 của Đạo luật Truyền thông Đứng đắn (Communications Decency Act, CDA) vốn bảo vệ các công ty mạng xã hội khỏi chịu trách nhiệm pháp lý cho những nội dung mà người dùng của họ đăng tải.
Tổng thống Trump nói rằng Tổng chưởng lý Mỹ William Barr sẽ bắt đầu soạn thảo dự luật "ngay lập tức" để quản lý các công ty mạng xã hội.
Trong hôm thứ Tư tuần này, Reuters đưa tin rằng Nhà Trắng có kế hoạch sửa đổi điều 230 của Đạo luật CDA dựa trên một bản sao dự thảo sắc lệnh (của ông Trump). Phiên bản cuối cùng của sắc lệnh này được công bố hôm thứ Năm vừa qua và không có nhiều thay đổi, ngoại trừ một đề xuất dự luật liên bang.
"Điều tôi nghĩ là, chúng ta có thể nói chúng ta sẽ quản lý nó" - Tổng thống Trump nói trước khi ký sắc lệnh về các công ty mạng xã hội.
"Nhiều đảng viên Dân chủ nói với tôi rằng họ muốn tôi làm điều này, bởi vậy tôi nghĩ các bạn có thể có sự đồng thuận lưỡng đảng" - ông Trump nói thêm.
Twitter hiện chưa đưa ra bình luận nào về sắc lệnh của ông Trump. Một người phát ngôn của Google nói rằng "làm suy yếu Điều 230 theo cách này sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ và vị thế tiên phong toàn cầu của Mỹ trong lĩnh vực tự do Internet".
Một phát ngôn viên của Facebook nói rằng việc tiêu hủy hoặc hạn chế Điều 230 sẽ tăng hạn chế ngôn luận trên môi trường mạng và khuyến khích các nền tảng mạng xã hội kiểm duyệt mọi thông tin có nội dung công kích người khác.
Cổ phiếu Twitter, Facebook giảm
Phát ngôn cũng như sắc lệnh của ông Trump dường như nhằm vào việc gây sức ép để Quốc hội và các tòa án trong nước phải có sự thay đổi trong cách hiểu về Điều 230. Nó cũng cho thấy nỗ lực của ông Trump trong việc sử dụng quyền lực của Tổng thống để buộc các công ty tư nhân phải thay đổi những chính sách mà ông tin là không có lợi cho ông.
"Xét về việc một Tổng thống nỗ lực hạn chế những bình luận chỉ trích nhằm vào ông ta, tôi nghĩ là chúng ta nên vận tới Đạo luật Chống nổi loạn (Sedition Act) 1798 - trong đó quy định việc nói ra những thông tin sai trái về Tổng thống hoặc một số quan chức là trái phép" - Luật sư Floyd Abrams nói.
Jack Balkin, Giáo sư Luật ĐH Yale, nói rằng: "Tổng thống đang cố gắng đe dọa, gây sợ hãi đối với các công ty mạng xã hội để họ để ông ấy được yên và không dám làm điều mà Twitter đã làm với ông ấy".
Giá cổ phiếu của Twitter đã giảm 4% trong kết thúc phiên giao dịch hôm 28/5. Facebook giảm 1,6%.
Twitter "thiên vị" đảng Dân chủ
|
Các đoạn tweet của ông Trump bị Twitter dán nhãn cảnh báo nội dung (Ảnh: BBC)
|
Tổng thống Trump - người sử dụng Twitter hàng ngày để thúc đẩy các chính sách của ông cũng như chỉ trích các đối thủ - từ lâu đã tuyên bố, mà không đưa ra bằng chứng, rằng Twitter thiên vị đảng Dân chủ. Ông và những người ủng hộ mình cũng đưa ra cáo buộc tương tự với Facebook.
Trong hôm thứ Năm tuần này, ông Trump nói rằng không có điều gì ông muốn làm hơn là từ bỏ tài khoản Twitter của mình, nhưng ông buộc phải giữ nó để né tránh báo chí và có được một kênh riêng để giao tiếp với hàng triệu người theo dõi.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Điều 230 của Đạo luật CDA trước đây đã chịu nhiều chỉ trích của giới lập pháp vì những lý do khác nhau. Những nhà phê bình Điều 230 nói rằng nó cho phép các công ty Internet được tự do duyệt nội dung mang tính chất thù hận, và nội dung ủng hộ các tổ chức khủng bố.
Các công ty mạng xã hội bấy lâu nay cũng chịu nhiều sức ép, cả ở Mỹ và các quốc gia khác, phải kiểm soát tốt hơn luồng thông tin sai lệch và nội dung độc hại xuất hiện trên nền tảng của họ.
Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey mới đây viết trên website của công ty này rằng những đoạn tweet của Tổng thống Trump "có thể khiến người dân nghĩ rằng họ không cần phải đăng ký để có phiếu bầu. Mục đích của chúng tôi là kết nối các điểm tranh luận mâu thuẫ và đưa ra thông tin đang gây tranh cãi để người dân có thể tự phán quyết".
Trong tối hôm thứ Tư vừa qua, Twitter đã dán nhãn "fact-check" (xác minh thực tế) và "truyền thông bị thao túng" (manipulated media) đối với hàng trăm đoạn tweet.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gọi sắc lệnh của ông Trump là "thái quá" và là hành động nhằm "đánh lạc hướng" dư luận khỏi cách ứng phó dịch bệnh COVID-19.