S-400 Nga nhận tên lửa mới tầm bắn siêu xa, Lầu Năm Góc choáng váng

VietTimes -- Hệ thống tên lửa phòng không S-400, là hệ thống SAM tầm xa - trung giành được kỷ lục mới. Hiện nay, S-400 có thể tiêu diệt mục tiêu trên khoảng cách đến 400 km và độ cao trên 180 km (theo nguồn tin không chính thức, các thông số kỹ thuật còn lớn hơn nhiều – 600 km và 250 km tương ứng).
 Phóng tên lủa phòng không hệ thống S-400. Ảnh TVZvezda
Phóng tên lủa phòng không hệ thống S-400. Ảnh TVZvezda

Các phương tiện truyền thông Nga cho biết, tên lửa trang bị cho hệ thống S-400 được thử nghiệm tại thao trường Kapustin Yar trong vùng Astrakhan và có thể được đưa vào biên chế cho quân đội Nga trong tương lai gần.

Bộ quốc phòng Nga cũng xác định, Công nghiệp quốc phòng Nga đang phát triển các tên lửa tầm xa có những tính năng kỹ chiến thuật tương tự. Không có thông tin về tên, mã hiệu của loại tên lửa mới này.

Phóng tên lủa phòng không hệ thống S-400. Ảnh TVZvezda
 Phóng tên lủa phòng không hệ thống S-400. Ảnh TVZvezda

Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa mới chưa được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng thực tế trong biên chế của hệ thống S-400 đã có những tên lửa tầm xa 40N6E, có thể bắn hạ mọi mục tiêu khí động học (máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa đạn đạo và các phương tiện tấn công đường không khác, bao gồm cả vũ khí siêu âm) trong phạm vi từ 400-600 km và chiều cao không thấp hơn 185 km.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Video TV, Zvezda

Tiêu diệt mục tiêu ngoài tầm quan sát

Tính năng kỹ thuật quan trọng chính của tên lửa mới dành cho S-400 là có đầu dẫn chủ động với hệ thống radar riêng biệt, máy tính đường đạn, bộ nhớ lưu trữ hình ảnh mục tiêu và hệ thống truyền thông về máy chủ của xe điều khiển. Trong thực tế, một tên lửa như vậy có thể phá hủy các vật thể bay ngoài tầm nhìn của các hệ thống điều khiển, dẫn bắn trên mặt đất. Để làm được điều này, viên đạn được "đào tạo" có thể xác định một cách độc lập những mục tiêu được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên, đạn sẽ tấn công mục tiêu ngay cả trong trường hợp mất liên lạc với hệ thống điều khiển hỏa lực mặt đất và dẫn bắn chỉ thị mục tiêu.

Ông Viktor Murakhovskiy, thành viên ủy ban Công nghiệp Quốc phòng, đại tá dự bị động viên hạng 1, tổng biên tập tạp chí Tiềm năng Tổ quốc cho biết, tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa tầm xa 40N6E thực sự không thể thiếu trong nhiệm vụ đánh chặn các máy bay trinh sát của đối phương, vượt quá tầm với các hệ thống phòng không hiện có.

"Tên lửa 40H6E là một "cánh tay dài ", vô cùng cần thiết để với tới, tiêu diệt các máy bay trinh sát và cảnh báo sớm AWACS với hệ thống radar tầm xa, máy bay trinh sát RC-135 các phiên bản khác nhau, các máy bay trinh sát Mỹ như E-8 Joint STARS", chuyên gia quân sự Nga nhận xét.

Theo ông, những tên lửa này trong tương lai sẽ được đưa vào trang bị cho các tổ hợp phòng không S-500 Prometheus, trang bị đặc biệt trong nước Nga.

"Đây là tên lửa tầm xa đầu tiên được chế tạo từ đầu ở Nga, không phải là sự phát triển, hiện đại hóa của dòng tên lửa nào đó đã có từ Liên Xô. Trong tương lai, tên lửa sẽ nằm trong trang bị của hệ thống tên lửa phòng không tiềm năng".

Khu vực ngăn chặn truy cập

Theo các nhà phân tích phương Tây, S-400 cùng với hệ thống tên lửa đạn đạo – hành trình chiến thuât Iskander, tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion, đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa khái niệm, được nêu lên nhiều lần ở phương Tây là "khu vực ngăn chặn truy cập".

 Khái niệm này bao hàm thực tế là quân đội khối quân sự NATO không thể vào trong phạm vi hiệu quả tác chiến của các hệ thống phòng không mà không có nguy cơ có thể nhận được tổn thất không thể chấp nhận. Về sự xuất hiện của tên lửa này, trang tin điện tử phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc Eastday.com đăng tải hẳn một tài liệu về chủ đề tên lửa phòng không Nga với tiêu đề rất ấn tượng "Tên lửa đất đối không hàng đầu thế giới".

Hệ thống S-400 có thể được vận chuyển đường không. Ảnh TV Zvezda
 Hệ thống S-400 có thể được vận chuyển đường không. Ảnh TV Zvezda
Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Ảnh TV Zvezda
 Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Ảnh TV Zvezda

Tài liệu này khẳng định rằng, máy bay ném bom chiến đấu tàng hình thế hệ 5, được quảng cáo rộng rãi F-35 của Mỹ sẽ mất đi lợi thế tàng hình nếu đối đầu với những tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống tên lửa phòng không Nga S-400 “Triumph”. "Đây là một hệ thống vũ khí có thể phát hiện, nhận biết và ngăn chặn máy bay ném bom chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ", tác giả bài viết kết luận bằng một châm ngôn. "Nếu có thương, thì sẽ có khiên".

Cổng thông tin mạng nổi tiếng Gli Occhi Della Guerra của Ý, trọng tâm cung cấp các thông tin quân sự, tập trung phát triển chủ đề phòng thủ vũ trụ Nga, đề cập đến triển vọng hệ thống S-500 được đưa vào khai thác sử dụng.

"S-500 không phải là một phiên bản hiện đại hóa sâu của hệ thống S-400, mà là một hệ thống vũ khí hoàn toàn mới. Tên lửa S-500 có hệ thống thông tin tình báo của riêng nó, cho phép phân tích các dữ liệu về radar, hệ thống điện tử, các điều kiện không khí môi trường mà tên lửa đang bay và tự đưa ra các quyết định độc lập về độ cao, tốc độ và quỹ đạo đường bay.

Khi hệ thống SAM S-500 được đưa vào hoạt động, điều đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn hệ thống tên lửa phòng không của Nga, đưa các phương tiện chiến đấu này đến một mức độ hiệu quả chưa từng có. Nếu khả năng chống vệ tinh của hệ thống được xác nhận, phòng không - phòng thủ tên lửa sẽ vượt xa những khái niệm phòng ngự đường không ngày nay, ngăn chặn hoàn toàn các mối đe dọa từ hàng không vũ trụ có thể có," bài viết nhận xét.

Tất nhiên cổng thông tin điện tử của Ý có thể nhận xét về "Prometheus", do S-500 vẫn đang là vũ khí quân sự trong giai đoạn phát triển đầy hứa hẹn. Nhưng S-400 Triumphs đã được đưa vào phục vụ để bảo vệ không phận Nga và tham gia vào thực tế chiến trường Syria. Cách đây không lâu, đại tá Anatoly Shevchenko, Tham mưu trưởng sư đoàn phòng không số 4 thuộc quân đoàn Phòng không và Phòng thủ tên lửa số 1 (sứ mệnh đặc biệt) lực lượng Không quân – vũ trụ Nga, trong một cuộc phỏng vấn kỷ niệm 65 năm thành lập đơn vị đã nói về sự thay đổi tên lửa cho hệ thống phòng không S-400. Đại tá tham mưu trưởng không giấu được niềm tự hào: nhờ có sự thay đổi các tên lửa mới trong khai thác sử dụng, năng lực tác chiến của đơn vị tăng lên đáng kể.

S-400 trấn giữ Crimea

Đại tá Shevchenko cho biết: Trên bán đảo Crimea có tới 3 trung đoàn tên lửa S-400 "Triumphs" trong sư đoàn phòng không. Những tham số không gian vùng hỏa lực tên lửa phòng không vượt xa năng lực tác chiến của các hệ thống phòng không trước đây. Xuất hiện khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu với một hệ thống tên lửa phòng không duy nhất".

"Hệ thống S-400 cho phép che chắn hàng trăm km hơn hẳn những hệ thống phòng không đã và đang phục vụ trên miền nam nước Nga", trung tướng Viktor Sevostyanov, tư lệnh trưởng quân đoàn phòng không và không quân số 4 thuộc quân khu phía Nam khẳng định.

Theo kế hoạch trong khuôn khổ chương trình quốc gia về tái trang bị vũ khí trong giai đoạn đến năm 2020, Bộ Quốc phòng Nga sẽ nhận được 56 khẩu đội của hệ thống này. Năm ngoái, nhà sản xuất cung cấp cho Lực lượng Không quân - vũ trụ Nga bốn hệ thống SAM S-400 cấp trung đoàn.

Một số chuyên gia quân sự, khi đề cập đến các tên lửa mới trang bị cho S-400, cho rằng các tên lửa mới Triumph sẽ ngăn chặn hiệu quả những mối đe dọa của không gian vũ trụ (liên quan đến các vệ tinh và các vũ khí phóng từ vũ trụ).

Lầu Năm Góc đã đưa ra những phát biểu mang đầy quan ngại đối với tên lửa mới của S- 400. Theo những thông tin không chính thức, các vệ tinh của Mỹ phục vụ cho quân sự có đến 400 chiếc rơi vào vòng nguy hiểm.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Ảnh TV Zvezda
 Hệ thống tên lửa phòng không S-400. Ảnh TV Zvezda

Tư lệnh trưởng bộ Tư lệnh Chiến lược (STRATCOM) quân đội Mỹ, tướng John Hiten, trong một bài phát biểu trước ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã chỉ rõ: Thực tế là nhiệm vụ của vệ tinh trên quỹ đạo không chỉ là khám phá vũ trụ, mà quan trọng hơn là nhiệm vụ trạm truyền tiếp, hiệu chỉnh hỏa lực của các lực lượng tác chiến mặt đất, trên không và thông tin liên lạc chiến dịch chiến thuật.

Sự tồn vong của các vệ tinh này liên quan đến ưu thế chiến trường và khả năng sử dụng vũ khí có độ chính xác cao, mang lai chiến thắng tuyệt đối cho quân đội Mỹ. Mất các vệ tinh này, quân đội Mỹ sẽ trở thành lực lượng “người khổng lồ chân đất sét”.

Được trang bị tên lửa mới, hệ thống S-400 từ vũ khí chiến dịch, chiến thuật đã trở thành vũ khí răn đe thông thường, ngăn chặn mọi nguy cơ diễn ra các cuộc xâm lược kiểu Iraq. Là vũ khí trong danh mục xuất khẩu, S-400 trong một khái niệm nào đó đã trở thành vũ khí gìn giữ hòa bình, ngăn chặn các cuộc can thiệp từ nước ngoài tương tự như Libya.