|
"Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là điều khiến thế giới phải lo ngại, bởi nó chứa đựng nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự", ông Aquino đã nói như vậy.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đặc quyền một hãng tin của nước ngoài, Tổng thống Philippines đã công khai đưa ra cảnh báo đáng sợ rằng, những hành động ngày một hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra nỗi lo sợ, ám ảnh về viễn cảnh các nước khác sẽ bị cắt đứt khỏi các tuyến đường biển quốc tế quan trọng có tính sống còn cũng như các khu vực ngư trường dồi dào nguồn hải sản.
"Liệu điều đó có gây ra nỗi lo sợ và quan ngại? Tôi cho rằng, nó chắc chắn khiến phần còn lại của thế giới phải lo sợ", Tổng thống Aquino đã nói như vậy khi được đề nghị bình luận, đánh giá về những động thái gần đây của chính phủ Trung Quốc trong việc tranh giành chủ quyền ở Biển Đông với các nước láng giềng xung quanh.
Tổng thống Aquino cho hay, trong khi ông không tin Trung Quốc có ý định gây ra một cuộc xung đột quân sự vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Philippines và các nước Châu Á khác thì vẫn có khả năng bùng phát một cuộc xung đột như vậy. "Vấn đề về việc Trung Quốc leo thang hành động tới mức vượt ra khỏi tầm kiểm soát của tất cả mọi người nên được tất cả các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm hàng đầu”, ông Aquino đã nói như vậy.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, thậm chí cả với những khu vực nằm giáp với bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa vào yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò.
Nhiều khu vực nằm trong bản đồ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc cách xa nơi gần nhất thuộc đại lục Trung Quốc đến cả hơn 1.000km và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường vận chuyển sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng để tăng cường sự hiện diện và tranh giành chủ quyền ở Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng của họ. Hành động của Trung Quốc liên tục gây sóng gió trong khu vực, khiến nhiều người lo ngại xung đột vũ trang có thể bùng phát bất kỳ lúc nào ở Biển Đông. Đây là điều mà không chỉ các nước trong khu vực mà rất nhiều cường quốc và cộng đồng thế giới quan ngại sâu sắc và kịch liệt phản đối.
Sau cuộc đối đầu căng thẳng giữa các tàu tuần tra hàng hải của Trung Quốc và Hải quân Philippines năm 2012, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát một ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines còn được gọi là bãi cạn Scarborough. Nơi đây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc hiện đang hối hả, cấp tập thực hiện những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Nỗi quan ngại về an ninh
Trong số các bãi đá mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở Biển Đông có những nơi cách khu vực đại lục gần nhất của Trung Quốc đến 1.000 km.
Trung Quốc gây lo ngại khi trong số những công trình mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông có nhiều công trình có khả năng được dùng cho mục tiêu quân sự.
Liên tục nhấn mạnh rằng, ông không tin là Trung Quốc có ý định châm ngòi cho một cuộc chiến tranh vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông nhưng Tổng thống Philippines Aquino khẳng định Trung Quốc đã thành công trong việc dọa dẫm, bắt nạt các nước khác.
"Khi bạn phải sử dụng sức mạnh thì bạn thực sự không phải là mạnh, khi chỉ cần đe dọa sử dụng sức mạnh là đủ để đạt được mục đích thì đó là khi họ đã thành công", ông Aqunio nói.
Theo lời Tổng thống Philippines, nếu Trung Quốc thực sự thành công trong việc chiếm quyền kiếm soát toàn bộ khu vực Biển Đông mà họ đòi chủ quyền thì sẽ không có gì bảo đảm rằng các tuyến đường biển quan trọng có tính sống còn đối với thương mại toàn cầu sẽ được rộng mở. "Ước tính, có đến 40% thương mại thế giới đi qua khu vực biển này”, ông Aquino nói thêm.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng đề cập đến thông báo của Trung Quốc về việc nước này áp đặt các giới hạn đánh bắt cá ở Biển Đông hồi năm ngoái, trong đó yêu cầu các tàu thuyền nước ngoài phải đăng ký để đánh bắt cá ở đó. Ông Aquino cho rằng, mặc dù Trung Quốc chưa chính thức thực thi thông báo trên nhưng nó vẫn là mối đe dọa đối với các tàu thuyền nước ngoài. "Vào một thời điểm nào đó, họ có thể đột ngột nói rằng họ đang thực thi thông báo của mình và tất cả mọi người muốn đi qua khu vực đó phải đăng ký với giới chức Trung Quốc”, ông Aquino cảnh báo.
Có thể nói, mối đe dọa từ Trung Quốc ở Biển Đông là có thật và điều này không chỉ được thừa nhận bởi các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế. Nhiều nước không có tranh chấp ở Biển Đông đều đã lên tiếng cảnh báo và chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.
Theo: VnMedia