Rối loạn học tập - nguyên nhân quan trọng khiến trẻ học kém, nhưng rất ít cháu được điều trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến trẻ học kém. Bệnh này thường gặp ở các bé trai. Đáng lưu ý khi có tới 10-36% trẻ bị rối loạn học tập, song số trẻ được phát hiện và điều trị rất ít.

BSCKII. Cao Thị Ánh Tuyết tư vấn cho một bệnh nhân bị rối loạn học tập
BSCKII. Cao Thị Ánh Tuyết tư vấn cho một bệnh nhân bị rối loạn học tập

Rối loạn học tập: Đa phần là bé trai

Tại hội thảo về rối loạn học tập do Viện Sức khoẻ tâm thần (SKTT) Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chiều 20/11, BSCKII. Cao Thị Ánh Tuyết - Phòng Tâm thần Nhi - Thanh Thiếu niên Viện SKTT - thông tin về một cháu trai 14 tuổi bị rối loạn học tập (RLHT) mà chị vừa điều trị.

VT_yến'.jpg
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến thông tin về căn bệnh RLHT

Cháu bé học giỏi toán, nhưng lại khó khăn khi học tiếng Việt; chép chính tả; và không hiểu được nội dung bài. Cháu giao tiếp chậm chạp, thường phải dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt thay lời nói, các kỹ năng tương tác xã hội kém. Những động tác yêu cầu sự khéo léo như lắp lego, đóng cúc quả là thách thức với cháu.

Khi vào lớp 9, cháu chuyển trường và bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì cách giao tiếp khó khăn, khiến cháu buồn chán, mệt mỏi, thu mình lại. Cháu dễ nổi nóng, cãi lại lời bố mẹ, xoa đầu, giật tóc các bạn cùng lớp, khó tập trung, hay quên, học sút nhiều.

Giáo viên chủ nhiệm của C đã nhận thấy những bất thường của cháu, nên đã trao đổi với gia đình và cháu được đưa đến khám tại Viện SKTT.

Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị rối loạn cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên - RLHT, nên cháu phải nhập viện điều trị nội trú.

Với việc áp dụng các biện pháp điều trị tổng hợp, sau 10 ngày, các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt, buồn chán thuyên giảm. Cháu được xuất viện và được tư vấn tiếp tục điều trị can thiệp tâm lý và cần hỗ trợ của các nhà giáo dục.

VT_ các bs.JPG
Các bác sĩ trao đổi với báo chí về rối loạn học tập

Tuy nhiên, trường hợp bị RLHT như cháu C. không phải là hiếm. Trái lại, theo BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến - Phòng Tâm thần Nhi - Thanh Thiếu niên Viện SKTT, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội - thì có tới 10-36% trẻ đi học bị RLHT. Có điều số trẻ được phát hiện và đưa đến bệnh viện khám rất ít.

“RLHT là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém và thường gặp ở các bé trai. Nguyên nhân di truyền chiếm tỉ lệ cao trong RLHT của trẻ” - BS. Yến lưu ý.

Làm thế nào để nhận biết trẻ bị RLHT?

Để giúp các phụ huynh có thể sớm phát hiện con bị RLHT, BS. Nguyễn Hoàng Yến đã chỉ ra những dấu hiệu cần biết: Khi ở tuổi mầm non, trẻ nói muộn, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái. Khi ở tiểu học, trẻ học chữ cái kém, kỹ năng ghép vần kém. Khi học trung học, trẻ khó khăn về diễn đạt ngôn ngữ, từ vựng, viết chính tả vv…

Trong những bệnh nhân bị khuyết tật học tập, 80% có khuyết tật về đọc. Các dấu hiệu phổ biến của khuyết tập về đọc như miễn cưỡng đọc to; đọc một cách lưỡng lự và không chính xác, tỏ rõ sự khó chịu như thở dài, vặn vẹo, đỏ mặt…

Những trẻ bị khuyết tật về viết thường bị chuột rút ngón tay khi viết, nhầm lẫn chữ in hoa và chữ thường, sử dụng sai các dòng và lề, sai chính tả, lỗi ngữ pháp, ít hoặc không sử dụng dấu câu. Viết đoạn văn thường ngắn và lộn xộn.

Bệnh nhân bị khuyết tật về tính toán thường duy trì phép tính toán cộng trừ đơn giản bằng ngón tay liên tục, không phù hợp lứa tuổi. Đếm và tính toán không chính xác, không hiểu ý nghĩa của số, không nhớ các dữ kiện toán học và không có khả năng lập luận toán học.

Tuỳ theo mức độ và rối loạn, bệnh nhân sẽ gặp những khó khăn về các kỹ năng và học tập.

VT_ TS.Hương.jpg
TS. tâm lý Trịnh Thanh Hương - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện SKTT

TS. tâm lý Trịnh Thanh Hương - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện SKTT - tư vấn thêm: Phụ huynh nên chú ý các biểu hiện trước tuổi đi học của trẻ như có chậm nói không? Khi được hỏi thì trả lời ngay hay cần phải suy nghĩ? Khi nhận biết dấu hiệu của con, nên trao đổi sớm với giáo viên. Cô giáo tiếp xúc với các bạn bị RLHT sẽ nhận biết sớm trẻ bị rối loạn tính toán, rối loạn đọc, hoặc rối loạn chính tả. Trong quá trình tiếp xúc với con, bố mẹ phát hiện và can thiệp sớm, hỗ trợ con, giúp con tự tin giao tiếp, RLHT sẽ giảm.

Điều trị RLHT: cần phối hợp đa ngành

“Hiện chưa có thuốc nào được FDA phê duyệt để điều trị rối loạn này” - BS Yến cho biết.

RLHT là rối loạn phát triển, có nhiều nguyên nhân, cả di truyền và môi trường, nên để điều trị, các bác sĩ ở Viện SKTT đã can thiệp các kỹ năng học tập, kể cả các rối loạn tâm thần khác có liên quan như lo âu, trầm cảm. Quá trình điều trị cần hỗ trợ liên tục, kéo dài, phối hợp giữa bác sĩ tâm thần, điều trị viên, chuyên gia tâm lý, nhà ngôn ngữ, giáo dục vv…

Trả lời câu hỏi của VietTimes về việc liệu có dễ bị chẩn đoán nhầm RLHT với tự kỷ không, nhất là khi đi khám ở tuyến dưới, Ths. Lê Công Thiện - Trưởng Phòng Điều trị Tâm thần trẻ em & vị thành niên Viện SKTT, Phó Trưởng Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết: Không sợ bị nhầm RLHT với trầm cảm. Khi thấy biểu hiện nghi ngờ, nên đưa con đến BV hoặc gặp bác sĩ tâm lý ở gần nhất để tư vấn, thay vì đặt các câu hỏi trong các nhóm không có chuyên môn. Vì hệ thống chăm sóc SKTT rộng khắp, nhiều tỉnh có chuyên khoa SKTT; tuyến y tế xã, huyện và giáo viên đều được tập huấn về chuyên khoa SKTT.

VT_ Thiện.JPG
Ths. Lê Công Thiện chủ trì hội thảo

BS. Thiện cũng nêu một thực tế: Con số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trẻ bị RLHT khá cao, nhưng số cháu bị RLHT đến Viện khám, điều trị rất ít, trừ khi đồng bệnh, vì nhiều người cho rằng, nếu RLHT đơn thuần đến tuổi lớn sẽ hết.

Trao đổi với VietTimes về “thời gian vàng” để đưa trẻ đi điều trị, BS. Yến cho biết càng phát hiện sớm để điều trị càng tốt. Khi phát hiện nghi ngờ trẻ cần được đánh giá, ví như trẻ lớp 2 mà vẫn tính toán bằng tay thì nên được đưa đến bác sĩ để sớm hỗ trợ cho trẻ đỡ bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì là rối loạn phát triển nên RLHT có tính dai dẳng và nên đi khám khi bệnh kéo dài ít nhất 6 tháng.

BS. Tuyết cũng nhấn mạnh: Thời gian đủ dài 6 tháng để xác nhận các dấu hiệu RLHT, tuy nhiên, không vì trẻ chép nghịch, sai chính tả, ngữ pháp mà đánh giá là RLHT.

Một điều được các bác sĩ đều lưu ý là: Khi phát hiện con bị RLTT, việc cha mẹ than phiền càng tạo áp lực cho trẻ, khiến các cháu căng thẳng, ảnh hưởng đến việc học hành.