Với độ dày 200 trang, cuốn sách là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả đã được đăng tải trên báo chí trong một thời gian dài về cuộc đời của một chiến sĩ cách mạng, một cán bộ tổ chức của Đảng, một người cộng sản chân chính, thanh liêm và dũng cảm.
Chủ biên cuốn sách - nhà báo Lê Thọ Bình, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí điện tử VietTimes – cho biết: “Với vai trò là một nhà báo, tôi đã từng phỏng vấn và trò chuyện với ông Nguyễn Đình Hương nhiều lần. Sau mỗi lần phỏng vấn, tôi luôn cảm thấy cần phải làm một điều gì đó cho con người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước. Chính vì thế, chúng tôi đã tập hợp tất các các bài báo viết về ông trong thời gian qua, như một giai phẩm, một món quà nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông."
Ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách “Nguyễn Đình Hương - Người con của non sông, đất nước”
|
"Cuốn sách được chia thành ba phần chính gồm: Người cán bộ trung kiên; Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng; Còn sống là còn chống tham nhũng. Phần phụ lục của cuốn sách là các bài viết của ông Nguyễn Đình Hương về một số nhà lãnh đạo: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười,…” - Nhà báo Lê Thọ Bình chia sẻ.
Ông Lê Doãn Hợp – Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
|
Ông Lê Doãn Hợp – Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông- đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong đợt trao Giải thưởng Quốc gia năm 2006 cho 4 nhà văn thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm. Khi đó, ông là Bộ trưởng Bộ VHTT. Sau khi Hội đồng xét duyệt Giải thưởng đã họp xong, vẫn có ý kiến phản đối, thậm chí, yêu cầu họp lại. Thậm chí có người nói ông trao giải cho 4 nhà văn đó là tự đốt sự nghiệp của mình, mà người nhóm lửa chính là ông Nguyễn Đình Hương.
Ông Nguyễn Đình Hương và ông Lê Doãn Hợp – Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
|
Nghe xong, ông Lê Doãn Hợp đã quyết định đến xin ý kiến ông Nguyễn Đình Hương. Hoàn toàn trái với thông tin trên, ông Hương đã rất ân cần: "Hợp làm đi, anh ủng hộ. Phải kéo văn nghệ sĩ về với Đảng, với chúng ta. Điều này không chỉ có lợi cho dư luận trong nước, mà còn cho dư luận nước ngoài. Những nhà văn nhà thơ này bị kỷ luật cách đây 50 năm, sai thì đã sửa rồi, đã có hàng loạt ưu điểm mà chúng ta vẫn không nhìn lại, là không công minh, không công bằng. Hội đồng bỏ phiếu cho các nhà văn được Giải thưởng là hoàn toàn chính xác."
Ông Nguyễn Đình Hương và ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
|
Ông Hương đã chuyển toàn bộ hồ sơ của vụ Nhân văn Giai phẩm cho ông Lê Doãn Hợp. Ông Hợp nhận thấy, ngoài ông Nguyễn Hữu Đang và bà Thuy An bị án tù, những người còn lại bị treo bút ba năm, được sáng tác nhưng không được xuất bản. Trong khi, lúc trao giải Quốc gia đã qua 50 năm rồi."
Vì thế, Hội đồng quyết định không họp lại và tiếp tục thực hiện trao giải. Khi đó, 4 nhà văn được trao giải, chỉ nhà thơ Hoàng Cầm còn sống và đến nhận giải, trên xe lăn. Gia đình nhà thơ Trần Dần đã đặt số tiền thưởng và Bằng Giải thưởng Quốc gia lên bàn thờ, thắp hương 3 tháng 10 ngày.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
|
Sau đó, báo chí đưa tin, dư luận rất đồng tình khi các nhà văn Nhân văn giai phẩm được trao giải.
"Chính với tư duy rất nhân văn và thông thoáng đối với văn nghệ sĩ, ông Hương đã "gỡ" cho tôi vụ trao giải đó. Sự ủng hộ của dư luận sau lễ trao giải, càng cho thấy giá trị văn hóa đối của ông Nguyễn Đình Hương với văn nghệ sĩ và đối với đất nước"- Ông Lê Doãn Hợp xúc động bày tỏ.
Tại buổi ra mắt sách, ông Nguyễn Đình Hương đã trực tiếp trao đổi về vấn đề đấu tranh chống tham nhũng hiện nay: “Để nảy sinh vấn đề tiêu cực, có các lý do chính, đó là: Người có chức, có quyền; bố làm to, đồng hương và cơ quan, tổ chức. Vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ cao cấp có biểu hiện tiêu cực, quan liêu, cần phải xử lý triệt để.”
Nhà báo Lê Thọ Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí điện tử VietTimes -là chủ biên cuốn sách
|
“Chân thật, thẳng thắn, cương trực là những phẩm chất cần thiết của một người làm công tác tổ chức của Đảng. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng tiếng nói của ông Nguyễn Đình Hương vẫn có trọng lượng. Bởi ông là người cán bộ kiên trung, liêm khiết, tiêu biểu của Đảng” - Ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh.
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhớ lại: “Mỗi lần tôi đến thăm nhà thơ Tố Hữu, ông đều nhắc đến ông Nguyễn Đình Hương với một tình cảm vô cùng trân trọng, sâu sắc. Trước khi mất, nhà thơ Tố Hữu đã dặn tôi nếu cần gì về công tác tổ chức liên quan đến Hội Nhà văn Việt Nam, cứ hỏi ông Nguyễn Đình Hương.
Ông Nguyễn Đình Hương là một "cuốn từ điển sống" về công tác tổ chức của Đảng, đồng thời, là người rất quan tâm và hiểu biết về các sự kiện trong 60 năm qua của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi đã nhiều lần đến gặp ông và hỏi những vấn đề không dễ trả lời như về Nhân văn giai phẩm, chính sách đối với các nhà văn thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm.
Với tình cảm, sự khoan dung cùng sự hiểu biết về văn nghệ sĩ, ông Nguyễn Đình Hương đã cho tôi rất nhiều chỉ dẫn đúng đắn. Chúng tôi đã khôi phục lại toàn bộ lương của ông Nguyễn Hữu Đang từ khi bị xử lý kỷ luật đến khi trở lại cuộc sống bình thường."
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Ông Nguyễn Đình Hương đứng ở trung tâm công tác tổ chức của Đảng, trung tâm những chuyển động xã hội, nhất là trước những biến động lớn của đất nước. Ông không chỉ là một chứng nhân mà còn tham gia vào những sự kiện lớn của đất nước: công tác tổ chức, bộ máy, nhân sự, lựa chọn các phương án,.. Vì thế, ông thực sự là nhà cách mạng, nhà lãnh đạo ở cấp vĩ mô.
Qua rất nhiều kỳ Đại hội Đảng khi còn đương chức và về hưu, tiếng nói của ông đã góp vào tư duy và trí tuệ chung của Đảng. Từ đó, chúng ta có được một bộ máy và nhân sự tốt – nhân tố đầu tiên quyết định thắng lợi của Đảng, của đất nước.
"Chúng ta tin vào trí tuệ, tiếng nói trung thực, vô tư và khách quan của nhà tổ chức Nguyễn Đình Hương. Nhắc đến Nguyễn Đình Hương là nhắc đến một người cán bộ mẫu mực của Đảng, người con ưu tú của đất nước.” - Nhà văn Hữu Thỉnh nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường – Giám đốc nhà đấu giá Chọn - cho hay: “Tôi đã tham gia vào công tác chuẩn bị, sản xuất cuốn sách. Mặc dù thời gian được gặp và tiếp xúc chưa lâu, nhưng tôi rất ấn tượng với tính cách cương trực, quyết liệt của ông Nguyễn Đình Hương – người cán bộ kiên trung của Đảng”.
Ông Nguyễn Xuân Cường – Giám đốc nhà đấu giá Chọn
|
Ông Nguyễn Đình Hương sinh năm 1930, tại Nghệ An. Ông tham gia cách mạng bằng việc gia nhập ngành quân giới quân khu Bình Trị Thiên. Năm 1948, ông trở thành đảng viên cộng sản. Năm 1952, ông được điều ra phục vụ ở Bến Bình Ca (Tuyên Quang). Năm 1956 ông được điều về Ban Tổ chức Trung ương và làm việc tại đây cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI và VII, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Đảng, Thường trực A47, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Gần như cả cuộc đời ông gắn với công tác tổ chức, qua nhiều đời Trưởng ban: Lê Văn Lương (1948-1/1956), Lê Đức Thọ (10/1956-1973), Lê Văn Lương (1973-1976), Lê Đức Thọ (1976-1980), Nguyễn Đức Tâm (1980-6/1991), Lê Phước Thọ (6/1991-7/1996), Nguyễn Văn An (7/1996-7/2001). |