|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: NTDTV |
Từ ngày 19 đến ngày 25/9, Quân đội Trung Quốc tổ chức lớp tập huấn bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật đơn vị cấp phó chiến khu trở lên trong toàn quân.
Vào tháng trước, quyền chỉ huy của các quân khu tỉnh, khu cảnh bị đã giao cho 5 chiến khu lớn. Có chuyên gia cho rằng đây là do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn tiếp tục loại bỏ những trở ngại quy mô lớn của các thế lực chống đối ông.
Theo báo chí Trung Quốc, tập huấn bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật của các đơn vị cấp phó chiến khu trở tên trong thời gian 1 tuần - chính là tập huấn bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật của các đơn vị lớn và cơ quan Quân ủy được lần đầu tiên tổ chức sau cải cách quân đội do ông Tập Cận Bình chỉ đạo.
Trong thời gian tập huấn, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng đã tiến hành tọa đàm với các bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật của lớp tập huấn.
Ông Hứa Kỳ Lượng yêu cầu các bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật trong quân đội cần đi đầu học tập, lĩnh hội sâu sắc các bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, tăng cường "ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức nòng cốt, ý thức làm gương", thúc đẩy chống tham nhũng trong quân đội.
Trước đó có nhiều nguồn tin cho rằng vào trung tuần và hạ tuần tháng 8/2016, quyền chỉ huy của các quân khu tỉnh, khu cảnh bị đã bàn giao cho 5 chiến khu lớn.
Ngày 15/9, Tư lệnh Trương Hiểu Minh và Chính ủy Mã Gia Lợi của Khu cảnh bị Thượng Hải đã xác nhận thông tin này trên một bài viết của tờ "Nhật báo Giải phóng quân".
Cải cách "từ cổ trở lên" đã hoàn thành
Trong cải cách quân đội, cải cách "từ cổ trở lên" đã cơ bản hoàn thành, cải cách "từ cổ trở xuống" sắp được triển khai. Quan hệ chỉ huy các đơn vị quân khu tỉnh (khu cảnh bị) vừa chuyển giao cho các chiến khu, còn có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Hồi tháng 8/2015, sau khi Thiên Tân xảy ra vụ nổ lớn, cải cách quân đội do ông Tập Cận Bình chỉ đạo đã được tăng tốc. Ngày 3/9 cùng năm, khi tổ chức duyệt binh quy mô lớn ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 quân.
Tiếp đến tháng 10, Hội nghị thường vụ Quân ủy Trung ương đã xem xét thông qua "Phương án tiến hành cải cách thể chế lãnh đạo, chỉ huy". Tháng 11, Quân ủy Trung ương Trung Quốc tổ chức hội nghị công tác cải cách, chính thức khởi động cải cách quân đội.
Ngày 31/12/2015, Trung Quốc thành lập các quân chủng Lục quân, Lực lượng tên lửa, Lực lượng chi viện chiến lược, bổ nhiệm 6 cán bộ chủ trì gồm các tư lệnh và chính ủy.
Ngày 11/1/2016, 4 Tổng bộ của Quân đội Trung Quốc được cải cách thành chế độ nhiều cơ quan của Quân ủy Trung ương, bao gồm 15 cơ quan chức năng do Quân ủy Trung ương trực tiếp lãnh đạo.
Trước đó, 4 Tổng bộ của Quân đội Trung Quốc do các Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương như Thượng tướng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng lần lượt kiểm soát, ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Sau đó, sau khi lãnh đạo thượng tầng của Quân đội Trung Quốc được cơ bản bố trí xong xuôi, các tướng lĩnh "tầng giữa" trong quân đội cũng đã được tập trung điều chỉnh.
Hiện nay, ông Tập Cận Bình đã xét xử 56 tướng lĩnh cấp phó tập đoàn quân trở lên, trong đó có 2 Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là các Thượng tướng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, Thượng tướng nghỉ hưu Điền Tu Tư, Thượng tướng đương chức Vương Kiến Bình.
Ngoài ra có tin cho hay nguyên Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Quân đội Trung Quốc, Thượng tướng Lý Kế Nại và nguyên Bộ trưởng Tổng bộ Hậu cần, Thượng tướng Liêu Tích Long cũng đã bị bắt và tiến hành điều tra vào hồi tháng 7/2016.
Bình luận viên thời sự Luân Quốc Trí cho rằng sau khi quyền chỉ huy của đơn vị quân khu tỉnh Quân đội Trung Quốc chuyển giao cho các chiến khu, toàn quân đã tiến hành tập huấn các bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật. Điều này có nghĩa là Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành một cao trào chống tham nhũng mới nhằm vào tướng lĩnh ở "tầng giữa".
Trước đây, để được thăng tiến thì phải dùng tiền mua. Trước khi chết, Thượng tướng Từ Tài Hậu cũng tiết lộ, các tướng lĩnh cấp chỉ huy trưởng tập đoàn quân trở lên chỉ có 4 người không hối lộ ông.
"Hổ lớn" này cho biết sau khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình cũng không thể loại bỏ toàn bộ những tướng lĩnh đã dùng tiền mua chức, vì vậy cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình là nhằm vào các quan chức vẫn chưa biết điểm dừng sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.