Quỹ ETF ngoại cơ cấu danh mục quý 2/2022 ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – FTSE ETF loại APH và không thêm mới cổ phiếu nào. Trong khi đó, VNM ETF sẽ thêm mới SHB, VCG, và loại ORS ra khỏi danh mục.
Quỹ ETFs cơ cấu danh mục quý 2/2022 ra sao?
Quỹ ETFs cơ cấu danh mục quý 2/2022 ra sao?

FTSE Russell và MV Index Solutions (MVIS) đã công bố kết quả danh mục của FTSE Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE ETF) - và MVIS Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) - trong kỳ cơ cấu quý 2/2022.

Theo đó, FTSE Vietnam Index sẽ loại APH của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings và không thêm mới cổ phiếu nào. CTCP Chứng khoán SSI (SSI) ước tính quỹ FTSE ETF sẽ bán khoảng 1,6 triệu cổ phiếu APH, đồng thời cân đối lại tỉ trọng các cổ phiếu trong rổ với thay đổi không đáng kể.

Đối với MVIS, 2 cổ phiếu Việt Nam được thêm vào danh mục là SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Trong khi đó, ORS của CTCP Chứng khoán Tiên Phong là cổ phiếu bị loại khỏi danh mục.

Danh mục MVIS Vietnam Index sẽ bao gồm 59 cổ phiếu, trong đó có 45 cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam và 14 cổ phiếu nước ngoài có liên quan. Với tổng giá trị tài sản 418 triệu USD, theo SSI, ước tính quỹ VNM ETF sẽ mua vào 5,9 triệu cổ phiếu SHB và 1,7 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng tỉ trọng 0,88% và 0,45%.

Đối với FTSE Vietnam 30 Index, Fubon FTSE Vietnam ETF hiện là quỹ ETF lớn thứ 2 trên thị trường Việt Nam với quy mô tài sản 12.700 tỉ đồng.

Do FTSE Vietnam 30 Index không thực hiện rà soát danh mục trong kỳ này, SSI ước tính quỹ này sẽ bán ra khoảng 2,3 triệu cổ phiếu VIC, 1 triệu cổ phiếu VHM, 1,4 triệu cổ phiếu MSN. Trong khi đó, HPG có thể được mua vào 6,7 triệu cổ phiếu, VND là 5,9 triệu cổ phiếu, SHB là 10,2 triệu cổ phiếu.

Trong tháng 5/2022, dòng tiền ETF vào Việt Nam tiếp tục đà mạnh mẽ khi hút ròng gần 4.900 tỉ đồng, nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế 5 tháng lên 6.700 tỉ đồng (chỉ sau giá trị 13.100 tỉ đồng trong 5 tháng đầu năm 2021). Lực mua chủ yếu vẫn đến từ quỹ Fubon và VFM VNDiamond.

Dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng cải thiện đáng kể trong tháng 5/2022 khi đảo chiều bơm ròng 272 tỉ đồng sau 3 tháng rút ròng liên tục. Tính chung 5 tháng đầu năm, các quỹ chủ động vẫn rút gần 1.000 tỉ đồng.

Trong tháng 5, khối ngoại cũng mua ròng với tổng giá trị 3.489 tỉ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, khối ngoại đã đảo chiều mua ròng gần 1.000 tỉ đồng, tập trung giải ngân ở các nhóm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ.

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, giao dịch khối ngoại vẫn bán ròng và chưa có sự bứt phá đáng kể. Tỉ trọng nhà đầu tư nước ngoài có sự cải thiện trong năm 2022, tăng lên mức trung bình khoảng 7% (so với mức 5,6% trong năm 2021) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước dịch (khoảng 15%).

Theo SSI, dòng vốn dẫn dắt khối ngoại trên thị trường trong thời gian qua chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Tuy nhiên, bản chất dòng vốn này là dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân ở các quốc gia như Đài Loan, Thái Lan và có thể nhanh chóng đảo chiều nếu diễn biến thị trường trong thời gian tới không có nhiều khởi sắc.

Điểm tích cực đối với dòng vốn trong tháng tới là sự xuất hiện của quỹ mới DCVFMVNMIDCAP, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa. Quỹ này đang trong quá trình chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng./.