Quảng Nam: GRDP 9 tháng đầu năm 2023 giảm ở hầu hết các chỉ tiêu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng quy mô GRDP của Quảng Nam vẫn đứng thứ 23/63 tỉnh, thành; xếp thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Nam
Trung tâm hành chính tỉnh Quảng Nam

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, mặc dù tốc độ tăng trưởng đang được cải thiện so với các tháng đầu năm (quý I giảm 9,8%, quý II giảm 8,6%, tính riêng quý III giảm 7,2%), nhưng do ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến chế tạo bị tụt giảm, nên GRDP toàn tỉnh bị ảnh hưởng.

Cụ thể: Công nghiệp - xây dựng giảm hơn 23%, riêng công nghiệp giảm hơn 25%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%; nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 9,0%. Với mức sụt giảm 8,76%, Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Quy mô nền kinh tế 9 tháng đạt 81,4 nghìn tỉ đồng (giá hiện hành), thu hẹp hơn 2,5 nghìn tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước; tính riêng quý III đạt 27 nghìn tỉ đồng, thu hẹp 735 tỉ đồng.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng quy mô GRDP tỉnh Quảng Nam vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước; xếp vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành và xếp vị trí thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).

vt_thaco-ra-mat-day-chuyen-va-san-pham-mini-bus-iveco-daily-5-8189534_10102020.jpg
Dây chuyển sản xuất xe ô tô bus tại nhà máy của Thaco tại Quảng Nam

Trong 9 tháng, hoạt động du lịch trên địa bàn có nhiều khởi sắc, lượng khách tham quan và lưu trú tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là thị trường khách quốc tế tăng mạnh và dần phục hồi. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ (VA) 9 tháng tăng 3,3% so với cùng kỳ, đóng góp 1,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Một số ngành dịch vụ như: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 2,9%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 1,5%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,8%; vận tải kho bãi tăng 8,4%...

Về thu chi ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm 40% so cùng thời điểm năm 2022, đến cuối tháng 9 ước đạt trên 13.648 tỉ đồng, bằng 51% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng hơn 2.000 tỉ đồng so với quý II ; trong đó, thu nội địa 12.040 tỉ đồng, bằng 57% dự toán; thu xuất nhập khẩu 1.580 tỉ đồng, bằng 27% dự toán.

Tổng chi ngân sách địa phương đạt 16.034 tỉ đồng, đạt 47% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 7.272 nghìn tỉ đồng, đạt 147%; chi thường xuyên đạt gần 8.761 nghìn tỉ đồng, đạt 64%.

Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu 9 tháng đạt hơn 2,7 tỉ USD, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2022, gồm: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hơn 1,3 tỉ USD, giảm 20,8% và kim ngạch nhập khẩu hơn 1,4 tỉ USD, giảm 35,4%. Trong 9 tháng, đã giải quyết thủ tục hải quan cho 542 doanh nghiệp, thông quan hàng hóa cho 90.441 tờ khai, giảm 12,3%; giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho 196 lượt phương tiện vận chuyển đường biển, tăng 47,4% và 15.261 lượt phương tiện vận tải đường bộ, tăng 168,7%.

Tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 104.00 tỉ đồng, tăng 13,4% so với tháng 9/2022; tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 82.472 tỉ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm 2023; nợ xấu là 1.756 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 1,7% tổng dư nợ.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 1,27% so với tháng trước và CPI bình quân 9 tháng tăng 4,06% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính do nhu cầu mua sắm phục vụ cho hoạt động giáo dục tăng cao trong tháng 9 cùng với giá lương thực, ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá xăng dầu trong nước tăng do ảnh hưởng từ giá xăng dầu thế giới.

Tính đến ngày 29/9, tổng vốn đầu công giải ngân 4.060 tỉ đồng, đạt 43,8%, tăng gần 2.150 tỉ đồng so với tháng quý II và cao hơn so với cùng kỳ năm trước ; gồm: kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 3.291 tỉ đồng, đạt 42,2%; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 769 tỉ đồng, đạt 52,1%.

Toàn tỉnh hiện có 907 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 4.782 tỉ đồng, giảm 78 doanh nghiệp (giảm 1.331 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm trước và tăng 265 doanh nghiệp (tăng 980 tỉ đồng) so với lũy kế đến hết quý II. Trong 9 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 348 doanh nghiệp, giảm 31,1% (giảm 157 doanh nghiệp); số doanh nghiệp đã giải thể 111 doanh nghiệp, giảm 34,7% (giảm 59 doanh nghiệp); số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 863 doanh nghiệp, tăng 12,7% (tăng 97 doanh nghiệp).

So với cùng thời điểm năm 2022, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn đều giảm sút. Tính đến ngày 30/9, Quảng Nam đã cấp mới 16 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1.834 tỉ đồng, điều chỉnh 19 dự án, chấm dứt hoạt động 4 dự án, lũy kế đến nay có 1.137 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 225 nghìn tỉ đồng. Cấp mới 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD, thu hồi 3 dự án. Hiện tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn là 193 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỉ USD.

Nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các ngành và địa phương đã tích cực tăng cường các giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp.