Quân Nga bị tấn công tại Syria: Kẻ giấu mặt và nghi vấn "cờ giả" Mỹ

VietTimes -- Vụ tấn công vào những căn cứ quân sự Nga tại Syria có thể là một hành động được thực hiện nhằm chia rẽ mối quan hệ của Nga với các nước trong khu vực, đồng thời để thử khả năng phòng không cũng như tình báo của Nga.
Kế hoạch táo bạo dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công vào căn cứ không quân của Nga tại Syria rất giống với chiến dịch treo cờ giả (nhằm đổ trách nhiệm cho 1 bên khác) của CIA. Kỹ thuật tinh vi cùng mối liên hệ với Ukraine trong vụ tấn công của 13 chiếc UAV cho thấy vụ tấn công không thể thực hiện đơn độc bởi những nhóm nổi dậy chống chính phủ Syria. 
Có vẻ chính phủ Nga đã có thêm bằng chứng về việc ai chịu trách nhiệm cho vụ tấn công vào căn cứ không quân Nga tại Khmeimim và cảng Hải quân tại Tartus vào ngày 6.1. Tuy nhiên, những vũ khí phiến quân sử dụng đã thất bại khi thực hiện nhiệm vụ tấn công. Trong 13 chiếc UAV có 7 chiếc bị bắn rơi bằng tên lửa phòng không Pantsir S-1 của Nga, 6 chiếc còn lại bị đoạt quyền kiểm soát và hạ cánh an toàn do Nga sử dụng kỹ thuật bẫy điện tử. Những chiếc UAV đã cung cấp bằng chứng để xác thực ai là tác giả của vụ tấn công.  
Chiếc UAV tấn công căn cứ quân sự của Nga được làm từ gỗ dán.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói một cách ý vị: "Chúng tôi biết ai đã làm điều này". Nhưng ông cũng chưa chỉ rõ ai là thủ phạm. Bộ Quốc phòng Nga thì đưa ra ảnh của những chiếc UAV cho thấy chúng có cấu trúc đơn giản và được làm bằng gỗ dán. Tuy nhiên, kỹ thuật điều hướng và vật liệu nổ trên những chiếc UAV này rất tinh vi và được chế tạo chuyên nghiệp. Đây rõ ràng không phải là một nhiệm vụ của những kẻ nghiệp dư như những nhóm phiến quân có thể thực hiện.

Những chiếc UAV không thể do phiến quân Syria chế tạo. Vì theo phân tích của Nga cho thấy vật liệu nổ trên UAV là PENT có nguồn gốc từ Ukraine. Điều này có thể được hiểu là những người Mỹ đang là cầu nối giữa Ukraine và Syria.

Một yếu tố quan trọng nữa là trong thời điểm xảy ra những vụ tấn công, quân đội Nga phát hiện máy bay tuần tra US Poseidon của Mỹ đang bay trên khu vực biển Syria. Chiếc Poseidon có khả năng đã dẫn đường cho những chiếc UAV tới những mục tiêu chính xác tại căn cứ của Nga. Mặc dù, chiếc máy bay này thuộc hạm đội Hải quân Mỹ nhưng cũng không loại trừ việc CIA có máy bay Poseidon của riêng họ.

Nga đã dùng kỹ thuật bẫy điện tử khiến 6 chiếc UAV mất khả năng tấn công và hạ cánh an toàn xuống mặt đất.

Thông tin đáng chú ý khác là nhà lập pháp Crimea ông Ruslan Balbek cho biết máy bay tuần tra Poseidon của Mỹ đã được sử dụng để hướng dẫn các cuộc tấn công bằng UAV do lực lượng được Mỹ chống lưng thực hiện. Balbek tin rằng vụ tấn công bằng UAV là cách dựng "cờ giả".

Trong vụ tấn công tại Syria, tuần trước Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trong một cuộc họp với các lãnh đạo truyền thông Nga là thủ phạm không phải là Thổ Nhĩ Kỳ dù những chiếc UAV xuất phát từ tỉnh Idlib ở phía Bắc Syria nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có liên kết với các nhóm chiến binh. "Những cuộc tấn công này được thực hiện với mục đích khích động để phá hủy những mối quan hệ giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Chúng là những kẻ khiêu khích nhưng chúng không phải là người Thổ Nhĩ Kỳ".

Nga cũng chưa công khai rõ ràng, dứt khoát về thủ phạm liên quan tới vụ tấn công bằng UAV. Nhưng Kremlin có vẻ tin chắc vào những thông tin họ có. "Những chiếc máy bay này chỉ là ngụy trang - Tôi muốn nhấn mạnh nó trông giống như một sản phẩm lắp ráp thủ công. Thực tế, rất rõ ràng có những yếu tố công nghệ cao ở đây", ông Putin nói.

Bom cối trên UAV sử dụng PENT - chất nổ có nguồn gốc từ Ukraine.

Tổng thống Nga cũng thông tin về thủ phạm với lời nhận xét khó hiểu: "Bạn biết điều mà tôi biết". Về phần mình, Lầu Năm Góc dứt khoát phủ nhận Mỹ có liên quan tới vụ tấn công bằng UAV. Trong một cuộc họp báo tại Washington vào tuần trước, trung tướng lục quân Kenneth F.McKenzie Jr nói: "Mỹ không liên quan tới bất cứ vấn đề gì trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào những căn cứ của Nga ở bất kỳ thời điểm nào". Một phát ngôn viên khác của Lầu Năm Góc tuyên bố những cáo buộc Mỹ đồng lõa trong vụ tấn công là "nực cười" và "thiếu thận trọng". Có thể những lãnh đạo quân đội Mỹ đã thành thực vì họ biết rõ hậu quả nếu tấn công Nga. Nói cách khác, việc Lầu Năm Góc không liên quan tới vụ tấn công có vẻ hợp lý.

Vì thế, có một "ứng cử viên" khác là CIA. Nhà phân tích chính trị tại Mỹ Randy Martin đã có bình luận liên quan tới vụ tấn công "CIA là nhà điều hành chính toàn bộ các vũ khí không người lái của Mỹ và các chương trình theo dõi trên khắp thế giới từ Afghanistan, Pakistan, Iraq, Yemen và Ukraine cho tới một loạt các nước Châu Phi".

Với thói quen hành động bí mật và bản chất độc lập của CIA, có thể hiểu Lầu Năm Góc hay ngay cả Nhà Trắng cũng không biết được hết những hoạt động của tổ chức tình báo này. CIA có khuynh hướng thực hiện những phi vụ bất ngờ ở bất cứ thời điểm nào. Sự thiếu tin tức giữa các chi nhánh của chính phủ tại Washington tạo ra lý do quan trọng cho những "lời phủ nhận đáng tin".

Lớp bao bên ngoài bom cối là nhựa epoxy với cấu trúc kíp nổ khá đơn giản.

Kịch bản sau đây rất có thể xảy ra: "CIA đã thực hiện vụ tấn công ồ ạt bằng UAV vào những căn cứ của Nga. Thiết kế ọp ẹp của những chiếc UAV để nhắm tới những nhóm chiến binh được sự hậu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib. Như ông Putin đã nhấn mạnh, nhiệm vụ này là để đưa Thổ Nhĩ Kỳ giơ đầu chịu báng. Nếu điều này thành công, mối quan hệ giữa Moscow và Ankara hay ngay cả Tehran sẽ trở nên căng thẳng sâu sắc. Washington thì vẫn luôn không hài lòng với mối quan hệ gần gũi giữa ông Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Những thiết bị điều hướng và chất nổ trên máy bay cùng sự hiện diện của máy bay tuần tra Poseidon đưa ra giả thuyết là CIA có dính dáng tới vụ tấn công.

Lịch trình của Washington tại Syria không liên quan tới việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố mà để lan truyền sự mất ổn định, hỗn loạn với mục đích hủy hoại những thành quả mà chính phủ Syria của tổng thống Assad và đồng minh Nga đạt được khi đánh bại âm mưu thay đổi chế độ của Mỹ. Không gì làm hài lòng Washington hơn việc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran có quan hệ căng thẳng tại Syria. CIA tinh thông khả năng về kỹ thuật để mở một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ quân sự của Nga. Họ cũng có động cơ để thực hiện điều đó nhằm đẩy mạnh quá trình thực hiện âm mưu thay đổi chế độ tại Syria. 

Khoảng cách từ địa điểm những chiếc UAV xuất phát tới mục tiêu tấn công.

Đó là một mánh khóe mà theo ông Randy Martin: "Vụ tấn công ồ ạt bằng UAV là thủ đoạn lần đầu được thực hiện trong các hồ sơ quân sự. Nó có thể là "cờ giả" để đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng là một cách để thử hệ thống phòng không và thông tin tình báo của Nga... Điều nguy hiểm là có thể những vụ tấn công như vậy sẽ xảy ra nhiều hơn với những hậu quả chết người, chống lại lực lượng Nga tại Syria cũng như Crimea và những người thuộc phe dân quân ly khai tại Đông Ukraine".

Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu xác định được chính CIA là thủ phạm đứng sau vụ tấn công. Điều này đồng nghĩa với việc người Mỹ đang gây chiến bất chấp đó có phải là ý định của chính phủ Mỹ hay không. Lý do này cũng giải thích vì sao Kremlin giấu rất kín những con bài của mình vì nếu để lộ ra mọi thứ sẽ bùng nổ.