|
Viện Khổng Tử ở Đại học Stockholm, Viện Khổng Tử đầu tiên ở châu Âu đã bị đóng cửa năm 2015 (Ảnh: Ui.se). |
Trang tin Guancha của Trung Quốc ngày 24/4 dẫn tin của báo Anh The Times ngày 21/4, cho biết Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng và trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa hoàn toàn mọi Viện Khổng Tử.
Viện Khổng Tử (tiếng Anh: Confucius Institute) được sáng lập năm 2004 và là một tổ chức được thành lập bởi Văn phòng quốc gia Trung Quốc lãnh đạo quảng bá ngôn ngữ Trung Quốc trên khắp thế giới (gọi tắt là Hán Biện) để quảng bá ngôn ngữ Trung Quốc.
Năm 2005, Trung Quốc đã đặt Viện Khổng Tử đầu tiên tại Đại học Stockholm ở Thụy Điển và là Viện Khổng Tử đầu tiên ở Châu Âu. Học viện này đã đóng cửa vào năm 2015.
Vào thời điểm đó, trang web của Đại học Stockholm đã giải thích rằng tình hình hiện nay đã khác với 10 năm trước. Vào thời điểm đó, việc nhà trường giao tiếp với Trung Quốc là rất quan trọng. “Bây giờ chúng tôi có các cấp độ trao đổi học thuật hoàn toàn khác với Trung Quốc. Sự hợp tác như vậy là không cần thiết nữa” - Ông Astid Soderbergh Widding, Phó Hiệu trưởng trường, nói với nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter: “Nói chung, việc đặt một học viện được tài trợ bởi một quốc gia khác trong khuôn khổ một trường đại học là một cách làm có vấn đề”.
|
Ông Bjorn Jerden, người phụ trách các dự án châu Á của Swedish Institute of International Affairs: việc đóng cửa các Viện Khổng Tử cho thấy sự thay đổi trong thái độ của Thụy Điển đối với Trung Quốc (Ảnh: Ui.se). |
Trong 6 tháng qua, việc đóng cửa Học viện Khổng Tử của Thụy Điển đã được đẩy nhanh. Vào tháng 12 năm ngoái, Thụy Điển đã đóng cửa toàn bộ 4 Viện Khổng Tử ở nước này, chỉ giữ lại lớp học của một Viện Khổng Tử ở thành phố phía nam Falkenberg. Nhưng bắt đầu từ tuần trước, lớp học này cũng đã bị đóng cửa nốt.
Ông Bjorn Jerden, người phụ trách các dự án châu Á của Swedish Institute of International Affairs (Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thụy Điển), cho biết điều này cho thấy sự thay đổi trong thái độ của Thụy Điển đối với Trung Quốc.
Trang web National Review của Hoa Kỳ ngày 23/4 đã phân tích, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Trong hoàn cảnh như vậy, Thụy Điển đã chọn cách đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng.
Hồi tháng 2/2019, Lục Khảng, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói, hoạt động và quản lý hàng ngày của Viện Khổng Tử ở Thụy Điển là “hợp pháp, hợp quy, công khai và minh bạch, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy trao đổi văn hóa”. Ông ta chỉ trích: “Việc chính trị hóa chương trình trao đổi giáo dục bình thường này cho thấy tư duy Chiến tranh Lạnh điển hình và cũng phản ánh sự thiếu tự tin của họ ở một mức độ nhất định”.
National Review cũng lưu ý rằng mối quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc đã xấu đi từ trước khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19. Vào tháng 11/2019, Trung Quốc đã bắt giữ Quế Dân Hải (Gui Minhai), một người kinh doanh sách ở Hồng Kông có quốc tịch Thụy Điển. Hiệp hội PEN (Văn bút quốc tế) Thụy Điển sau đó đã trao cho Quế Dân Hải giải thưởng Tuchollsky Prize 2019. Trung Quốc sau đó đã áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đối với Thụy Điển. Một số chuyên gia nhận xét rằng hành động của Bắc Kinh đã phá hoại nghiêm trọng sự tín nhiệm giữa Thụy Điển và Trung Quốc.
Từ năm 2004, chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhiều Viện Khổng Tử ở nhiều trường đại học ở nước ngoài. Lý do được họ đưa ra là để thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Nhưng các quan chức chính phủ Mỹ và một số quốc gia đã chỉ ra rằng các Viện Khổng Tử này là công cụ tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc.
|
Khi quan hệ Trung Quốc - Thụy Điển xấu đi, người dân Thụy Điển đòi đóng cửa các Viện Khổng Tử (Ảnh: DJY).
|
Giám đốc FBI Christopher Ray nói trong một phiên điều trần trước quốc hội Mỹ hồi năm ngoái rằng Viện Khổng Tử “có một mô thức gián điệp đáng kể” và là một phần của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy quyền lực mềm và mở rộng ảnh hưởng. Ông nói rằng các dự án của Viện Khổng Tử cũng cho phép chính phủ Trung Quốc hạn chế tự do học thuật và tiến hành kiểm duyệt.
Một báo cáo điều tra năm 2019 của Ủy ban Điều tra Thượng viện Hoa Kỳ cho biết, từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2018, tổng cộng 15 trường học của Mỹ đã nhận được 15,47 triệu USD từ Hán Biện, nhưng kết quả rà soát hồ sơ tài chính của ủy ban này đối với 100 trường đại học có Viện Khổng Tử, cho thấy Hán Biện trực tiếp cung cấp cho các trường ở Mỹ hơn 110 triệu USD tiền quỹ, vượt xa báo cáo của trường.
Gần đây, nhiều trường đại học Mỹ đã liên tiếp chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử Trung Quốc, trong đó có Đại học Maryland, nơi mở Viện Khổng Tử đầu tiên ở Bắc Mỹ.