|
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae - in |
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 18/5 cho hay, các đặc phái viên của Tân Tổng thống Hàn Quốc ngày 17/5 đã lần lượt khởi hành đến Mỹ và Nhật Bản, trong khi đó đặc phái viên Lee Hae-chan cũng đến Trung Quốc từ ngày 18/5.
Dư luận Hàn Quốc cho rằng, điều này có nghĩa là chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chính thức khởi động chính sách "ngoại giao tứ cường" đối với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga.
Theo tiết lộ của báo chí Hàn Quốc, ngày 19/5, trong khi ăn cơm trưa với đại diện 4 đảng phái trong Quốc hội, Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thảo luận về vấn đề "triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) do Quốc hội phê chuẩn".
Được biết, đặc phái viên được cử đến Mỹ vốn là Tổng biên tập tờ JoongAng Ilbo Hong Seok-hyun, đặc phái viên được cử đến Nhật Bản là cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Moon Hee-sang. Còn đặc phái viên được cử đến Trung Quốc là cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hae-chan.
Ngoài ra, đặc phái viên được cử đến Nga là nghị sĩ Quốc hội Song Young-gil của Đảng Dân chủ đồng hành Hàn Quốc, đặc phái viên được cử đến Liên minh châu Âu (EU) và Đức là Yoon Je-cho, những đặc phái viên này sẽ xác định thời gian thăm dựa trên tình hình của mỗi đối tác.
Từ ngày 18 đến ngày 20/5, đoàn đặc phái viên do ông Lee Hae-chan dẫn đầu tiến hành chuyến thăm Trung Quốc. 14 năm trước, ông Lee Hae-chan cũng đến thăm Trung Quốc với tư cách này.
Theo tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc), lịch sử ngoại giao thăm Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc được bắt đầu từ tháng 2/2003, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc khi đó là ông Roh Moo-hyun đã cử ông Lee Hae-chan làm đặc phái viên đến Trung Quốc.
Đến thời chính quyền Tổng thống Hàn Quốc ông Lee Myung-bak và bà Park Geun-hye, quy mô đoàn đặc phái viên đến Trung Quốc không ngừng mở rộng.
Theo tờ Kinh tế Hàn Quốc, đặc phái viên Lee Hae-chan đến Trung Quốc lần này đúng vào lúc nước này đang có các hành động "báo thù" đối với việc Mỹ - Hàn triển khai THAAD. Quan hệ Hàn - Trung có thể tìm được cơ hội hòa giải hay không, ông Lee Hae-chan có khôi phục được quan hệ Hàn - Trung Quốc trong giai đoạn đầu cầm quyền của ông Moon Jae-in hay không, là điều còn phải chờ đến sau chuyến đi này mới biết được.
Một chuyên gia các vấn đề quốc tế của Trung Quốc cho rằng, trong Quốc hội Hàn Quốc, văn phòng của ông Lee Hae-chan được coi là tốt nhất của tất cả các nghị sĩ.
Nhà nghiên cứu Lữ Siêu, Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 17/5 cho biết, ông Lee Hae-chan là một chính trị gia rất nổi tiếng ở Hàn Quốc, là hậu duệ dòng dõi nhà vua trước đây của Triều Tiên duy nhất trong các đời Thủ tướng.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cử ông Lee Hae-chan làm đặc phái viên đến Trung Quốc cho thấy ông đặt quan hệ với Trung Quốc vào một vị trí rất quan trọng. So với các đặc phái viên khác được cử đến Mỹ, Nhật Bản và Nga, ông Lee Hae-chan là người có vai trò quan trọng nhất.
Theo tờ The Globe and Mail (Canada) ngày 16/5, đối với tân chính phủ Hàn Quốc, quan hệ với Trung Quốc chắc chắn là quan trọng hàng đầu.
Điều người Trung Quốc quan tâm nhất trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Lee Hae-chan là vấn đề THAAD. Tân chính phủ Hàn Quốc mặc dù cầm quyền chưa đến 10 ngày, nhưng đã thể hiện sự khác biệt với chính phủ tiền nhiệm trong vấn đề này.
Ngày 16/5, tại Hàn Quốc, người đứng đầu nhóm công tác ngoại giao - an ninh của Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Blue House) đã có cuộc gặp với Chủ nhiệm cấp cao các vấn đề châu Á, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger. Hai bên đạt được đồng thuận về tổ chức hội đàm cấp cao Hàn - Mỹ tại Mỹ vào tháng 6/2017.
Về vấn đề THAAD, tờ The Hankyoreh cho rằng điều này sẽ trở thành một vấn đề được thảo luận trong hội đàm cấp cao Hàn - Mỹ.
Theo tờ Dong-A Ilbo, trong cuộc gặp với ông Matt Pottinger, phía Hàn Quốc cho rằng thủ tục triển khai THAAD ở Hàn Quốc có vấn đề, cần tiến hành trao đổi với Quốc hội, ám chỉ sẽ để cho Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn việc triển khai THAAD.
Trong khi đó, ông Matt Pottinger không đưa ra bình luận gì về việc này trong cuộc hội đàm. Sau hội đàm, ông Matt Pottinger cho biết "sẽ tiếp tục đối thoại", đồng thời nhấn mạnh THAAD " là vấn đề đã giải quyết xong" (settled matter).
Theo tờ The Hankyoreh, có thể thấy triển khai thảo luận với Mỹ về vấn đề THAAD sẽ rất khó khăn.
Tờ Dong-A Ilbo cho rằng nguồn tin từ nhóm công tác ngoại giao - an ninh Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Moon Jae-in nhiều lần khẳng định quá trình triển khai THAAD tồn tại khuyết điểm của "dân chủ", cần nhanh chóng được Quốc hội phê chuẩn, giành được đồng thuận của nhân dân là nền tảng, tiến hành thảo luận với nước đối phương là thích hợp.
Kết quả thăm dò dư luận của tờ The Hankyoreh cho thấy có 56,1% người được hỏi cho biết cần thảo luận lại về quyết định triển khai THAAD. Trước đó, cuộc thăm dò dư luận từ ngày 1 đến ngày 2/5 cho biết chỉ có 28,9% người cho rằng triển khai THAAD là quyết định sai lầm, cần do chính phủ khóa mới thảo luận lại.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, sau khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, những lời kêu gọi thảo luận lại việc triển khai THAAD tăng lên. Nhưng, việc giải quyết các quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ và Trung Quốc là một vấn đề không thể né tránh của tân chính phủ Hàn Quốc.
Tờ Kinh tế châu Á Hàn Quốc ngày 16/5 cho hay trong vài tháng qua, giới cửa hàng miễn thuế Hàn Quốc đã bị thiệt hại nặng nề do mất khách du lịch Trung Quốc. Họ mong muốn tân chính quyền Moon Jae-in sẽ hành động.
Nhưng, báo chí Hàn Quốc phổ biến cho rằng ông Moon Jae-in sẽ gặp khó khăn trong vấn đề quan hệ với Mỹ. Ông Moon Jae-in được cho là theo đuổi chính sách ngoại giao của cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun. Do tình hình đã thay đổi to lớn trong 10 năm qua, kịch bản trước đây đã rất khó có hiệu quả.
Nhà nghiên cứu Lữ Siêu Trung Quốc cho rằng: "Hiện nay, quan hệ Trung- Hàn tốt lên là điều có thể trông đợi, nhưng không nên lạc quan mù quáng". Hiện nay, những lực lượng thân Mỹ tại Hàn Quốc còn rất mạnh, việc hủy bỏ triển khai THAAD rất khó.
Nhưng, mặt khác, Mỹ yêu cầu Hàn Quốc chi tiền cũng gây khó khăn cho phe "thân Mỹ" ở Hàn Quốc. Hơn nữa, nội bộ Hàn Quốc cho rằng "trong tình hình này, khả năng tạm dừng triển khai THAAD còn rất lớn".