Ông Patrick Shanahan coi Trung Quốc là trọng điểm trong chính sách quốc phòng?
Trang tin Đa Chiều dẫn nguồn hãng Reuters nói, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên đã tiết lộ, hôm 2.1 ông Patrick Shanahan đã nói với các lãnh đạo quân đội, dù Mỹ phải chiến đấu chống các phần tử vũ trang tại Syria và Afghanistan, nhưng cũng phải ghi nhớ “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”. Người này nói với phóng viên Reuters: “Quyền bộ trưởng Patrick Shanahan nói với mọi người, phải đặt trọng điểm vào chiến lược quốc phòng và tiếp tục nỗ lực. Khi chúng ta tập trung vào các hành động đang tiến hành, cần phải ghi nhớ Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”. Lời nhắc nhở của vị tân Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy Trung Quốc vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ dưới thời ông Trump.
Ông Patrick Shanahan coi Trung Quốc là trọng điểm ưu tiên hàng đầu của Mỹ về quốc phòng?
|
Cũng theo Reuters, Shanahan là một người chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh ở Lầu Năm Góc. Trong bản Chiến lược Quốc phòng Quốc gia 2018 mà ông Shanahan giúp soạn thảo khi còn là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” (strategic competitor), cùng với Nga là thách thức lâu dài đến sự phồn vinh và an ninh của Mỹ. Với việc tập trung vào Trung Quốc hơn là các hoạt động ở Syria hoặc Afghanistan, ông Shanahan có thể đang tìm cách phản ánh chặt chẽ hơn tầm nhìn và mong muốn của Tổng thống Donald Trump.
Chính quyền của ông Trump đã tìm cách chống lại Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Biển Đông và nhiều nơi khác.
Trong khi đó, một học giả Mỹ khi nói về vấn đề Biển Đông đã cho rằng, quan điểm và phong cách của tân Bộ trưởng Quốc phòng sẽ trở thành nhân tố quan trọng trong quan hệ quân sự Mỹ - Trung và nhắc nhở ông Patrick Shanahan “cần đề phòng xảy ra chiến tranh ở Biển Đông”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 2.1 đã đăng bài của Mark Valencia, chuyên gia về vấn đề Biển Đông, Giáo sư cộng tác của “Viện nghiên cứu Nam Hải” Trung Quốc. Ông Mark Valencia cho rằng, việc Mỹ đề ra chính sách Biển Đông đúng đắn rất quan trọng đối với ổn định ở khu vực.
Theo Mark Valencia, tuy cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cứng rắn với Trung Quốc, nhưng nhiều người nhận xét ông “bài bản và khắc chế”, khác với những tiếng nói có khuynh hướng hiếu chiến trong chính phủ, ông James Mattis “không có hành động khiêu khích, đối kháng không cần thiết”.
Bài báo của Mark Valencia nói, trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ xấu đi, ông James Mattis đã giữ ổn định trong giới quân sự. Nay, giới học giả bàn tán việc ông James Mattis đột nhiên từ chức có thể sẽ gây nên ảnh hưởng thì quan điểm và phong cách của người kế nhiệm sẽ trở thành nhân tố quan trọng trong quan hệ quân sự Trung - Mỹ. Còn về Biển Đông, lợi ích chiến lược và chính trị của Mỹ cơ bản không thay đổi, nhưng có thể xuất hiện một số vấn đề cần phải đưa ra quyết định chính sách.
Ông Mark Valencia cho rằng, quan hệ căng thẳng Trung - Mỹ trong vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ sự cạnh tranh giữa hai nước trước tương lai của trật tự ở khu vực châu Á và địa vị của họ trong đó. Nói vắn tắt, Mỹ muốn tiếp tục đóng vai trò nước lớn lãnh đạo châu Á và Trung Quốc đã trở thành sự thách thức đối với việc đó.
Trung Quốc chủ trương đẩy nhanh việc xây dựng lực lượng để đáp trả sự đe dọa của Mỹ, đồng thời răn đe khiến đối phương phải khiếp sợ.
|
Bài báo viết, với sự gia tăng về của cải và tăng cường về thực lực, Trung Quốc không thể bị đe dọa và thận trọng hành xử trong khu vực. Trên thực tế, Trung Quốc có thể đánh trả các sự đe dọa và hành động khiêu khích. Trong cuộc đối đầu ở Biển Đông, giới quân sự hai bên Trung - Mỹ có thể sẽ xảy ra thêm nhiều sự kiện ngoài ý muốn.
Ông Mark Valencia cho rằng, quyết sách của tân Bộ trưởng Quốc phòng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách “Ưu tiên nước Mỹ” của ông Donald Trump. Việc này có thể gây trở ngại đến việc tân bộ trưởng thi triển lực lượng quân sự ở châu Á.
Trung Quốc cảnh báo đối phó việc Mỹ gia tăng gây sức ép quân sự
Trước những thông tin về việc ông Patrick Shanahan nhấn mạnh đến Trung Quốc trong cuộc họp mặt đầu tiên với giới cần đầu quân đội Mỹ sau khi nhậm chức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong cuộc họp báo hôm 3.1: Trung Quốc chú ý đến thông tin này, nhưng đó có đúng là nguyên văn lời ông Patrick Shanahan nói không thì cần có sự làm rõ từ phía Mỹ. Trung Quốc trước nay vẫn theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, cũng chú trọng phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với các quốc gia khác trong đó có Mỹ. Trung Quốc cho rắng, điều này có lợi cho việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau, tăng cường quan hệ hai nước và cũng có lợi cho hòa bình và ổn định của thế giới.
Tên lửa Đông Phong được Trung Quốc coi là vũ khí có sức răn đe mạnh.
|
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu - ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, ngày 3.1 đã đăng bài xã luận “Cảnh giác Mỹ năm nay gia tăng khiêu khích quân sự Trung Quốc”. Bài báo viết, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan vừa nhậm chức hôm 2.1 lần đầu tiên gặp mặt các chỉ huy quân đội Mỹ đã đề nghị phải ghi nhớ “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”. Câu nói này của ông ta được nhiều báo Mỹ sử dụng làm tiêu đề bài viết. Một năm trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa Trung Quốc vào danh sách đối thủ cạnh tranh. Sự biểu đạt thái độ này của ông Patrick Shanahan càng cho thấy Mỹ coi Trung Quốc là mục tiêu hàng đầu họ cần đề phòng.
Bài báo viết, năm 2018, thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc của Mỹ chủ yếu là đi đầu đánh chiến tranh thương mại. Năm 2019 liệu Washington có gia tăng thêm sức ép đối với Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự hay không là động thái đáng quan tâm chú ý.
Bài xã luận cho rằng, Mỹ có khả năng gia tăng khiêu khích quân sự với Trung Quốc, khu vực có nguy cơ xảy ra va chạm là eo biển Đài Loan và Biển Đông. Năm ngoái Mỹ đã gia tăng tần suất hoạt động tại hai khu vực này. Ở Biển Đông chủ yếu là thực hiện chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP, cho tàu chiến và máy bay đi qua vùng biển và vùng trời gần các đảo của Trung Quốc (chiếm đóng trái phép). Ở biển Đài Loan thì Mỹ cho tàu chiến đi xuyên qua eo biển Đài Loan.
Nếu Mỹ gia tăng khiêu khích ở Biển Đông thì thủ đoạn chủ yếu là gia tăng tần suất của hoạt động “tự do hàng hải”. Tại biển Đài Loan thì các công cụ khiêu khích nhiều hơn, bao gồm gia tăng bán vũ khí cho Đài Loan, tăng thêm cấp bậc và mức độ giao lưu quân sự và ngoại giao với Đài Loan. Trung Quốc cần kiên trì nguyên tắc, phán đoán chính xác. Khi gặp sự khiêu khích mới của Mỹ, cần phản ứng thì nhất định phải phản ứng, phản ứng cần có lý, có lực, có trình tự, đồng thời chống cả việc né tránh phản ứng lẫn phản ứng quá mức.
Thời báo Hoàn cầu chủ trương tăng cường huấn luyện đánh tàu sân bay để răn đe Mỹ trên biển.
|
Bài báo viết, Trung Quốc không có khả năng “xâm phạm nước Mỹ”. Nhưng Trung Quốc có đầy đủ năng lực khiến Mỹ phải trả giá với mức không thể chịu nổi nếu ngày nào đó họ xâm phạm Trung Quốc, từ đó hình thành sức uy hiếp mạnh mẽ đối với Mỹ. Khi mà quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hô hào “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”, chúng ta cần phải đẩy nhanh việc xây dựng lực lượng để đáp trả sự đe dọa của Mỹ. Đồng thời chúng ta cũng biết sử dụng sức răn đe khiến đối phương phải khiếp sợ.
Xã luận của Thời báo Hoàn cầu kết luận: năm nay là năm kỉ niệm 70 năm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, chúng ta mạnh mẽ trông chờ các vũ khí sát thủ có sức uy hiếp mạnh như tên lửa Đông Phong-41 xuất hiện công khai để khiến những thế lực muốn chế áp Trung Quốc tỉnh ra. Trung Quốc cũng cần triển khai càng nhiều thêm những cuộc diễn tập thực chiến trên biển, đặc biệt là nhấn mạnh việc huấn luyện khoa mục đánh tàu sân bay.