|
Nhiều nguồn tin cho thấy tới đây Mỹ sẽ "phong sát" toàn diện Huawei (Ảnh: Reuters). |
The Wall Street Journal ngày 1/2 cho rằng, nếu chính phủ Mỹ xúc tiến động thái này, sẽ đánh dấu sự tái bùng nổ của cuộc xung đột nguy cơ cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giữa lúc các nhà hoạch định chính sách Nhà Trắng tìm cách chống lại các chính sách công nghiệp của Trung Quốc, vốn được coi là mối đe dọa đối với lợi ích của phương Tây.
Chính quyền Donald Trump năm 2019 đã đưa Huawei vào "Danh sách thực thể" (Entity List) của Bộ Thương mại Mỹ - một danh sách các công ty nước ngoài bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Thương mại sau đó đã đồng ý cấp giấy phép cho các công ty Mỹ bán công nghệ cho Huawei dưới tiền đề không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết: chính quyền Biden hiện đang xem xét việc không cấp các giấy phép như vậy nữa, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định. Bloomberg và Financial Times trước đó cũng đã đưa về thông tin này.
|
Bloomberg đưa tin về động thái này của chính phủ Mỹ. |
Các loại hàng hóa được miễn trừ khỏi danh sách đen của Mỹ cấm xuất khẩu sang Huawei bao gồm chip xử lý hoàn chỉnh được sử dụng trong dòng điện thoại thông minh và máy tính cá nhân của Huawei. Do các hạn chế của Mỹ khiến Huawei không thể có được chip xử lý tiên tiến nhất cần thiết cho điện thoại thông minh hỗ trợ 5G nên Huawei đã không thể cung cấp loại điện thoại này.
Huawei đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về thông tin này. Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, luôn tuyên bố sản phẩm của họ không gây rủi ro an ninh quốc gia cho các nước.
Một nguồn thạo tin cho biết, các quan chức Mỹ đã ngầm báo hiệu cho Qualcomm Inc (QCOM). và Intel Corp. (INTC), những công ty tiếp tục cung cấp hàng cho Huawei biết rằng, giờ là lúc giảm dần doanh số bán hàng cho Huawei.
Intel và Qualcomm cũng đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về tin này.
|
Huawei lâu nay luôn là mục tiêu chế áp của các đời tổng thống Mỹ (Ảnh: Sina). |
Cũng theo người quen thuộc với vấn đề này, một ý tưởng đang được xem xét là kiểm soát chặt chẽ hơn, không chỉ cấm các giao dịch kinh doanh trực tiếp với Huawei mà còn cấm xuất khẩu sang các công ty và cơ cấu trung gian khác cung cấp sản phẩm cho Huawei. Với mức độ sử dụng phổ biến các linh kiện của Mỹ trên khắp thế giới, chính sách này có khả năng chế áp hoạt động kinh doanh của Huawei trên quốc tế.
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho biết bộ này không bình luận công khai về các cuộc thảo luận hoặc cân nhắc về một công ty cụ thể.
Bà này nói: "Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các đối tác kiểm soát xuất khẩu liên ngành của chúng tôi ở các Bộ Năng lượng, Quốc phòng và Ngoại giao để liên tục đánh giá các chính sách và quy định của chúng tôi và thường xuyên liên lạc với các bên liên quan bên ngoài".
Việc bị đưa vào Danh sách thực thể đã làm tổn hại đến lợi nhuận của Huawei, nhưng công ty này cuối năm ngoái cho biết rằng họ đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Mặc dù vậy, theo công ty nghiên cứu International Data Corporation (IDC), Huawei đã không lọt vào top 5 nhà cung cấp điện thoại di động hàng đầu tại Trung Quốc vào năm ngoái. Theo IDC, 5 nhà cung cấp hàng đầu chiếm khoảng 84% số lượng điện thoại thông minh xuất xưởng tại Trung Quốc vào năm 2022, bao gồm Apple Inc., Vivo, Honor, OPPO, Xiaomi.
Mặc dù tác động trực tiếp đến thị trường của lệnh cấm hoàn toàn đối với hoạt động xuất khẩu của Huawei có thể bị hạn chế do số lượng các giao dịch của Huawei ở Mỹ ngày càng giảm, nhưng nó có thể báo hiệu sự xấu đi hơn nữa trong quan hệ Mỹ-Trung.
Kể từ khi Huawei bị đưa vào Danh sách thực thể, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ ngày càng lo ngại về các chính sách của Trung Quốc và mối đe dọa lớn hơn mà Trung Quốc gây ra cho các lợi ích của phương Tây. Đối với nhiều nhà hoạch định chính sách, sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra nhấn mạnh thêm những rủi ro an ninh quốc gia đối với Mỹ do sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các lĩnh vực quan trọng trong ngành truyền thông.
Những lo ngại đó càng được nhấn mạnh khi ông Biden bổ nhiệm Thea Kendler, một luật sư có liên quan đến vụ truy tố hình sự Huawei và giám đốc tài chính của họ là bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu), làm Trợ lý bộ trưởng quản lý công việc xuất khẩu tại Bộ Thương mại. Đây là cơ quan then chốt quản lý việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước đã leo thang trong những tháng gần đây khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu với nhau bằng một loạt chính sách trừng phạt qua lại. Bộ Thương mại Mỹ đã xem xét Quy tắc cuối cùng về kiểm soát xuất khẩu của Huawei. Bộ Thương mại vào tháng 9 năm ngoái đã ban hành Quy tắc cuối cùng (tạm thời) để lấy ý kiến và dự kiến sẽ ban hành Quy tắc cuối cùng chính thức trong vài tháng tới.
|
Ông Michael McCaul, tân Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ (Ảnh: AP). |
Ngoài ra, theo trang Politico, chính quyền Biden cũng đang xem xét áp đặt các hạn chế rộng hơn đối với đầu tư công nghệ vào Trung Quốc. Tin này được Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michael McCaul, tân Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và một số nhà lập pháp khác, cũng như các cựu quan chức an ninh quốc gia tiết lộ.
Ông McCall cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông vào tuần trước rằng chính quyền Biden đang lên kế hoạch cấm hoàn toàn đầu tư vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ cao. McCall cho biết trong các cuộc họp gần đây của ông với các quan chức chính phủ liên bang, họ đã nói về các lệnh cấm toàn diện trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, mạng, truyền thông 5G và chất bán dẫn tiên tiến.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng đã không trả lời yêu cầu bình luận của giới truyền thông, nhưng nhấn mạnh rằng những gì chính quyền muốn làm chủ yếu là hạn chế thương mại trong các lĩnh vực có thể gây nguy hiểm cho an ninh của Hoa Kỳ.
Politico nhận xét rằng mặc dù các hạn chế đang được xem xét chỉ liên quan đến một số lĩnh vực công nghiệp, nhưng lệnh cấm hoàn toàn trong các lĩnh vực này vẫn là hành động gay gắt nhất ở Mỹ cho đến nay.