|
Quân đội Philippines (ảnh minh họa) |
Những cảnh báo được truyền thông Hoa Kỳ trích dẫn cũng nhấn mạnh sự ảnh hưởng khó khăn đến việc huấn luyện lại một đội quân đã quá quen làm việc với Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu tại Manila hôm 4/10, ông Rodrigo Duterte nói Hoa Kỳ không muốn bán tên lửa và các loại vũ khí khác cho Philippines, nhưng Nga và Trung Quốc đã ngỏ lời là có thể cung cấp võ khí dễ dàng cho Manila.
Đây là phát biểu mới nhất trong loạt những lời lẽ đối nghịch với Hoa Kỳ khơi dậy những ngờ vực về mối quan hệ đồng minh lâu năm quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á trước một Trung Quốc đang trỗi dậy bất thường.
Lãnh đạo Philippines phẫn nộ vì Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về chiến dịch bài trừ ma túy tại Philippines, ông Duterte đã gọi Tổng thống Barack Obama là "đứa con hoang" và đe dọa ngưng tập trận chung với Washington.
Ngày 4/10, chính quyền Mỹ cho hay nước này chưa nhận được liên lạc nào chính thức từ chính quyền Duterte liên quan đến thay đổi mối quan hệ.
Mỹ là nước cung cấp vũ khí trang bị lớn nhất cho Philippines, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm được đài VOA trích dẫn.
Philippines cũng là nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận nhiều quỹ tài trợ của Mỹ nhất, dưới chương trình Viện trợ Tài chính Quân sự Nước ngoài.
Chương trình này do Mỹ cung cấp để giúp các nước mua vũ khí và thiết bị do Mỹ sản xuất. Trong năm tài khóa 2015, Manila nhận 50 triệu USD từ chương trình này.
Như vậy, với sự chuyển hướng mà ông Duterte nhắc tới, quân đội Philippines sẽ phải mất nhiều năm để điều chỉnh sự tập trung vào công nghệ vũ khí của Nga và Trung Quốc, theo giáo sư Richard Javad Heydarian thuộc đại học De La Salle ở Manila.
Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề hàng hải Trung Quốc thuộc trường Navy War College của Mỹ, Lyle Goldstein, cho rằng không đơn giản là mua một radar từ nước này rồi dùng với một phi đạn từ nước khác, các loại vũ khí phải vận hành phù hợp với nhau.
Ông Lyle Goldstein cũng lưu ý là nhiều sĩ quan Philippines được đào tạo ở Mỹ, nối liền văn hóa quân sự giữa hai nước chặt chẽ.