|
Biên đội Su-30SM làm nhiệm vụ trở về căn cứ tại Syria |
Vụ sáp nhập Crimea năm 2014 và “cuộc xâm chiếm tàng hình” đông Ukraine cũng như chiến dịch quân sự của Nga hậu thuẫn chế độ tổng thống Syria Bashar al-Assadtại Syria là những biểu hiện xu thế quyết đoán trong chính sách chiến lược và đối ngoại Nga.
Trong hơn nửa thập kỷ qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát quá trình tái cơ cấu và hiện đại các lực lượng vũ trang Nga, cung cấp một liều thuốc bổ cho cả năng lực chiến đấu cũng như độ tin cậy.
Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây bỉ bai rằng chương trình cải tổ quân đội Nga sẽ chỉ tạo ra một con hổ giấy hoặc chương trình cải tổ đã thất bại hoàn toàn. Chương trình hiện đại hoá quân đội Nga do tổng thống Putin và bộ trưởng quốc phòng Anatoliy Serdyukov phát động sau cuộc chiến Georgia năm 2008, đã tăng cường năng lực tác chiến của quân đội Nga vào thời điểm quân đội nhiều nước chủ chốt trong NATO đối mặt với cắt giảm ngân sách và thu hẹp lực lượng vũ trang.
Quân đội Nga ngày nay được trang bị tốt hơn và có khả năng tiến hành các chiến dịch tác chiến hiện đại hơn bất cứ thời điểm nào kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ khiến các nhà phân tích phương Tây kinh ngạc.
Chắc chắn một số chỉ trích đã đúng: chương trình chế tạo siêu tàu sân bay mà không có xưởng đóng tàu và các cơ sở hỗ trợ cần thiết để xây dựng và duy trì chúng khiến dự án chưa đi đến đâu; chương trình chế tạo loại máy bay ném bom chiến lược Tu-160M2 mới và hơn 2.000 siêu tăng Armata có vẻ không khả thi...Với việc giá dầu lao dốc thê thảm, khả năng Nga không thể thúc đẩy xa hơn những cải cách lớn.
Đồng thời, mặc dù một số thành viên gần đây có tăng ngân sách quốc phòng, hầu hết thập kỷ qua chứng kiến nhiều quốc gia thành viên NATO thu hẹp quy mô lực lượng vũ trang và loại bỏ bớt năng lực. Thái độ quyết đoán của Moscow ở “biên giới gần” và Syria đã thúc đẩy việc đánh giá lại năng lực của không chỉ NATO mà còn cả của Nga.
Hoạt động của hải quân Nga, đặc biệt tại lực lượng tàu ngầm Hạm đội phương Bắc, ở mức cao nhất từ năm 1991, đang thúc đẩy Mỹ tái phát triển các cơ sở tại Keflavik ở Iceland để hỗ trợ hoạt động của máy bay P-8A Poseidon mới. Cuộc tập trận quy mô lớn theo phong cách Liên Xô như cuộc tập trận cách đây hai tuần tại quân khu phía nam đã được bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Các máy bay ném bom chiến lược Nga đã tăng cường tuần suất và tầm hoạt động. Những hoạt động của “những người lịch sự” tại Crimea cho thấy tính hiệu quả của lực lượng đặc nhiệm Nga tăng lên. Và chiến dịch phối hợp tác chiến chung quy mô tại Syria với khả năng giám sát, bắn phá và tiếp vận trên mặt đất, trên biển và trên không là minh chứng về năng lực tác chiến chín muồi của Nga.
Nga cũng là một tay chơi mạnh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các cuộc tập trận quy mô lớn giữa quân đội Nga và Trung Quốc cũng như hợp tác trong lĩnh vực chiến tranh mạng, việc thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra ngoài khơi Guam và thậm chí bờ biển phía tây nước Mỹ, cũng như chiến hạm Nga xuất hiện ở bờ đông Úc trong thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G-20 đã chứng thực điều này.
Xa hơn nữa, hồi tháng 1/2016, Nga thông báo đã chuyển giao một lượng vũ khí cho quân đội Fiji cho thấy sự hiện diện chiến lược tại khu vực nam Thái Bình Dương của Moscow đang gia tăng.
Chiến dịch quân sự can thiệp vào Syria là một ví dụ về mâu thuẫn lợi ích chiến lược giữa Úc và Nga, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quân sự Úc phải tính đến những ý đồ và năng lực của Nga. Không quân Hoàng gia Úc thực hiện tác chiến trong một khu vực có sự hiện diện không chỉ của các chiến đấu cơ hiện đại và đáng gờm nhất của Nga như Su-35 và Su-34, mà còn cả hệ thống phòng không S-400.
Sự hiện diện của Úc và Nga tại Trung Đông là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng tác động của chương trình hiện đại hoá quân đội Nga có thể được cảm nhận trong kế hoạch quốc phòng Úc. Sách trắng Quốc phòng Úc xem xét toàn diện ảnh hưởng chương trình cải tổ quân đội Nga, năng lực cũng như sự hiện diện tại Thái Bình Dương. Nó cũng phản ánh về chiến dịch can thiệp của Nga tại Syria và tác động của các động thái của Moscow đối với sự phát triển chính sách quốc phòng và chiến lược của Úc.
* Bài viết đăng trên National Interest và Strategist của tác giả Mitchell Yates, nghiên cứu sinh Đại học Tây Sydney