|
Ngày 10/5/2016, tàu khu trục USS William P. Laurence tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Nguồn ảnh: USNI. |
Tuần báo International Herald Leader, một ấn phẩm phụ của Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 22/5 cho rằng vào hạ tuần tháng 4/2016, trong phiên điều trần ở Thượng viện, ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Thượng viện Mỹ thúc giục Chính phủ Mỹ tăng tần suất hành động tự do hàng hải.
Bob Corker nêu quan điểm: "Ngẫu nhiên thực hiện hành động tự do hàng hải chỉ mang tính biểu tượng... Tại sao chúng ta không thể hàng tuần hoặc hàng tháng triển khai một hành động như vậy?".
Tương tự, gần đây, giới chính trị và giới học giả của Mỹ đều nhiều lần lên tiếng thúc giục Chính phủ Mỹ gia tăng cường độ hoạt động và tuần tra thường xuyên Biển Đông.
Bài viết cho rằng từ khi tình hình Biển Đông nóng lên vào năm 2015, Hải quân Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, làm gia tăng sự bất mãn của Bắc Kinh. Nhưng nội bộ Mỹ còn nhiều người yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch này hơn nữa.
Từng bước nâng cấp thành tuần tra thường xuyên
Theo bài viết, ngoài các chiến dịch tự do hàng hải, từ năm 2015 đến nay, Mỹ chủ yếu sử dụng các biện pháp quân sự sau: Tàu chiến và máy bay tiến hành đến gần trinh sát (nhưng không đi vào vùng biển hoặc vùng trời 12 hải lý); biên đội tàu chiến mặt nước cỡ lớn như cụm chiến đấu tàu sân bay đi lại và khẳng định hiện diện; máy bay "bay nhầm" vào vùng trời đảo đá.
Nhìn vào cách làm của Mỹ ở các vùng biển khác trên thế giới trước đây, Mỹ còn có nhiều biện pháp khác về mặt quân sự.
Chẳng hạn, nhiều tàu chiến tiến hành chiến dịch tự do hàng hải. Mỹ sử dụng không nhiều tàu chiến để thực hiện các hành động tự do hàng hải, hiện chỉ có 7 chiếc.
Thủy thủ trên các tàu chiến này được đào tạo chuyên môn trên các phương diện như luật pháp quốc tế, ngoại giao quân sự, hiểu rõ những kỹ năng và rủi ro thực hiện loại nhiệm vụ này.
Cho đến nay, trong các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, Mỹ đều chỉ sử dụng một chiếc tàu chiến. Nhưng, trong tương lai, Mỹ hoàn toàn có khả năng sử dụng biên đội hai tàu chiến hoặc nhiều tàu chiến.
Khi đó, mặc dù tính chất pháp lý của "tự do hàng hải" tương đồng với những lần trước, nhưng ý nghĩa chính trị, quân sự và dư luận của các chiến dịch này chắc chắn sẽ được nâng cấp.
Ngoài ra, về thời gian tuần tra, trước đây, thời gian một chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ thường tính bằng “giờ”, nhưng trong tương lai, tàu chiến Mỹ có thể tiến hành hoạt động dài hơn, chẳng hạn, tàu chiến Mỹ có thể tiến hành hoạt động tính theo “ngày” ở vùng biển 12 hải lý hoặc chạy đi chạy lại ở xung quanh tuyến 12 hải lý.
Bài viết cho rằng tính chất pháp lý của cách làm này sẽ không thay đổi, nhưng sẽ "làm tăng tính căng thẳng của tình hình". Đề xuất tăng tần suất tuần tra của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cũng là một phương án để lựa chọn.
Tuy nhiên, báo Trung Quốc nghi ngờ về "hiệu quả" nếu Mỹ tăng tần suất tuần tra, vì cho rằng hoạt động này sẽ ngày càng giảm "độ nhạy cảm", gây nhàm đối với giới truyền thông. Bài viết lấy ví dụ Mỹ cũng từng triển khai rất nhiều các hành động tương tự trong thời kỳ đối đầu Mỹ - Xô trước đây.
Tiếp theo, Mỹ nâng cấp các hành động trinh sát cự ly gần của máy bay tuần tra. Do Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ có thể gia tăng mức độ trinh sát trên không đối với khu vực này.
Chẳng hạn, các máy bay có khả năng hoạt động liên tục tương đối mạnh như máy bay trinh sát điện tử EP-3 Mỹ tiến hành bay trinh sát thời gian dài ở dọc các tuyến nhạy cảm, quỹ đạo bay có thể ở ngoài 12 hải lý, cũng có thể xuất hiện các trường hợp "đá chạm bóng".
Nếu áp dụng phương án trên, tờ báo Trung Quốc cho rằng Quân đội Mỹ chắc chắn sẽ "kích động xấu đi tình hình". Nhưng nhìn vào logic hành động từ năm 2015 đến nay của Mỹ, có thể khẳng định, Mỹ hoàn toàn có khả năng nâng cấp các hành động này.
Ngoài ra, biên đội tàu chiến cỡ lớn như cụm tấn công tàu sân bay Mỹ cũng có thể tiếp tục đến Biển Đông. Nhưng năm 2016 đã không phải là năm 1996. Nếu muốn tiến hành răn đe Trung Quốc, chỉ sử dụng 1 - 2 cụm tấn công tàu sân bay sẽ không có tác dụng rõ rệt, tờ báo Trung Quốc tự tin.
Có thể tiến hành tuần tra liên hợp
Bài viết nhận định một phương án hành động khác của Mỹ ở Biển Đông đó là tuần tra liên hợp. Đến nay, các hành động tự do hàng hải của Mỹ đều do tàu chiến Mỹ độc lập tiến hành. Nhưng trong tương lai, không loại trừ Quân đội Mỹ sẽ phối hợp với các nước khác tổ chức cho tàu chiến triển khai các hành động liên hợp.
Những nước nào có thể tham gia hành động liên hợp này? Theo bài viết, những nước này bao gồm Nhật Bản, Australia, Philippines. Năm nay, tàu chiến Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã nhiều lần đến Biển Đông để “làm quen”.
Nếu Mỹ và Nhật tổ chức biên đội tàu chiến tiến hành tuần tra liên hợp, tương tự hoạt động tự do hải hành ở các đảo đá Biển Đông thì đó sẽ là một "nhân tố quan trọng" khuấy động tình hình, bài viết suy diễn
Đồng thời, nếu tàu chiến các nước Mỹ, Nhật Bản và Philippines tổ chức thành các biên đội tiến hành tuần tra liên hợp ở Biển Đông, cho dù họ không đi vào vùng biển 12 hải lý, thì việc đó sẽ cổ vũ cho Philippines trong vấn đề Biển Đông, bài viết lo ngại.
Về phương thức tuần tra, tàu chiến của Quân đội Mỹ, Quân đội Australia và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có tính năng gần nhau, trình độ huấn luyện tương tự, việc tổ chức chúng thành biên đội liên hợp tương đối dễ dàng.
Trong khi đó, tính năng các tàu chiến hiện có của Hải quân Philippines hạn chế, rất khó tham gia nhiệm vụ tuần tra có những đòi hỏi nhất định về tính năng.
Ngoài ra, cũng có những hành động tuần tra liên hợp không thể không chú ý tới. Đó chính là tuần tra liên hợp của tàu thực thi pháp luật. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sở hữu tàu tuần tra biển xa lượng giãn nước vài nghìn tấn, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật bản sở hữu tàu tuần tra cỡ lớn lượng giãn nước gần 10.000 tấn.
Mỹ, Nhật Bản nếu sử dụng những tàu thực thi pháp luật này tiến hành tuần tra Biển Đông sẽ chỉ liên quan đến những quy định của luật pháp quốc tế khác với quy định áp dụng cho tàu chiến.
Theo quy định của luật pháp quốc tế, trong trường hợp nhất định, tàu công vụ chính phủ có quyền đi qua vô hại trong phạm vi 12 hải lý, vậy không loại trừ khả năng Mỹ, Nhật sẽ dựa vào căn cứ pháp lý này, sử dụng loại tàu này để triển khai các hoạt động tiếp theo ở Biển Đông.
Về tổng thể, hoạt động của Mỹ ở Biển Đông có hai không gian nâng cấp: Một là dựa vào lực lượng trên biển, trên không của Mỹ, thông qua các biện pháp như gia tăng thời gian hoạt động, nâng cao cường độ hoạt động, thay đổi tính chất hoạt động để phô trương sức mạnh.
Hai là liên kết với nhiều nước hơn, thông qua các phương thức như tuần tra liên hợp đa quốc gia, khẳng định sự đoàn kết với các đồng minh và khẳng định "lập trường của cộng đồng quốc tế".
Cuộc chiến về quân sự, ngoại giao, an ninh và dư luận ở Biển Đông có thể sẽ còn kéo dài - bài viết kết luận.