Quân đội Mỹ “bắt sống” các thiết bị quân sự tiên tiến của Trung Quốc và Nga tại Libya

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quan hệ giữa Trung Quốc-Mỹ-Nga luôn đề phòng và kiềm chế lẫn nhau. Gần đây, quân đội Mỹ đã thu được các thiết bị quân sự tiên tiến của Trung Quốc và Nga ở Libya và đưa về nước tiến hành các hoạt động bí mật.
Hệ thống phòng không hiện đại Pantsir-S1 của Nga ở Libya (Ảnh: Dwnews).
Hệ thống phòng không hiện đại Pantsir-S1 của Nga ở Libya (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) ngày 29/1, các nguồn tin ngày 28/1 cho biết, quân đội Mỹ gần đây đã thu được hệ thống phòng không “Панцирь-С1” (Pantsir-S1, NATO gọi là SA-22 Greyhound hoàn chỉnh của Nga từ Libya và rất có thể cũng đã thu được xác của một máy bay không người lái Dực Long (Yilong hay “Wing Loong”) của Trung Quốc cũng đã xuất hiện trên chiến trường Libya.

Theo các nguồn tin, điều này sẽ giúp Mỹ tìm hiểu thông tin tình báo kỹ thuật của thiết bị của Nga và Trung Quốc, cũng như nắm được tình hình vật liệu và chất lượng sản xuất để phân tích khả năng công nghiệp quân sự của Nga và Trung Quốc.

Theo truyền thông Anh đưa tin, chiến dịch bí mật này diễn ra vào tháng 6/2020, khi một máy bay vận tải C-17A Global Overlord III của Không quân Mỹ cất cánh từ sân bay quốc tế Zuwara ở phía tây thủ đô Tripoli của Libya có tin cho rằng nó chở theo một hệ thống phòng không Pantsir-S1 thu được trên chiến trường, sau đó bay đến căn cứ không quân Ramstein ở Đức rồi bay tiếp về Mỹ.

Hệ thống Pantsir-S1 được vận chuyển từ Libya về Mỹ (Ảnh: Dwnews).

Hệ thống Pantsir-S1 được vận chuyển từ Libya về Mỹ (Ảnh: Dwnews).

Hiện tại, vẫn chưa rõ hệ thống Pantsir-S1 loại nào đã được gửi tới Mỹ, nhưng trong tay Quân đội Quốc gia Libya (Libyan National Army, LNA) có nhiều thiết bị loại này do UAE cung cấp.

Hệ thống phòng không Pantsir-S được gồm 12 tên lửa đất đối không 57E6E và 2 pháo 30mm. Kíp pháo thủ có thể sử dụng radar tích hợp của hệ thống và các cảm biến theo dõi hồng ngoại tầm xa để nhắm bắn các mục tiêu là mối đe dọa trên không. Pháo 30mm cũng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất. Điểm khác biệt lớn nhất so với các hệ thống phòng không truyền thống là Pantsir-S1 có thể đồng thời sử dụng tên lửa và pháo bắn nhanh để cùng lúc tấn công 4 mục tiêu khác nhau khi đang di chuyển với tốc độ 30 km/h.

Theo báo cáo hồi năm 2019 của Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, một UAV không được nói rõ của quân đội Mỹ, có thể là loại MQ-9 Reaper, đã bị hệ thống phòng không do Nga sản xuất bắn hạ gần Tripoli. Khi đó người ta nghi ngờ chiếc máy bay không người lái của quân đội Mỹ đã bị hệ thống Pantsir-S1 của Nga bắn hạ.

UAV Wing Loong của Trung Quốc từng làm mưa gió trên chiến trường Libya (Ảnh: Dwnews).

UAV Wing Loong của Trung Quốc từng làm mưa gió trên chiến trường Libya (Ảnh: Dwnews).

Trong nội chiến Libya, các tổ hợp Pantsir-S1 vận hành bởi lực lượng của tướng Khalifa Haftar (Quân đội quốc gia Libya, LNA) đã tiêu diệt hàng chục máy bay không người lái hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vòng 5 tháng, từ tháng 11/2019 tới tháng 3/2020, các tổ hợp Pantsir-S1 đã bắn hạ 16 chiếc máy bay không người lái hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ. Tính từ tháng 4/2019 tới tháng 4/2020, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mất hơn 90 máy bay không người lái ở Libya; riêng trong tháng 4/2020, Quân đội Quốc gia Libya LNA đã bắn hạ 13 chiếc UAV của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 13/11/2019, theo Bộ trưởng nội vụ Libya, một tổ hợp Pantsir thuộc lực lượng LNA của Khalifa Haftar đã bị không quân Libya tiêu diệt. Ngày 15/5/2020, trong một cuộc tấn công của lực lượng chính phủ vào căn căn cứ chiến lược Al-Watiya, phía tây nam Tripoli, 2 hệ thống Pantsir-S1 khác của lực lượng Khalifa Haftar bị máy bay không người lái tiêu diệt, 1 hệ thống Pantsir khác bị tịch thu sau khi căn cứ này bị thất thủ. Có lẽ hệ thống này đã được trao cho người Mỹ.

UAV Wing Loong tại Hội chợ hàng không quốc tế Dubai (Ảnh: Dwnews).

UAV Wing Loong tại Hội chợ hàng không quốc tế Dubai (Ảnh: Dwnews).

Từ lâu, chính phủ Mỹ đã tìm mọi cách thu thập và mua các trang thiết bị của các nước thù địch trên thị trường công khai, đặc biệt là máy bay và hệ thống phòng không, để sử dụng chúng cho mục đích nghiên cứu, thử nghiệm và huấn luyện cách đánh. Việc sở hữu một bộ hoàn chỉnh hệ thống phòng không mới nhất của Nga với tất cả các chức năng có thể giúp quân đội Mỹ kiểm tra các thông số cụ thể và đưa ra các biện pháp đối phó.

Ngoài ra, UAV Dực Long (Wing Loong) của Trung Quốc cũng đã tham gia vào cuộc nội chiến Libya. Giống như hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga, UAV trinh sát Wing Loong-II do Trung Quốc sản xuất cũng được quân đội UAE mua từ Trung Quốc và chuyển giao cho Quân đội Quốc gia Libya.

UAV Wing Loong do Trung Quốc sản xuất một dạo đã từng chiếm ưu thế trong không chiến ở Libya, và với sự trợ giúp của ưu thế trên không UAV đã giúp Quân đội Quốc gia Libya giành chiến thắng áp đảo trên chiến trường mặt đất.

Vào ngày 13/12/2019, Quân đội Quốc gia Libya, đang tấn công các lực lượng chính phủ, thông báo rằng họ đã sử dụng Wing Loong để phá hủy một số lượng lớn vũ khí do Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao cho quân chính phủ.

Wing Loong-I cùng "đồ chơi" tại Triển lãm hàng không Chu Hải (Ảnh: Dwnews).

Wing Loong-I cùng "đồ chơi" tại Triển lãm hàng không Chu Hải (Ảnh: Dwnews).

Trong cuộc nội chiến Libya vào năm 2020, "lực lượng chính phủ" do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và "lực lượng quốc gia" được hỗ trợ bởi Nga, Pháp, Ai Cập, Jordan và UAE từng sử dụng máy bay không người lái để tấn công lẫn nhau. Quân đội Quốc gia LNA nhận được sự hỗ trợ Wing Loong-II từ UAE đã chiếm gần như toàn bộ lãnh thổ Libya. Nhiều máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá hủy tại sân bay trước khi chúng có thể cất cánh. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đích thân can thiệp vào cuộc chiến và phá hủy UAV của LNA bằng tên lửa phóng từ hộ vệ hạm, tình hình lại đảo ngược, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái Wing Loong, và xác của những máy bay không người lái này có thể đã được chuyển đến Mỹ giống như hệ thống phòng không Pantsir-S1.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Không quân Mỹ đã thành lập một phi đội tuyệt mật gọi là "Chim ưng đỏ". Phi đội này được trang bị các máy bay của các nước thù địch với Mỹ được nhập lậu từ nước ngoài hoặc vận chuyển đến Mỹ bằng các biện pháp khác nhau, bao gồm cả mảnh xác một số máy bay bị phá hủy để tiến thử nghiệm và huấn luyện.

Phân tích cho rằng, bất kể quân đội Mỹ thu được hệ thống Pantsir-S1 và UAV Wing Loong ở đâu, một điều chắc chắn rằng các nhà phân tích tình báo Mỹ đã tận dụng mọi cơ hội có thể để thu thập bất kỳ thông tin nào mà họ có thể có được để tìm cách khắc chế chúng.