Quan chức dưới quyền hóa "người khuyết tật", Tổng công tố Ukraine xin từ chức

Nhiều công tố viên Ukraine bị nghi lạm dụng quyền hạn để trở thành người tàn tật nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự, khiến dư luận phẫn nộ. Ngày 22/10, Tổng công tố Andrei Kostin đã tuyên bố từ chức, nhận trách nhiệm về vụ bê bối.
Ông Andrei Kostin, Tổng công tố Ukraine, vừa tuyên bố từ chức hôm 22/10 (Ảnh: Guancha).

Số lượng công tố viên là người khuyết tật nhiều bất thường

Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng diễn ra ác liệt, để có được quân số chiến đấu, Ukraine đã tăng cường nỗ lực huy động người nhập ngũ, thậm chí có trường hợp vây bắt nam thanh niên ngay sau buổi biểu diễn ca nhạc.

Trong lúc đó, theo tin từ ReutersPolitico phiên bản châu Âu, tuần trước, một nhà báo Ukraine đã công bố một bài báo cho biết có tới 50 công tố viên ở vùng Khmelnytsky miền Tây Ukraine đã được đăng ký là người khuyết tật để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Vụ bê bối đã gây phẫn nộ trong dư luận cả nước. Sau đó, Văn phòng Tổng công tố Ukraine tuyên bố mở cuộc điều tra.

Kết quả điều tra cho thấy có 61 công tố viên ở khu vực này là người khuyết tật, 50 người trong số họ đã được đăng ký là người khuyết tật ngay trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. “Điều quan trọng là phải xác định lý do tại sao họ được xếp vào diện người khuyết tật, bởi vì tỷ lệ người khuyết tật như vậy là rất cao ở vùng Khmelnytsky”, Tổng công tố Andrei Kostin nói.

Một quan chức bị bắt vì nhận tiền để giúp người khác trốn nghĩa vụ quân sự (Ảnh: Sohu).

Ngày 22/10 theo giờ địa phương, Cục An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) cho biết, trong cuộc điều tra hình sự năm 2024, có 64 thành viên của ủy ban y tế địa phương được liệt vào danh sách nghi phạm và 9 người khác bị kết tội. Người đứng đầu bộ phận điều tra cho biết, khoảng 4.000 giấy chứng nhận khuyết tật đã bị hủy sau khi thẩm tra lại.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra tuyên bố trên mạng xã hội, cho rằng Tổng công tố viên (Viện trưởng Kiểm sát quốc gia) phải chịu trách nhiệm chính trị về tình hình tại các cơ quan công tố Ukraine. Ít phút sau, ông Kostin đưa ra tuyên bố từ chức. Ông nói việc giả mạo là người khuyết tật "rõ ràng là phi đạo đức".

"Tôi cảm ơn ngài Tổng thống và Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine vì sự tin tưởng mà họ đã đặt vào tôi, nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ việc tuyên bố từ chức Tổng công tố viên là đúng đắn", ông nói.

Trước đó cùng ngày, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đã tổ chức một cuộc họp, trong đó chủ yếu thảo luận về cách chống tham nhũng và lợi dụng sơ hở để trì hoãn việc nhập ngũ. Tại cuộc họp, ông Zelensky yêu cầu rà soát lại tất cả các giấy chứng nhận người khuyết tật và trình tự thủ tục xác định.

Trong bài phát biểu video buổi tối của mình, ông Zelensky lưu ý rằng “có hàng trăm trường hợp người khuyết tật rõ ràng là không chính đáng, không chỉ trong các công tố viên, mà còn cả trong các quan chức hải quan và thuế, trong hệ thống lương hưu, trong các chính quyền địa phương. Tất cả những trường hợp này phải được xử lý cẩn thận và nhanh chóng”.

Cảnh sát đột ngột kiểm tra và bắt lính sau buổi biểu diễn ca nhạc ở Cung thể thao Kiev (Ảnh: Sohu).

Để đối phó với tình trạng thiếu quân số trầm trọng, vào tháng 4 năm nay ông Zelensky đã ký một dự luật nhằm áp dụng các hình phạt khắc nghiệt hơn đối với những người trốn tránh quân dịch. Tuy nhiên, khi Ukraine tăng cường nỗ lực huy động, nhiều hoạt động bất hợp pháp sử dụng giấy tờ y tế giả để giúp nam giới trốn nghĩa vụ quân sự cũng ngày càng gia tăng.

Theo bài viết của "Kiev Independent", ngày 8/10, cảnh sát Ukraine cho biết người đứng đầu một trung tâm chuyên gia y tế và xã hội liên khu vực ở Kiev bị cáo buộc cấp giấy tờ giả về khuyết tật. Tuyên bố cho biết, các tài liệu giả mạo đã tạo điều kiện cho phép nam giới trong độ tuổi lao động trì hoãn việc đi lính và ra nước ngoài.

Những thủ đoạn trốn tránh đi lính

Ngoài việc làm giả giấy tờ y tế, còn có những người đàn ông Ukraine khác trốn ở nhà hoặc chọn cách rời khỏi Ukraine để trốn nghĩa vụ quân sự.

Tờ New York Times hồi tháng 6 đưa tin rằng lo ngại việc nhập ngũ sẽ là "tấm vé một chiều" dẫn đến chiến hào đẫm máu ở tiền tuyến, nhiều người đàn ông Ukraine đã trốn trong nhà suốt ngày để tránh mặt các quan chức đi lang thang trên đường phố bắt lính.

Tình trạng thiếu quân số đang rất nghiêm trọng ở Ukraine (Ảnh: Sohu).

Một người được phóng viên báo này phỏng vấn cho biết ban đầu anh ta không đến trung tâm Kiev để tránh bị đội bắt lính kiểm tra giấy tờ. Sau này vì gần đó có người đi tuần nên anh ta không dám đến phòng tập thể thao. Giờ đây, anh ta dành phần lớn thời gian tự nhốt mình trong căn hộ, thường xuyên sử dụng ống nhòm để theo dõi những người bắt lính đưa các hành khách rời khỏi các ga tàu điện ngầm xung quanh. “Họ hiện diện ở khắp mọi nơi và tôi cố gắng tránh bị bắt, nhưng tôi không chắc điều đó có được hay không”, người này cho hay.

Bài viết chỉ ra rằng kể từ khi bắt đầu bùng phát xung đột Nga-Ukraine, hệ thống quân dịch của Ukraine tương đối hỗn loạn và tham nhũng. Theo báo này, không có thủ tục rút thăm trong hệ thống tuyển lính của quân đội Ukraina, chiến lược của chính phủ là đưa ra các thông báo bắt một cách ngẫu nhiên trong các tòa nhà chung cư và trên đường phố, đồng thời coi việc không nhận thông báo tuyển lính là hành vi phạm pháp.

Theo báo cáo, hàng nghìn người đã trốn khỏi Ukraine để trốn tránh nghĩa vụ quân sự trước đợt huy động quân dịch mới nhất, một số người trong số họ đã bơi qua một con sông giữa Ukraine và Romania.

Hồi tháng 5, một người đàn ông Ukraine 44 tuổi đã cải trang thành phụ nữ và cố gắng vượt biên trái phép sang Romania. Lực lượng biên phòng Ukraine khi đó cho biết người đàn ông 44 tuổi, cư dân thành phố Zolotonosha của Ukraine, đã xuất trình hộ chiếu của người em gái ông tại một trạm kiểm soát ở tỉnh Transcarpathia. Ông ta đã mặc váy, trang điểm và đội tóc giả hòng qua mặt lính biên phòng.

Vào tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng bãi chức người đứng đầu tất cả các văn phòng tuyển lính các khu vực ở Ukraine và một bộ phận quan chức tuyển lính sẽ được đưa ra tiền tuyến chiến đấu.

Ông cho biết qua xem xét các văn phòng tuyển quân Ukraine đã phát hiện ra các dấu hiệu lạm dụng nghề nghiệp, bao gồm nhận tiền bất hợp pháp và cho phép những người đủ điều kiện nhập ngũ ra khỏi đất nước bất chấp lệnh cấm thời chiến. Ông cho biết các sĩ quan bị sa thải sẽ được thay thế bằng những người lính đã từng phục vụ ở tiền tuyến hoặc đã bị thương trong chiến đấu vì "họ có thể được tin cậy giao phó hệ thống tuyển binh".

Tân binh độ tuổi 45-50 hiện khá nhiều (Ảnh: Sohu).

Người trốn lính bị trừng phạt nghiêm khắc

Khoảng 1.300 người Ukraine đã bị ra tòa vào năm ngoái vì trốn nghĩa vụ quân sự, nhưng các quan chức thừa nhận đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Hệ thống bắt lính nhằm mục đích bù đắp cho việc thiếu người nhập ngũ tự nguyện, nhưng hệ thống này rõ ràng là không hoạt động và việc thực thi của cảnh sát còn lỏng lẻo, chủ yếu chỉ gồm các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên và các tiêu chuẩn thì không nhất quán trên cả nước.

Ukraina có 680.000 quân đang tại ngũ, trong đó có khoảng 200.000 quân ở tiền tuyến. Tổng thống Zelensky cuối năm ngoái cho biết sẽ cần thêm 450.000 đến 500.000 quân vào năm 2024 để chống lại Nga. Trong nhiều tuần, Quốc hội Ukraine đã xem xét thông qua luật động viên mới nhằm hạ độ tuổi nhập ngũ tối thiểu từ 27 xuống 25.

Dự thảo luật mới này đã được viết lại nhiều lần, nhưng do một số điều khoản về hình phạt bị coi là vi hiến nên hiện đang bị mắc kẹt tại Quốc hội và không có tiến triển gì. Những điều khoản trừng phạt này bao gồm hạn chế quyền sở hữu của người trốn lính, tịch thu ô tô của người trốn lính, đóng băng tài khoản ngân hàng của người trốn lính...

Theo Guancha, QQnews