|
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: VOA |
Theo hãng tin AP Mỹ ngày 4/3, người phát ngôn sứ quán Mỹ Molly Koscina cho biết, các quan chức cấp cao Philippines gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre II cùng 3 quan chức an ninh Philippines đã cùng lên tham quan tàu sân bay USS Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ.
Hoạt động tham quan này cho thấy mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa muốn giảm hợp tác với Quân đội Mỹ và tăng cường tiếp xúc với Trung Quốc và Nga, nhưng trao đổi cấp cao giữa các quan chức Philippines và phía Quân đội Mỹ vẫn đang diễn ra.
Theo người phát ngôn Molly Koscina, Đại sứ Mỹ tại Manila là Sung Y. Kim đã cùng đi với các quan chức Philippines lên tham quan tàu sân bay USS Carl Vinson. Họ đã xem các máy bay chiến đấu F-18 cất hạ cánh trên đường băng tàu sân bay, sau đó gặp gỡ sĩ quan chỉ huy Hải quân Mỹ phụ trách tàu sân bay này.
Khi đó, tàu sân bay USS Carl Vinson đang tiến hành hoạt động trên khu vực Biển Đông, một vùng biển đang tồn tại "tranh chấp" giữa nhiều nước xung quanh.
Quan chức Hải quân Mỹ cho biết, Quân đội Mỹ triển khai tàu sân bay này nhằm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Sĩ quan chỉ huy tàu sân bay, Chuẩn Đô đốc James Kilby cho biết: "Chúng tôi sẽ lưu lại ở đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục phô diễn, vùng biển quốc tế là vùng biển mà mỗi người đều có thể đi lại, ai cũng có thể tiến hành hoạt động thương mại ở vùng biển quốc tế".
Thái độ của Chuẩn Đô đốc James Kilby và sự hiện diện của chiếc tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson trên Biển Đông là để trấn an các nước đồng minh của Mỹ.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson mang theo khoảng 5.500 nhân viên quân sự, là một phần của cụm tấn công tàu sân bay Mỹ.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng phi pháp 7 đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), biến chúng thành các đảo nhân tạo. Bắc Kinh thậm chí còn lắp đặt trái phép hệ thống phòng thủ tên lửa trên các đảo này.
Quan chức Trung Quốc tự cho là họ "có quyền" tiến hành xây dựng như vậy trên cái gọi là "lãnh thổ của mình". Họ còn tuyên truyền rằng họ hoàn toàn không có ý "thù địch".
Nhưng, dư luận quốc tế vẫn ngày càng lo ngại đối với các hành động “quân sự hóa” này của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ernest Power, cố vấn cấp cao của chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế ở Washington Mỹ cho rằng: "Tôi nghĩ ai cũng lo ngại vấn đề này: Người Trung Quốc sẽ tìm cách đóng lại tuyến đường hàng hải của Biển Đông? Thái độ của người Mỹ là: Bất kể trong tình huống nào, điều này là không thể chấp nhận đối với cộng đồng quốc tế".
Theo Ernest Power, sau khi ông Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, những phát biểu về Mỹ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã dịu đi. Điều này đã cung cấp cơ hội cho tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc quân sự hơn giữa Mỹ và Philippines.
Ernest Power còn cho rằng, đội ngũ an ninh của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ thể hiện tư thế cứng rắn hơn trong “tranh chấp lãnh thổ” ở khu vực Biển Đông.