|
Tàu ngầm hạt nhân Akula của Nga |
Trước đây, Liên Xô đã sản xuất những tàu ngầm động cơ lớn có thể đi nhanh hơn, có sức hủy diệt mạnh hơn và lặn sâu hơn so với các đối thủ từ phía Mỹ, nhưng hải quân Mỹ vẫn khá tự tin khi cho rằng họ vượt trội hơn tàu ngầm của Nga vì tàu ngầm của Nga gây tiếng ồn. Nếu các siêu cường đụng độ với nhau, tàu ngầm vận hành êm ái hơn của Mỹ sẽ có khả năng phát hiện ra tàu ngầm của Liên Xô trước và tấn công bằng ngư lôi.
Tuy nhiên, niềm tin đó đã bị sụp đổ vào giữa những năm 1980, khi hải quân Liên Xô ra mắt tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân lớp Akula. 30 năm sau, những tàu ngầm này vẫn xuất hiện trong hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga, và thậm chí còn ít gây tiếng ồn hơn cả tàu ngầm của Mỹ, National Interest nhận định.
Thông tin tình báo thu thập vào những năm 1970 đã khiến hải quân Liên Xô tin rằng họ cần phải theo đuổi công nghệ tàng hình đối với tàu ngầm tấn công thế hệ tiếp theo. Sau tàu ngầm lớp Victor và lớp Sierra, việc xây dựng tàu ngầm đầu tiên lớp Akula (có nghĩa là Cá mập) theo Dự án 971 đã bắt đầu vào năm 1983.
Thiết kế mới này được hưởng lợi từ những công nghệ tiên tiến và điều khiển bằng máy tính nhập khẩu từ Nhật Bản và Thụy Điển, cho phép các kỹ sư của Liên Xô trang bị bảy chân vịt hoạt động một cách êm ái.
Tàu Akula với lượng choán nước 13.000 tấn là con tàu có vỏ kép bằng thép điển hình của tàu ngầm Liên Xô, cho phép con tàu này tăng thêm độ chắc chắn và khả năng sống còn lớn hơn. Động cơ đẩy của tàu ngầm này nhằm làm giảm tiếng ồn và những tấm gạch giảm âm cũng được ốp lát ở bề mặt bên ngoài và bên trong tàu ngầm.
Thậm chí các lỗ cho phép nước đi vào bên trong cũng có nắp có thể thu vào để làm giảm tối đa lượng nước thoát ra. Con tàu dài 111 mét này khác biệt nhờ tháp chỉ huy hình chuông và có một phần nhô lên hình giọt nước ở đuôi tàu giúp triển khai thiết bị sonar phát hiện tàu ngầm thụ động. Con tàu này có thể được vận hành trong 100 ngày trên biển chỉ với một thủy thủ đoàn gồm 70 người.
Được vận hành bởi một lò phản ứng hạt nhân công suất 190 MGW, tàu Akula có thể hành trình ở tốc độ 38 dặm/giờ và hoạt động dưới độ sâu 480m, sâu hơn so với tàu ngầm lớp Los Angeles 200m. Tuy gây rắc rối lớn với hải quân Mỹ nhưng tàu ngầm lớp Akula không tàng hình được như tàu ngầm lớp Los Angeless. Tàu ngầm của Mỹ không còn đương nhiên chiếm ưu thế vượt trội nữa, dù các cảm biến của Akula vẫn bị cho là kém hơn.
National Interest cho biết các tàu ngầm lớp Akula I trước đây từng được dự định để tấn công tàu ngầm của hải quân Mỹ, đặc biệt là tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo. 4 ống phóng như lôi 533mm và 4 ống cỡ lớn 650mm có thể trang bị tới gần 40 ngư lôi, thủy lôi hoặc tên lửa chống tàu tầm xa SS- N-15 Starfish và SS-N-16. Tàu ngầm Akula cũng có thể mang tới 12 tên lửa hành trình Granat có khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền ở cách xa 3.000 km.
Các xưởng đóng tàu của Liên Xô đã xuất xưởng 7 tàu ngầm Akula I, trong khi đó hải quân Mỹ đã đẩy mạnh việc xây dựng tàu ngầm lớp Seawolf (Sói biển) để cạnh tranh. Tuy nhiên, ngay cả khi Liên Xô sụp đổ, Nga vẫn triển khai 5 tàu cải tiến lớp Akula I theo Dự án 971U.
Sau đó, Nga tiếp tục triển khai tàu lớp Akula II nặng hơn và dài hơn dưới cái tên Vepr vào năm 1995, tàu ngầm này có hệ thống giảm tiếng ồn hai lớp dành cho tàu điện, hệ thống động cơ giảm xóc và một thiết bị phát hiện tàu ngầm mới. Các biến thể đều có thêm 6 ống dẫn bên ngoài, có thể phóng tên lửa hoặc ngư lôi và hệ thống tên lửa phòng không Strela-3 mới.
Tuy nhiên,theo National Interest, bước nâng cấp quan trọng nhất chính là khả năng tàng hình. Tàu Akula mới hiện đã vận hành êm ái hơn cả tàu lớp Los Angeles cho dù một số chuyên gia vẫn cho rằng tàu Los Angeles vận hành êm hơn ở tốc độ cao. Hải quân Mỹ vẫn vận hành 43 tàu ngầm lớp Los Angeles, cho dù 14 tàu ngầm lớp Seawolf và lớp Virginia mới hơn vẫn được cho là chiếm ưu thế trước Akula.
National Interest cho biết các xưởng đóng tàu của Nga hiện vẫn đang phải cố gắng để hoàn thiện các tàu lớp Akula II, những tàu này không hề rẻ, chỉ một chiếc đã có giá tới 1,55 tỷ USD vào năm 1996 hoặc 2,4 tỷ USD theo giá tiền hiện nay. Nền kinh tế đang khó khăn của Nga khó có thể chi trả được để tiếp tục vận hành các con tàu này.
Hai tàu Akula II đã bị bỏ dở trước khi hoàn thành và ba tàu thì bị chuyển thành tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borei. Sau một thập kỷ xây dựng, tàu Gepard, con tàu hoàn thiện duy nhất lớp Akula III được triển khai vào năm 2001, phô công nghệ tàng hình đỉnh cao của Nga. Bảy năm sau, Mátxcơva cuối cùng cũng đã hoàn thiện con tàu Nerpa lớp Akula II sau 15 năm xây dựng. Tuy nhiên, trong các cuộc thử nghiệm trên biển vào tháng 11/2008, một cuộc báo động hỏa hoạn vô tình xảy ra đã khiến cả tàu ngầm tràn đầy khí gas chữa cháy, khiến 20 người ngộp thở, trong đó phần lớn là dân thường. Đây là sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử thảm họa tàu ngầm.
Sau một đợt sửa chữa tốn kém, tàu Nerpa đã sẵn sàng quay trở lại và nhanh chóng cho Ấn Độ thuê 10 năm với giá 950 triệu USD. Theo INS Chakra, đây là tàu ngầm chạy bằng hạt nhân duy nhất của Ấn Độ, được trang bị tên lửa hành trình Klub tầm ngắn.
Vào tháng 10/2016, Mátxcơva và New Delhi đã nhất trí cho thuê tàu ngầm lớp Akula thứ hai, cho dù vẫn chưa rõ đó là con tàu cũ Kashalot lớp Akula I hay là con tàu mới hoàn thành Iribis lớp Akula II. Tuy nhiên giá tiền thuê là 2 tỷ USD khiến nhiều người dự đoán khả năng cao là con tàu mới hoàn thiện. Trong năm nay, tàu Chakra sẽ tham gia cùng tàu lớp Arihant do Ấn Độ sản xuất, tàu Arihant dựa trên lớp Akula nhưng được cải tạo thành tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.
Hiện nay, hải quân Nga vẫn duy trì 10 đến 11 tàu lớp Akula, nhưng chỉ 3-4 trong số đó là đang hoạt động, trong khi số còn lại đang được sửa chữa. Tuy nhiên, hải quân Nga vẫn để các tàu này hoạt động liên tục. Năm 2009, hai tàu Akula đã được phát hiện ở bờ đông nước Mỹ và được cho là những tàu ngầm hoạt động gần lãnh thổ Mỹ nhất của Nga được nhìn thấy kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Ba năm sau, lại có tuyên bố cho rằng một tàu lớp Akula khác đã lảng vảng hàng tháng trời trên Vịnh Mexico mà không bị phát hiện. Tàu Kashalot cũ thậm chí còn được khen vì có thành tích bám theo một tàu ngầm nước ngoài trong suốt 14 ngày.
Tất cả những sự cố trên đều chỉ ra mối quan ngại rằng hải quân Mỹ cần phải tái tập trung vào nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm. Trong những năm gần đây, Nga đã nâng cấp hạm đội tàu lớp Akula để trang bị tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa này từng được tàu ngầm lớp Kilo Rostov-on-Don phát động tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria vào năm 2015.
Cho dù hiện nay tàu ngầm lớp Akula vẫn chưa sẵn sàng, những tàu này vẫn sẽ tiếp tục chiếm phần lớn trong lực lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân của Nga và sẽ vẫn hoạt động trong thập kỷ tới, cho đến khi Nga sản xuất thành công tàu ngầm lớp Yasen. Cho đến khi đó, các đặc tính tàng hình của Akula vẫn sẽ tiếp tục khiến con tàu này trở thành thách thức đáng gờm với các chuyên gia chiến tranh chống ngầm của Mỹ.