“Quái thú” Pantsir - S1 giúp Việt Nam bảo vệ đảo Trường Sa, tại sao không?

VietTimes -- Chủ đề hệ thống pháo- tên lửa phòng không tầm gần Pantsir-S1 thường xuyên làm nóng các trang mạng xã hội Việt Nam về vấn đề, Việt Nam có các tổ hợp Pantsir-S1 hay không? Phải chăng Spyders của Israel đã thay thế. Thậm chí các báo Nga và trang mạng xã hội VK cũng bình luận nhiều về vấn đề này.
“Quái thú” Pantsir - S1 giúp Việt Nam bảo vệ đảo Trường Sa, tại sao không?

Năm 2014, một tờ báo Trung Quốc đăng tải thông tin về hệ thống phòng không Pantsir-S1 Nga được cho là đang phục vụ trong quân đội Việt Nam, dẫn nguồn từ trang mạng xã hội. Bức ảnh cho thấy Pantsir-S1 đang có mặt tại một nơi nào đó ở Việt Nam. Pantsir-S1 trong hình ảnh là dạng xe kéo có thể cơ động được bằng chiếc xe tải quân sự.

Sớm hơn nữa, tháng 5.2013, một bức ảnh trên Internet, cho thấy một chiếc Pantsir-S1 đang có mặt trên một con đường đâu đó thuộc Miền Bắc Việt Nam. Nhìn kỹ hơn thì có thể là một trường bắn hoặc một cơ sở quốc phòng.

Nhưng, mọi thông tin suy đoán đều xuất phát từ các báo Trung Quốc. Chưa có bất kỳ thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng Việt Nam. Nhưng điều đó có thể hiểu được, người Trung Quốc lo ngại thế nào về Pantsir-S1 cũng như Bastion.

Tổ hợp pháo – tên lửa phòng không tầm gần Pantsir-S1 (mã định danh NATO: SA-22 Greyhound) là hệ thống tên lửa súng phòng không được thiết kế bởi Văn phòng Thiết kế công cụ chính xác (KBP) Tula, Nga, được sản xuất bởi Nhà máy Cơ khí chính xác Ulyanovsk, vùng Ulyanovsk, Nga.

Tổ hợp tên lửa – pháo phòng không Pantsir – S1

Pantsir-S1 (SA-22 Greyhound) Là ổ hợp phòng không tầm gần và tầm trung trên khung gầm xe bánh hơi bốn cầu KAMAZ-6560 nặng khoảng 30 tấn với kíp xe bốn người, bao gồm pháo phòng không tự động và các tên lửa đất đối không trong containers, radar anten mảng pha tích hợp với thiết bị quang điện tử theo dõi, ngắm mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến. Hiện được xem là tổ hợp pháo phòng không - tên lửa có hiệu quả tác chiến chống tên lửa hành trình và phương tiện bay thấp tốt nhất, không có loại vũ khí tương đương trên thế giới.

Tổ hợp được trang bị đến 12 tên lửa đất đối không 57E6 hoặc 57E6-E có tầm bắn xa đến 20 km và tầm cao cực đại là 15000 m, tên lửa hai tầng đẩy nhiên liệu rắn này có thể tiêu diệt mọi mục tiêu tầm thấp. Tác chiến song song cùng với tên lửa là hai pháo tự động 2A38M hai nòng 30 mm, cơ số đạn 700 viên với tốc độ bắn lên đến 2500 phát/phút. Pantsir-S1 còn có thể lắp đặt trên xe bánh xích, trên các chiến hạm và giá bệ cố định của trận địa phòng không.

Các mục tiêu trên không mà tổ hợp Pantsir-S1 tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình, bom có điều khiển. Trong thế trận phòng không khu vực mục tiêu, Pantsir-S1 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ đánh chặn các đòn tấn công chính xác của đối phương.

Chuyên gia quân sự Anton Lavrov nhận xét: Tầm xa tiêu diệt mục tiêu của các loại bom dẫn đường và định vị vệ tinh GPS như JDAM có thể đạt đến 70–100 km, các loại vũ khí chính xác khác, trang bị các đầu đạn tự dẫn laser và radars, có thể tấn công trên khoảng cách thấp nhất là 20 km.

Để tiêu diệt các máy bay tiêm kích mang tên lửa là nhiệm vụ của các tổ hợp tên lửa như S-300, S-400, có tầm bắn xa trên 100 km, các tổ hợp tên lửa này sẽ được bảo vệ bằng các khẩu đội Pantsir-S1, tiêu diệt tên lửa hành trình, bom và tên lửa có điều khiển phóng từ máy bay và các máy bay không người lái.

Các tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển, dẫn đường bằng hệ thống quán tính, định vị vệ tinh NAVSTAR và GPS (Glonass, Bắc đẩu) có trần bay thấp và độ chính xác rất cao.

Được biên chế Pantsir-S1, các sư đoàn phòng không sẽ bảo vệ vững chắc các khu vực mục tiêu quan trọng. Pantsir-S liên kết phối hợp cùng với các tổ hợp tên lửa tầm xa tạo thành một lá chắn phòng không đa tầm mà trong đó, S- 300 và S- 400 sẽ tiêu diệt các phương tiện tác chiến đường không hoạt động ở tầm xa, Pantsir-S1 bảo vệ các tổ hợp tên lửa phòng không, tiêu diệt các vũ khí tấn công tầm thấp trong khu vực mục tiêu bao gồm cả tên lửa hành trình và bom điều khiển.

Lý do khiến Trung Quốc ngại Pantsir – S1

Cuối thế kỷ 20, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ tên lửa hành trình. Năm 2002 Không quân Trung Quốc sở hữu khoảng 2000 tên lửa có điều khiển Kh – 29, cho các máy bay Su – 30 MKK và tương đương. Trung Quốc có hàng trăm tên lửa hành trình Kh – 31P, Kh-59MK.

Theo thông tin từ trang "Sinodefence.com" vào cuối năm 2005, Hải quân PLA nhận được các tổ hợp tên lửa đầu tiên "3M-54DE1" trang bị cho tàu ngầm diesel 636 thuộc tổ hợp tên lửa Club - S.

Các phương tiện mang tên lửa hành trình của Trung Quốc:

Không quân chiếm (31.5%), tàu tên lửa cao tốc hạng nhẹ chiếm (21.7%).. Các chiến hạm có lượng giãn nước lớn – khu trục hạm, tàu hộ vệ tên lửa và tàu ngầm chiếm phần còn lại trong tổng số tên lửa hành trình tấn công, riêng tàu ngầm có số lượng tương đối nhỏ (9,9%) do thực hiện nhiệm vụ chống ngầm. Một số lượng rất lớn tên lửa hành trình trên chiến hạm nổi và tàu ngầm: khoảng 88.6% (448 tên lửa hành trình "HY-2", 720 "YJ-8, -83" và 32 "3М-80E") thực hiện nhiệm vụ tác chiến tầm gần, từ 95-120 km, chỉ có khoảng 4.7%  tên lửa (32 tên lửa chống tàu "3М-54E1" và 32 "YJ-62") có thể tấn công trên khoảng cách xa, đến 280-300 km chiều sâu chiến trường.

Không quân Hải quân PLA có thể tấn công được trên tầm xa từ 600 đến 1500 km – 238 tên lửa hành trình (16.1% tổng số tiềm lực tên lửa hành trình của PLAN) bao gồm 66 tên lửa hành trình "YJ-6, -61" (cho 33 máy bay ném bom "H-6D, Е, H"), 28 tên lửa hành trình "YJ-83" biên chế cho 7 máy bay "H-6X" và 144 tên lửa hành trình, biên chế trên các máy bay chiến đấu từ Nga "Su -30МК2".

Chưa có trường hợp nào đánh giá được chất lượng của các tên lửa hành trình của PLAN, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoàn toàn không có các thông số đánh giá tính năng kỹ chiến thuật thực chiến của tên lửa Trung Quốc, nhưng có thể số lượng tên lửa hành trình đã lớn hơn nhiều và tầm bắn cũng xa hơn.

Tháng 3.2016, tuần báo Quốc phòng IHS Jane (Mỹ) cho biết Trung Quốc đã đưa tên lửa hành trình chống hạm Y-62 tầm bắn 400km phiên bản phóng trên đất liền ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hình ảnh phóng tên lửa YJ-62 ASCM đăng ngày 20/3 trên mạng xã hội Weibo  đồng nhất với  hình ảnh sao chép từ một tạp chí quân sự Trung Quốc. Hình ảnh cho thấy cùng với tên lửa hành trình còn có vòm radar mà dân mạng Trung Quốc tin là ở đảo Phú Lâm.

Có thể nhận định rằng, tương tự như Mỹ, Trung Quốc xác định vũ khí chủ lực tác chiến trên biển Đông hiện nay và trên Thái Bình Dương trong tương lai sẽ là tên lửa hành trình phóng từ chiến hạm hoặc máy bay không quân hải quân. Chính vì vậy, việc xuất hiện khắc tinh của tên lửa hành trình Trung Quốc đương nhiên sẽ gỡ bỏ một loại vũ khí răn đe nguy hiểm, buộc Bắc Kinh phải thận trọng hơn.

Xung đột biển Đông, PLA sẽ sử dụng tên lửa hành trình

Trong giai đoạn hiện nay, sau khi biến bảy rạn san hô thành đảo nhân tạo, căng thẳng trên các vùng tranh chấp biển Đông tiếp tục nóng lên, thế giới đang chờ đợi phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan. Đồng thời cũng chờ đợi những động thái quân sự mới của Bắc Kinh.

Sự hiện diện của nhiều lực lượng và căng thẳng gia tăng dễ dàng đẩy đến một “xung đột không chủ ý” “dạy cho một bài học” hoặc “cuộc chiến chủ quyền”, dẫn đến việc tấn công đánh chiếm một vài hòn đảo nhỏ nào đó trong quần đảo Trường Sa để chứng minh sức mạnh răn đe của một cường quốc mà không dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ III.

Trong mọi tình huống xung đột, PLA sẽ sử dụng tên lửa hành trình tấn công tấn công vào những mục tiêu then chốt trên quần đảo Trường Sa, phá hủy khả năng thông tin liên lạc, điều hành tác chiến, tiến công phá hủy các công trình hạ tầng quân sự, thậm chí sử dụng tên lửa chống tàu tấn công các chiến hạm đối phương trong tình huống các chiến hạm tham gia ngăn chặn các hoạt động cưỡng đoạt chủ quyền của kẻ thù tiềm năng. Thành công trong đợt tập kích ban đầu, kẻ thù có thể sử dụng lực lượng đổ bộ đường không hoặc đường biển đánh chiếm đảo.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam được bảo vệ thế nào?

Đầu năm 2014, trang China New công khai vu cáo Việt Nam đưa tên lửa phòng không S- 125 ra quần đảo Trường Sa, cho thấy một sự lo ngại thật sự về tên lửa phòng không bảo vệ bầu trời biển đảo.

Tháng 2.2016, Mỹ, EU cùng nhiều quốc gia trong khu vực kêu gọi Trung Quốc không quân sự hóa biển Đông. Nhưng chỉ sau hai tháng, đã có nhiều thông tin cho biết Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa chống hạm YJ-62, từng bước biến Phú Lâm thành bàn đạp hướng mũi tiến công Không – Hải về hướng Trường Sa.

Cùng với rất nhiều khu trục hạm mang tên lửa hành trình, máy bay ném bom mang tên lửa hành trình, khinh hạm tên lửa tốc độ cao, với hệ thống phòng không chiến hạm của khu trục hạm Type 052D. PLA tin tưởng sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối trên không trong vùng nước Trường Sa khi khởi động thế công, với điều kiện Việt Nam không có hệ thống phòng không hiện đại trên đảo Trường Sa.

Khu trục hạm phòng không - tên lửa Type 052D

Trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đảo Trường Sa Lớn là đảo trung tâm hành chính và cũng là trung tâm phòng thủ biển đảo khu vực Trường Sa do có đường băng dài 550 m (đang được mở rộng thêm), diện tích đảo khoảng 0,15 km2 và đầy đủ cơ sở hạ tầng, truyền thông và thông tin liên lạc.

Đảo Trường Sa Lớn, Việt Nam

Trường Sa Lớn nằm cách Cam Ranh khoảng 254 hải lí (470,4 km) và cách Vũng Tàu hơn 500 km đường biển.

Dựa trên nguồn thông tin đại chúng, hiện Trường Sa được bảo vệ bởi các đơn vị Phòng không – Không quân gần nhất là Trung Đoàn không quân 925, được biên chế máy bay tiêm kích Su – 27 và sư đoàn phòng không 377, trong đó một bộ phận của trung đoàn radar 292 có mặt trên các đảo làm nhiệm vụ canh giữ biển trời.

Trong tình huống bị tấn công từ một cụm binh lực hải quân đối phương giả định, Trường Sa Lớn sẽ bị tấn công đầu tiên bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu then chốt, đặc biệt là các phương tiện truyền thông, chỉ huy, điều hành tác chiến. Với khoảng cách gần như tương đương từ đảo Phú Lâm, không quân hải quân PLA có thể ngăn cản không quân Việt Nam tiếp cận vùng trời Trường Sa, từ đó khống chế không phận, phá hủy thông tin liên lạc khu vực và tấn công đánh chiếm một số đảo chìm hoặc đảo nhỏ.

Nhưng điều đó sẽ khác nếu trên Trường Sa Lớn có được Pantsir – S1.

Theo trang mạng xã hội ru.wikipedia.org, có một điểm khá thú vị mặc dù không được khẳng định từ bất cứ nguồn thông tin nào cả Nga và Việt Nam. Theo trang tin này, Việt Nam đã sở hữu khoảng 12 tổ hợp Pantsir-S1 với 300 9M311 tên lửa "Sosna-R". Một đơn vị thuộc sư đoàn phòng không 361, có nhiệm vụ bảo vệ tổ hợp tên lửa S-300 trong hệ thống bảo vệ không phận Hà Nội, một đơn vị khác thuộc sư đoàn phòng không 377 có mặt ở Cam Ranh.

Thông tin không đưa ra bất kỳ nguồn gốc nào, trên mạng xã hội dẫn nguồn từ SIPRI cho rằng Việt Nam chưa nhận được các tổ hợp Pantsir-S1.

Một điều kỳ lạ là Pantsir –S1 của Việt Nam lại là tổ hợp xe kéo, trong khi đó thông thường Pantsir – S1 được lắp đặt trên xe KAMAZ-6560 hoặc xe bánh xích để tăng cường khả năng cơ động.

Giả thiết đặt ra là sư đoàn 377 được trang bị Pantsir-S1 để bảo vệ quân cảng Cam Ranh và có nhiệm vụ phòng không quần đảo Trường Sa, thì việc Pantsir – 1 trên xe kéo hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phòng không đảo Trường Sa Lớn.

Việt Nam có thể trang bị các tổ hợp Pantsir-S1 xe kéo trong các trận địa phòng không phòng thủ kiên cố và bí mật do đảo có diện tích nhỏ, không cần khả năng cơ động . Các xe kéo sẽ khiến việc xây dựng các công sự bảo vệ Pantsir – 1 trở lên dễ dàng hơn. Trong tình huống cần thiết, các xe vận tải bất kỳ hoặc nhân lực cũng có thể đưa tổ hợp rời trận địa.

Không như S-125 hoặc S-75 Dvina, Pantsir -1 có thể sử dụng nguồn thông tin từ các đài radar của trung đoàn 292, không bộc lộ sự hiện diện trên đảo, giữ được yếu tố bất ngờ và những vấn đề liên quan đến “quân sự hóa biển Đông”.

Trong tình huống bị tấn công bằng tên lửa hành trình, các tổ hợp Pantsirs có khả năng tiêu diệt các đầu đạn tên lửa của đối phương, phá thế bất ngờ trong một trận tập kích đường không, đủ thời gian cho các lực lượng trên đảo và đất liền triển khai các phương án chiến đấu đối phó kịp thời.

Khi các lực lượng trên quần đảo và phòng thủ bờ biển, không quân và hải quân chuyển trạng thái vào chiến đấu, vấn đề còn lại sẽ được giải quyết bằng không quân, tên lửa bờ biển và các hạm tàu của Hải quân Việt Nam.

Trong tình huống mất đi yếu tố bất ngờ, không thể phong tỏa thông tin và khống chế không phận Trường Sa, đối phương phải đối mặt với tình huống chiến tranh mở rộng hoặc phải rút quân, nhưng chắc chắn mục đích đặt ra trong chiến dịch không thể đạt được.

Pantsir – S1 trên Trường Sa Lớn, nếu có thực, chính là vũ khí then chốt bảo vệ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ Quốc.

Pantsir - S1 thử nghiệm tiêu diệt các mục tiêu tên lửa hành trình và máy bay tầm thấp không người lái năm 2006

TTB