Putin và những người ‘cuồng Nga’ ở Đức

Đầu tháng 2/2016, Horst Seehofer, Thủ hiến bang Bavaria và là một đồng minh khó chịu của Thủ tướng Angela Merkel, đã gây xáo trộn chính sách ngoại giao Đức bởi cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến viếng thăm này của ông Seehofer không gây nên tác động chính thức.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel

Tuy nhiên, việc ôm thân mật một nhà lãnh đạo mà bà Merkel đang đối xử một cách thận trọng đã khiến “chính sách hướng Đông” hay Ostpolitik,vốn đã gây nhiều tranh cãi của Đức càng trở nên rắc rối hơn.

Thuật ngữ này được hình thành từ chính sách xích lại gần khối các nước XHCN vào năm 1969 của Willy Brandt, vị thủ tướng đầu tiên của Đảng Dân chủ Xã hội ở Tây Đức. Điều này đã khởi động quy trình bình thường hóa quan hệ với Đông Đức và các quốc gia khác trong khối Hiệp ước Varsaw, cũng như giảm bớt những căng thẳng với Liên Xô. Hiện nay, những thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội vẫn ghi nhận vai trò của Ostpolitik trong sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Sau khi nước Đức tái thống nhất với sự chấp thuận của Liên Xô, tinh thần hòa giải đã lan rộng đến Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu, mà người đứng đầu hiện nay là bà Merkel. Điều này cũng đã sản sinh ra khái niệm Russlandrersteher (“Những người am hiểu nước Nga”), những người Đức đã trộn lẫn sự cảm thông dành cho nước Nga và mối ác cảm đối với nước Mỹ.

Nữ Thủ tướng Đức đã không còn tin vào nguyên tắc cơ bản của của chính sách Ostpolitik là “thay đổi thông qua việc xích lại gần đối phương” sau khi ông Putin chiếm giữ Crimea và gửi quân đội Nga đến hỗ trợ phe ly khai ở Ukraine. Bà đã điều phối một phản ứng mạnh mẽ của châu Âu, đó là kết hợp những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn với đối thoại để tránh căng thẳng leo thang hơn nữa.

Nhưng chỉ cách văn phòng của bà Merkel 10 phút đi taxi, tại Bộ Ngoại giao Đức, chính sách cũ Ostpolitikvẫn đang được tiếp diễn. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier là một thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội. Ông cũng từng là chánh văn phòng của Gerhard Schröder, vị Thủ tướng gần đây nhất của Đảng Dân chủ Xã hội. Sau thất bại trước bà Merkel vào năm 2005, ông Schröder, một người bạn của ông Putin, đã trở thành chủ tịch hội đồng cổ đông của dự án khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), một đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Hiện nay, ông được cho là đang đóng vai bồ câu trước móng vuốt diều hâu của bà Merkel.

Bàn tay của Đảng Dân chủ Xã hội hiện hữu trên mọi kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí thứ hai qua biển Baltic với tên gọi Nord Stream 2, được xây dựng bất chấp việc đường ống hiện tại đang hoạt động chỉ với một nửa công suất. Một thỏa thuận giữa Nga và Đức đã được công bố tại Moskva vào mùa thu năm ngoái bởi Sigmar Gabriel, bộ trưởng kinh tế đồng thời là một nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức.

Ngoài nước Nga và Đảng Dân chủ Xã hội, dự án Nord Stream 2 không có nhiều đồng minh. Ba Lan, Slovakia, và các quốc gia Baltic khác đang tỏ ra kinh ngạc trước điều mà họ nhìn nhận là một thỏa thuận nham hiểm nhằm thúc đẩy lợi ích kinh doanh của Đức với cái giá là an ninh năng lượng của chính họ. Nga có thể bỏ rơi những đường ống chạy qua Ba Lan và Ukraine, khiến họ lâm vào tình trạng thiếu khí đốt và phó mặc số phận vào bàn tay của những nước láng giềng quyền lực (và trước giờ không mấy thân thiện). Ủy ban châu Âu cũng nhận định tương tự như vậy. Vào năm 2014 Ủy ban đã ngăn chặn một dự án đường ống dẫn khí khác, trong đó khí đốt từ Nga được dẫn qua Biển Đen và Trung Âu. Nước Mỹ, lo ngại rằng Nord Stream 2 sẽ làm mất nguồn thu từ phí trung chuyển của Ukraine, cũng phản đối dự án này.

Rất nhiều người Đức khác cũng không đồng tình với dự án này. Norbert Röttgen, một thành viên của Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo đồng thời là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức, cho rằng tuyên bố của chính phủ về việc Nord Stream 2 là một vấn đề thương mại chứ không phải địa chính trị là “không thỏa đáng”. Rõ ràng vấn đề này đã gây áp lực buộc bà Merkel phải giữ hòa khí với các đối tác trong liên minh Dân chủ Xã hội của mình.

Tuy nhiên, ông Röttgen cho rằng các lợi ích của Đức, dù đó là việc tự chủ năng lượng trước nước Nga hay đoàn kết với Liên minh châu Âu, sẽ được đáp ứng tốt hơn qua việc phản đối Nord Stream 2. Quan hệ của Đức với Ba Lan và Hungary vốn đã gặp khó khăn do các chính phủ dân tộc chủ nghĩa tại hai quốc gia này. Qua việc cứ bám vào một chính sách Ostpolitik chỉ chú trọng vào nước Nga, Đảng Dân chủ Xã hội đang khiến cho mối quan hệ với các nước khác trong khu vực phía đông ngày càng gia tăng thêm căng thẳng.

Theo QPAN