Putin trước “cạm bẫy” tại Syria

Viettimes - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng leo thang quân sự khi tuyên bố rằng Nga đang sử dụng “chưa hết mọi khả năng có thể” tại Syria và rằng “chúng ta cũng còn nhiều thứ khác và sẽ sử dụng chúng khi cần thiết”.
Tổng thống Putin đang trải qua một giai đoạn khó khăn
Tổng thống Putin đang trải qua một giai đoạn khó khăn

Cuối tháng 9/2015, Nga triển khai hàng chục chiến đấu cơ tới Syria nhằm cứu chế độ của tổng thống Bashar al-Assad. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm mục tiêu bảo vệ một trong những đồng minh ít ỏi của Nga và giành lợi thế trong các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới về cuộc nội chiến Syria.

Truyền thông Nga coi đây là một nỗ lực anh hùng để cứu một thế giới văn minh khỏi bàn tay chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, tại Washington ông Putin lại bị xem là đang sa lầy. Tờ The Economist đánh giá: “Nếu như các nhà quan sát Syria của Mỹ nhất trí về điều gì thì đó chính là chiến dịch quân sự của Nga có khả năng giúp lực lượng Assad chỉ giành được một số thắng lợi nhỏ sẽ thất bại, và do đó sẽ thúc đẩy Nga tăng cường sự ủy nhiệm. Điều đó sẽ là là một sự ủng hộ to lớn đối với các cuộc đàm phán hòa bình của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được Liên hợp quốc hậu thuẫn, với mục đích thay thế Assad bằng một chính phủ quá độ vào năm tới”.

Song liệu một thất bại với ông Putin có thực sự là tin tốt? Theo The Atlantic, nếu như chiến dịch quân sự của ông Putin tại Syria không có lối thoát, kết quả có thể sẽ không dẫn tới hòa bình.

Trong những tuần gần đây, các lực lượng của Assad đã giành được một số thắng lợi hạn chế xung quanh thành phố Aleppo. Nhưng về tổng thể tình hình chiến lược, Damascus vẫn đang ở tình trạng rất hiểm nghèo. Năm ngoái, chính quyền Syria đã hứng chịu hàng loạt thất bại nặng nề trên chiến trường và ông Assad đã công khai thừa nhận rằng “mệt mỏi” và “thiếu nguồn nhân lực cho quân đội”. Chế độ chỉ còn kiểm soát khu vực bờ biển chiếm khoảng 1/6 lãnh thổ Syria. Các chiến đấu cơ Nga không đủ để giành thắng lợi. Sẽ phải cần thêm hàng chục ngàn quân để chiếm lại và trụ giữ các thành phố như Aleppo và Raqqa.

Theo The Atlantic , Nga đang ở trong một vị thế hiểm nghèo, bị quốc tế cô lập và khó khăn kinh tế chồng chất. Và hiện nay Putin đang sa vào một tình huống vô định. Moscow không có kinh nghiệm phối hợp tác chiến với Syria, Iran và Hezbollah. Đó là cuộc viễn chinh quân sự đầu tiên của Nga bên ngoài phạm vi ảnh hưởng cận biên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ông Putin cũng đã đặt cược sự nghiệp vào một nhà độc tài bất tài là Assad, theo The Atlantic.

Nga và Syria có thể phải dấn vào một cuộc chiến ủy nhiệm lớn. Ông chủ của các nhóm phiến quân Syria như Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Vùng Vịnh có thể đối phó với chiến dịch quân sự của Nga bằng cách tăng cường hỗ trợ cho các nhóm phiến quân được họ chống lưng, dưới hình thức cung cấp các tên lửa phòng không chẳng hạn. Trong thập niên 1980, Liên Xô đã phải chịu tổn thất nặng nề trong chiến tranh tại Afghanistan do CIA cung cấp các tên lửa vác vai Stinger cho lực lượng thánh chiến.

Để xem điều gì có thể chờ Putin, hãy nhìn kinh nghiệm của Iran tại Syria. Khi Tehran quyết định giúp Assad, dường như Iran không hình dung được rằng Syria lại khiến họ tổn thất hàng trăm binh sĩ và cả chục tỷ USD. Hoặc như lực lượng ủy nhiệm Hezbollah đã vượt biên giới vào Syria để cứu Assad và sau đó đã mất khoảng 1.200 đến 1.700 chiến binh trong bãi lầy chiến tranh.

Binh sĩ Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Binh sĩ Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

Các nhà lãnh đạo thường phản ứng trước thất bại với những quyết định thảm họa chỉ càng khiến hoàn cảnh khó khăn của họ thêm tồi tệ. Nói cách khác, theo The Atlantic, cuộc chiến của Putin rất có thể sẽ thất bại. Nhưng nếu việc đó xảy ra, liệu nhà lãnh đạo Nga có nhượng bộ hay bỏ rơi đồng minh? Nếu Tổng thống Nga hành động một cách lý tính, ông nên cắt bỏ thất bại của mình. Tuy nhiên, rất có thể ông Putin sẽ không hành động như vậy.

Một phần của vấn đề là thứ các nhà tâm lý học gọi là “hội chứng không muốn thất bại”. Trong tâm trạng đó, Tổng thống Mỹ khi mất 1.000 binh sĩ tại Việt Nam đã không chấm dứt chiến tranh, thay vì thế ông ta điều thêm nửa triệu quân Mỹ tới bãi lầy.

Thật khó tưởng tượng được ông Putin chấp nhận thất bại. Ông đã được trau chuốt hình ảnh như người cha của người Nga, người đang khôi phục lại vị thế của nước Nga như một cường quốc thế giới. Nếu như chế độ Assad sụp đổ, Nga có thể sẽ mất căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài từ thời Liên Xô là căn cứ hải quân Tartus ở Syria. Do đó, nếu như công sức đổ bể, ông Putin có thể muốn cứu thứ gì đó khỏi con tàu đắm bằng cách đưa cuộc xung đột vào một giai đoạn nguy hiểm mới.

Ông có thể tăng cường các cuộc không kích hoặc triển khai đội quân “những người lịch sự” như đã từng làm trong cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine. Một khi các binh sĩ Nga bỏ mạng tại Syria, tất cả vụ đặt cược đều nguy.

The Atlantic cho rằng để kéo Putin ra khỏi Syria, Mỹ có thể cần có biện pháp dài hơi bằng cách tránh bêu riếu sự thất bại lớn của Nga.  Tuy nhiên, ông Putin từng đáp trả trước thất bại tiềm tàng của các chế độ đồng minh bằng lực lượng quân sự. Năm 2008, quân đội Nga đã can thiệp vào Georgia nhằm trừng phạt tổng thống thân phương Tây Mikheil Saakashvili và bảo vệ sự độc lập của hai vùng lãnh thổ Abkhazia và Nam Ossetia. Sáu năm sau vào năm 2014, Putin lại hậu thuẫn dân quân ly khai Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea sau khi tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ. Cuối 2015, khi lực lượng Assad nguy ngập, ông Putin lại một lần nữa can thiệp nhằm cứu nguy cho đồng minh Syria.

Và ông Putin đã sẵn sàng leo thang quân sự khi tuyên bố rằng Nga đang sử dụng “chưa hết mọi khả năng có thể” tại Syria và rằng “chúng ta cũng còn nhiều thứ khác và sẽ sử dụng chúng khi cần thiết”.

Chung quy, ông Putin cần một câu chuyện để nói với người dân Nga về kết quả tích cực của chiến dịch quân sự tại Syria. Ông cần một bài diễn văn chiến thắng, The Atlantic kết luận.

T.N